Câu hỏi 2: Đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ, thường xuyên thực hiện các biện pháp để khống chế, dập tắt dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò trong thời gian sớm nhất, để bảo vệ tài sản cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời:
Bệnh Viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn trâu bò do virus gây ra, dịch bệnh lần đầu tiên xâm nhiễm vào Việt Nam vào tháng 10/2020 tại các tỉnh phía Bắc. Tại Hà Tĩnh, Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu tiên được phát hiện vào ngày 15/12/2020 tại xã Mai Phụ (Lộc Hà) và xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà); sau đó bệnh lây lan ra 13/13 huyện, thành phố, thị xã, đã làm cho 2.923 con trâu bò mắc bệnh bị chết, chiếm 1,24% tổng đàn trâu bò.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh cụ thể. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đồng ý cho triển khai sử dụng vắc xin tiêm phòng thí điểm để phòng chống bệnh Viêm da nổi cục cho đàn trâu bò tại địa phương. Sau 02 đợt triển khai tiêm phòng thí điểm đạt kết quả tốt, các huyện, thành phố thị xã đã tổ chức triển khai tiêm phòng trên diện rộng đối với đàn trâu bò, với 140.000 liều vắc xin, đạt 80% kế hoạch. Đến tháng 5/2021 (sau 4 tháng xảy ra dịch bệnh) tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò cơ bản được kiểm soát, không phát sinh trâu bò mắc bệnh mới, đến nay có 06/13 huyện, thành phố, thị xã không còn trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục; 07/13 huyện còn trâu bò chưa khỏi triệu chứng lâm sàng.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, ổn định phát triển sản xuất chăn nuôi; UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò nói riêng, trong đó:
- Đối với giải pháp trước mắt:
+ Đối với các địa phương có các ổ dịch Viêm da nổi cục trên trâu bò chưa qua 21 ngày cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, phân loại trâu bò bị bệnh tại ổ dịch để có biện pháp điều trị, hộ lý phù hợp, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để dịch bệnh tái phát.
+ Tiếp tục rà soát, tiêm phòng bổ sung vắc xin viêm da nổi cục cho các đối tượng trâu bò chưa được tiêm phòng và số mới phát sinh; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và quản lý chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ trên địa bàn.
- Đối với giải pháp lâu dài:
+ Giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo thực hiện đồng bộ việc kê khai hoạt động chăn nuôi đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Chăn nuôi; kiểm soát, quản lý chặt chẽ được biến động của tổng đàn trâu bò và thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò theo định kỳ hàng năm.
+ Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương rà soát lại tổng đàn gia súc, gia cầm, xác định các vùng nuôi đủ điều kiện để có định hướng chỉ đạo phát triển chăn nuôi đảm bảo hiệu quả bền vững, an toàn, bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030.
Tin mới cập nhật
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (Cử tri huyện Kỳ Anh) ( 29/12)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (Cử tri TP Hà Tĩnh) ( 29/12)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (Cử tri TP Hà Tĩnh). ( 29/12)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (Cử tri huyện Vũ Quang). ( 29/12)
- Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII (Cử tri huyện Hương Sơn). ( 29/12)