Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVI (cử tri toàn tỉnh)
EmailPrintAa
15:14 08/07/2014

Câu hỏi:

Hiện nay, việc quản lý các trung tâm y tế dự phòng ở cấp huyện chưa thống nhất; việc bố trí nhân lực y tế trong trạm y tế cơ sở, trung tâm Dân số KHHGĐ chưa đầy đủ; Trang thiết bị tại tuyến bệnh viện huyện thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị tỉnh khảo sát, sắp xếp lộ trình, đầu tư hợp lý để y tế huyện, cơ sở phát huy hiệu quả.

Trả lời:

Về quản lý các trung tâm y tế dự phòng ở cấp huyện: Năm 2013, Sở Y tế đã bàn giao 2 trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện và ngày 31/3/2014, Sở Y tế bàn giao nguyên hiện trạng 10 trung tâm y tế dự phòng còn lại về UBND cấp huyện quản lý. Như vậy, quản lý trung tâm y tế dự phòng cấp huyện là thống nhất theo Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh. UBND cấp huyện quản lý về: Tổ chức, biên chế; tài chính; cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ngành Y tế quản lý, chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật về các lĩnh vực phòng chống, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (phòng chống HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng…).

Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và UBND cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước về y tế, các nội dung phối hợp gồm: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chính sách về y tế; quản lý chuyên môn, nghiệp vụ; thanh tra, kiểm tra; quản lý về cơ sở vật chất, nhân lực; công tác cán bộ; thi đua, khen thưởng, kỷ luật; thống kê, báo cáo.  

- Về bố trí nhân lực trạm y tế và Trung tâm Dân số-KHHGĐ: Theo quy định tại Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 05/6/2007 của Liên Bộ Y tế - Bộ Nội vụ “Hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước”: Biên chế tối thiểu 1 trạm y tế xã, phường, thị trấn là 5 cán bộ (tùy theo vùng miền núi, đồng bằng, dân số, đô thị (phường, thị trấn) và hệ số điều chỉnh theo vùng địa lý để tăng thêm biên chế cho trạm y tế theo quy định; Cơ cấu nhân lực có đủ 5 nhóm chức danh chuyên môn gồm: Bác sỹ, Y sỹ (đa khoa/y học cổ truyền, sản nhi), hộ sinh trung học, điều dưỡng trung học và dược sỹ trung học (đối với miền núi có thể là dược sỹ sơ học, có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm). Năm 2012, Sở Y tế đã bàn giao nguyên hiện trạng các trạm y tế và trung tâm Dân số - KHHGĐ về UBND cấp huyện quản lý. Căn cứ tình hình thực tế, UBND cấp huyện chủ động tuyển dụng, bố trí cán bộ tại trạm y tế bảo đảm về số lượng, cơ cấu; Sở Y tế phối hợp hướng dẫn về cơ cấu cán bộ theo các quy định hiện hành. Về bố trí cán bộ các trung tâm Dân số-KHHGĐ thực hiện theo Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 06/6/2008 của UBND tỉnh, thì mỗi trung tâm đã bố trí đủ số lượng, cơ cấu theo quy định.

- Về trang thiết bị bệnh viện huyện thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu:

+ Thực trạng hiện nay trang thiết bị y tế tại các bệnh viện tuyến huyện còn thiếu, chỉ đáp ứng 30 - 50% so với danh mục quy định của Bộ Y tế;

+ Về nguồn ngân sách mua sắm trang thiết bị tại các bệnh viện tuyến huyện: Ngân sách sự nghiệp y tế hàng năm sau khi chi lương và các khoản phụ cấp, mỗi giường bệnh bệnh viện tuyến huyện được phân bổ 7 triệu đồng để chi thường xuyên; nguồn vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị và sửa chữa trong toàn ngành Y tế theo “chính sách đặc thù” thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 03/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, đã cấp: Năm 2012 là 4,1 tỷ đồng; năm 2013 là 17,718 tỷ đồng (trong đó mua thiết bị cho bệnh viện tuyến huyện 6,35 tỷ đồng) và năm 2014 dự kiến 15 tỷ đồng từ nguồn vượt thu của tỉnh);

 + Nguồn vốn các dự án: Bệnh viện đa khoa các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được đầu tư trang thiết bị từ vốn ODA (mỗi bệnh viện khoảng 10 tỷ đồng); Bệnh viện đa khoa thành phố Hà Tĩnh và Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ mua trang thiết bị từ năm 2014 - 2016 cơ bản đáp ứng danh mục;

Nguồn kinh phí tự chủ để mua sắm trang thiết bị tại các bệnh viện là không đáng kể. Vì vậy, việc huy động nguồn vốn mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện còn khó khăn.

 

- Thực hiện Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, xây dựng lộ trình đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các cơ sở y tế, trong đó có bệnh viện tuyến huyện; dự kiến nguồn vốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho bệnh viện tuyến huyện giai đoạn 2014 - 2020 cần khoảng 500 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 88 tỷ đồng. UBND tỉnh sẽ xem xét cân đối ngân sách hàng năm báo cáo HĐND tỉnh bố trí mua sắm nâng cấp trang thiết bị cho bệnh viện các tuyến.


    Ý kiến bạn đọc