Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII (cử tri huyện Hương Sơn, Can Lộc, Vũ Quang)
EmailPrintAa
16:10 27/11/2017

Câu hỏi:

Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh có giải pháp đầu tư trang thiết bị, chuyển giao công nghệ và tăng cường đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và tay nghề cao hỗ trợ tuyến y tế cơ sở; quan tâm giải quyết những bất cập trong cơ chế khám chữa bệnh, cấp phát thuốc Bảo hiểm y tế nhất là tại trạm y tế cơ sở

Trả lời:

7.1. Về các giải pháp đầu tư trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở:

          - Trong những năm qua, mặc dù nguồn ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở(Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của HĐND tỉnh Phê duyệt một số cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn tỉnh). Theo đó, trang thiết bị y tế từng bước được ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở qua các năm:

+ Năm 2016 tỉnh đã bố trí hơn 11 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế công lập sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chính sách đặc thù ngành Y tế của Nghị quyết 144, trang bị 10 máy chạy thận nhân tạo cho Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh (mỗi đơn vị 05 máy), 01 máy xét nghiệm sinh hóa tự động cho Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Quang và gói trang thiết bị y tế cơ bản cho 50 trạm y tế xã;

+ Năm 2017 đã thực hiện khảo sát nhu cầu trang thiết bị tại 64 trạm y tế xã để tiếp tục hỗ trợ mua các trang thiết bị cơ bản phục vụ cho công tác chuyên môn (ưu tiên cho các trạm y tế vùng sâu, vùng xa, các xã vùng 3, vùng 2 có điều kiện giao thông đi lại khó khăn).

          - Các hoạt động của Ngành Y tế cũng đặc biệt quan tâm chú trọng đến phát triểny tế cơ sở. Thực hiện lồng ghép một cách có hiệu quả trong triển khai các Chương trình, Dự án gắn với đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị cho các trạm y tế xã như: Dự án Gavi hỗ trợ gói trang thiết bị cho 69 trạm y tế xã (mỗi gói có trị giá 200 triệu đồng), đầu tư máy siêu âm cho 45 trạm y tế; đề xuất 86 trạm y tế xã vào danh sách các trạm y tế thụ hưởng trang thiết bị từ Dự án giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế - Bộ Y tế (HPET)…

          - Việckêu gọi xã hội hóa đầu tư trang thiết bị cho y tế cơ sở được triển khai có hiệu quả. Năm 2017, Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho 3 BVĐKcấp huyện:thành phố Hà Tĩnh,huyện Nghi Xuânhuyện Kỳ Anh và 02 trạm y tế: Xuân Lộc, Sơn Hòa với tổng mức tài trợ 2 tỷ đồng.

          - Thực hiện Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ,UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này (sau khi được phê duyệt) sẽ là cơ sở để tiếp tục triển khai các giải pháp, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến y tế cơ sở, trong đó có lộ trình đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế.

          7.2. Về giải pháp tăng cường đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và tay nghề cao chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến y tế cơ sở:

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, hỗ trợ cho y tế cơ sở phát triển chuyên môn kỹ thuật, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế và các địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể để tăng cường đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và tay nghề cao hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, như:

          - Ngoài chính sách thu hút của tỉnh theo Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh, các địa phương tùy vào điều kiện thực tế đã ban hành các cơ chế,chính sách riêng để thu hút tuyển dụng bác sĩ, thu hút các chuyên gia giỏi về làm việc trên địa bàn như: TX Hồng Lĩnh, huyện Lộc Hà. Các bác sĩ được tuyển dụng qua các năm đều có năng lực, chuyên môn đáp ứng tốt cho nhu cầu khám chữa bệnh. (Năm 2016 đã thực hiện tuyển dụng 21 bác sĩ chính quy gồm các lĩnh vực bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, y tế dự phòng về công tác tại các bệnh viện trong ngành; 06 tháng đầu năm 2017 đã tuyển dụng được 17 bác sỹ, hiện nay đang tiếp tục giao cho các bệnh viện tuyển dụng 86 bác sĩ,bước đầu thực hiện nhiệm vụ tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

