Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khoá XVII (Cử tri thành phố Hà Tĩnh).
EmailPrintAa
09:52 25/12/2018

Câu hỏi 4. Đề nghị tỉnh tăng cường quản lý đối với hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn vì hiện nay xảy ra tình trạng lừa đảo, gây bức xúc trong nhân dân

Trả lời:

Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 13/5/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xuất khẩu lao động; UBND tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch, các chính sách hỗ trợ, khuyến khích XKLĐ và nhiều giải pháp tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động.

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín trong cả nước đẩy mạnh công tác tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng liên tục trong các năm gần đây (Năm 2015: 6.103 người, năm

2016: 6.956 người, năm 2017: 8.576 người, năm 2018 dự kiến đạt trên 8.800 người). Số lao động đi lao động ở các nước phát triển tăng nhanh, chỉ tính riêng 3 thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chiếm trên 80% tổng số lao động của tỉnh đi làm việc nước ngoài hàng năm.

Chỉ đạo xử lý kịp thời hàng chục vụ việc vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ; khởi tố, xét xử nhiều vụ. Điển hình như vụ: Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế Việt tại Ninh Bình lừa đảo 8 lao động tại huyện Kỳ Anh, Thạch Hà và thị xã Hồng Lĩnh đi làm việc tại Bồ Đào Nha và Singapore với tổng số tiền 40.500 USD (bị cáo đã bị tuyên phạt 12 năm tù giam); vụ ông Phạm Tiến Phát - Giám đốc Công ty Tiến Phát (Văn phòng đóng tại đường Vũ Quang - TP Hà Tĩnh lừa đảo 36 lao động đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Oxitrâylia với tổng số tiền hơn 4.000 triệu đồng (bị cáo đã bị tuyên phạt 16 năm tù giam); vụ ông Nguyễn Văn Hồng – Nguyên cán bộ UBND xã Thạch Kim - huyện Lộc Hà lừa đảo 11 lao động ở xã Thạch Kim, xã Thạch Bằng với số tiền 82.000 USD (hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý).v.v...

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách; công khai minh bạch thông tin; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tổ chức tổng rà soát các tổ chức, cá nhân có tham gia các hoạt động cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài, trên cơ sở đó lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với tất các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung ứng xuất khẩu lao động.

Hiện tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thanh tra hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng xuất khẩu lao động đối với 75 đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động, trong đó 48 đơn vị, doanh nghiệp có giấy phép và 27 đơn vị không có giấy phép. Thời gian tiến hành từ tháng 12/2018 và đến tháng 02/2019.

Đồng thời với các giải pháp trên, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng Đề án nâng cao chất lượng quản lý hoạt động xuất khẩu lao động, thực tập sinh, du học nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2025 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

VP

    Ý kiến bạn đọc