Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XVI.(Cử tri huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Hương Khê)
EmailPrintAa
09:11 14/11/2013

Câu hỏi:

2. Hiện nay Khu kinh tế Vũng Áng đang thu hút một lượng lớn lao động có  trình độ, tay nghề cao. Đề nghị tỉnh có giải pháp trong đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu để con em trong tỉnh có điều kiện tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề

 

Trả lời:

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các công trình, dự án trọng điểm và phát triển kinh tế xã hội thời gian qua được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách và được cấp uỷ, chính quyền đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về đào tạo nghề, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực, lao động kỹ thuật vào làm việc tại các Khu kinh tế, đặc biệt là KKT Vũng Áng.

Trong thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, phát triển hệ thống các cơ sở dạy nghề. Tuy vậy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là đòi hỏi lực lượng lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp, kể cả tay nghề, tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ,...; công tác tuyển sinh đào tạo nghề, tuyển dụng, giải quyết việc làm còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp thường đưa ra yêu cầu cao nên khả năng lao động địa phương được tuyển dụng vào làm việc gặp nhiều khó khăn; thiếu các yêu cầu, tiêu chí cụ thể từ phía doanh nghiệp, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình xây dựng nội dung, chương trình đào tạo. Các công trình dự án hầu hết đang trong quá trình triển khai nên số lao động được đào tạo nhiều nhưng số được giải quyết việc làm còn ít, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động trong tham gia học nghề; các điều kiện khác phục vụ công tác đào tạo nghề về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình cũng là những yếu tố liên quan đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Để tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu ngành nghề, tạo điều kiện để lao động trên địa bàn có điều kiện tham gia sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, lao động kỹ thuật phục vụ các công trình, dự án trọng điểm, thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tình hình, tiến độ đầu tư xây dựng và tuyển dụng lao động tại KKT Vũng Áng và các dự án lớn trên địa bàn. Tổ chức điều tra, cập nhật nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm của người lao động để có kế hoạch đào tạo, tư vấn, giới thiệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

- Tập trung sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với các cấp, các ngành về công tác đào tạo nghề trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng chiến lược đào tạo; tăng cường quản lý lao động tại địa bàn; phân công, phân nhiệm theo dõi, giám sát và đề xuất các giải pháp giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình đào tạo, cung ứng, sử dụng nguồn nhân lực phục vụ các dự án tại KKT Vũng Áng và trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục đầu tư có trọng điểm nhằm nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề; nhất là các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề; đẩy nhanh việc xây dựng, sử dụng hiệu quả Cơ sở đào tạo Cao đẳng nghề Vũng Áng (của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh) và Sàn giao dịch việc làm tại Vũng Áng; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề; tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tổ chức đào tạo đối với 1.280 chỉ tiêu tuyển sinh đại học theo chính sách đặc thù, các mã ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng. Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng theo Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND ngày 03/7/2013 của UBND tỉnh.

- Tăng cường công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình dạy nghề; chỉ đạo các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện công tác đăng ký nhu cầu lao động, yêu cầu về kỹ thuật, ngành nghề đào tạo, cam kết số lượng, chất lượng và thời gian tiếp nhận lao động.

- Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phát triển các mô hình sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Làm tốt công tác huy động các nguồn lực cho Quỹ hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.


    Ý kiến bạn đọc