          - Về công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới chuyển giao kỹ thuật: Các bệnh viện đều chủ động thành lập Ban Chỉ đạo tuyến và xây dựng kế hoạch triển khai công tác chỉ đạo tuyến cho các đơn vị tuyến dưới ngay từ đầu năm. Các bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện YHCT, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng… đã cử các bác sĩ có năng lực, trình độ để tăng cường hỗ trợ tuyến dưới theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”và luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề theo Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo các lĩnh vực sản khoa, phục hồi chức năng, châm cứu, phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiết niệu... Căn cứ  vào nhu cầu, khả năng đáp ứng về trang thiết bị của các đơn vị y tế cơ sở, các bệnh viện tuyến trên đã xây dựng kế hoạch để thực hiện chế độ luân phiên, tránh tình trạng lãnh phí về nhân lực. Việc chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh cho các đơn vị tuyến dưới đã đạt được các hiệu quả đề ra. Năm 2016 có 363 lượt cán bộ tuyến dưới được tập huấn chuyên môn do bệnh viện tổ chức. Chuyển giao cho tuyến dưới 13 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng, đặc biệt lớp Điện tâm đồ cơ bản với thời gian đào tạo 01 tháng đã đạt được nhiều kết quả tốt, các học viên tuyến huyện, xã áp dụng hiệu quả những kiến thức đã được đào tạo trong công tác chuyên môn (nhiều máy điện tim được trang bị theo dự án ở cơ sở từ lâu không sử dụng đã được đưa vào hoạt động có hiệu quả). Ngoài ra, các bệnh viện tuyến huyện có năng lực chuyên môn tốt theo các lĩnh vực cũng cử cán bộ luân phiên hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện khác như: BVĐK Thành phố hỗ trợ lĩnh vực ngoại khoa cho BVĐK Hương Sơn hay BVĐK Đức Thọ hỗ trợ lĩnh vực sản, ngoại khoa cho BVĐK Vũ Quang…

- Các bệnh viện tuyến huyện đều cử cán bộ xuống các trạm y tế trực tiếp chỉ đạo,hướng dẫn về công tác khám chữa bệnh, cách làm hồ sơ bệnh án, hướng dẫn một số kỹ thuật thông thường trong cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, công tác điều dưỡng, công tác dược và quản lý trang thiết bị… Đối với các trạm y tế chưa có bác sĩ định biên thì các bệnh viện tuyến huyện hỗ trợ bằng hình thức cử bác sĩ về khám chữa bệnh tại trạm ít nhất 02 buổi/tuần.

- Các cơ sở y tế đã chú trọng đến công tác đào tạo sau đại học và đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y, dược sĩ để chuẩn hóa theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tập trung triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh và phát triển kỹ thuật cao tương đương với các bệnh viện trong vùng; đào tạo chuyển giao kỹ thuật và đào tạo tại chỗ (trong đó chú trọng đào tạo các ê kíp phù hợp).Hàng năm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế thôn, bản, cộng tác viên dân số; Đào tạo nâng cao trình độ về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức đào tạo phù hợp.

- Công tác đào tạo liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên được quan tâm thực hiện. Triển khai chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức đào tạo của các chương trình, dự án, ưu tiên kinh phí các chương trình, dự án từ ngân sách trong nước và ODA để đào tạo cho y tế tuyến xã.

Giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu mỗi cán bộ y tế tuyến xã được tham dự ít nhất 1-2 lớp đào tạo, tập huấn. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo; cập nhật, nâng cao kiến thức các nội dung CSSKBĐ, đào tạo bác sĩ gia đình/Y học gia đình vào chương trình đào tạo cơ bản của Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh.Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn từ trung tâm y tế xuống trạm y tế và ngược lại đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã và những vùng khó khăn; đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

          7.3. Về nội dung quan tâm giải quyết những vấn đề bất cập trong cơ chế khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc Bảo hiểm y tế nhất là tại trạm y tế:

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thì: Khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn được thực hiện thông qua hợp đồng với Bệnh viện đa khoa cấp huyện. Theo đó, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện có trách nhiệm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho Trạm y tế và thanh toán chi phí sử dụng giường bệnh (nếu có) và dịch vụ kỹ thuật do Trạm y tế thực hiện trong phạm vi chuyên môn; đồng thời theo dõi, giám sát và tổng hợp để thanh toán với tổ chức bảo hiểm xã hội. Tổng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế xã tối thiểu bằng 10% và tối đa không quá 20% của Quỹ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú tính trên số thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại Trạm Y tế xã.

Trong thời gian qua, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện về cơ bản đã thực hiện cấp đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại Trạm y tế xã theo đúng quy định. Tuy nhiên, do số thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại một số Trạm y tế xã quá ít, vì vậy kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế không đủ để cấp thuốc cho nhân dân đến khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế. Đặc biệt, sau khi thực hiện chính sách thông tuyến KCB BHYT tại tuyến huyện, tuyến xã trong tỉnh và thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTCngày 29/10/2015về việc Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc thì những bất cấp trong việc cung ứng thuốc cho các Trạm Y tế xã càng thể hiện rõ.

Để khắc phục những bất cấp nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngành Y tế thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tạo niềm tin cho nhân dân đến KCB tại Trạm y tế xã. Tổ chức phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế để người dân có thẻ BHYT được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại xã đáp ứng nhu cầu KCB thông thường ở tuyến cơ sở. Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến huyện tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện nghiêm túc các quy định về cung ứng thuốc và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật cho các Trạm Y tế xã một cách kịp thời, thuận tiện để tháo gỡ những khó khăn cho các Trạm y tế xã. Đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa đổi các chính sách bất cập về việc giao quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, trong đócó Trạm y tế xã.

 


    Ý kiến bạn đọc