Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII
EmailPrintAa
15:17 09/08/2021

Câu hỏi 4: Đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn nữa; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế và trong nhân dân; xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc COVID-19 và triển khai kịp thời, hiệu quả khi có vắc xin

Trả lời:

4.1. Đối với Công tác phòng, chống dịch bệnh:

a. Đối với phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

- Thực hiện đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế dự phòng, những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Y tế quan tâm, triển khai tích cực, chủ động. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm.

- Toàn tỉnh có hệ thống tổ chức y tế dự phòng hoàn chỉnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã và nhân viên y tế thôn/xóm. Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm đầu tư, mua sắm về trang thiết bị, hóa chất, vật tư sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch; đội ngũ cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các trung tâm y tế tuyến huyện được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hệ thống y tế dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, thôn thực hiện nhiệm vụ giám sát chủ động, tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, giám sát véc tơ, giám sát các ca bệnh nghi ngờ, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Chương trình phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm từ năm 2010 đến nay số mắc có xu hướng giảm mạnh, không có trường hợp tử vong. Với tinh thần chủ động phòng chống dịch, kịp thời phát hiện, cách ly, dập tắt dịch khi mới xuất hiện nên trong hơn 10 năm qua không có vụ dịch bệnh lớn nào xẩy ra trên địa bàn, những ổ dịch nhỏ xuất hiện rải rác tại một số địa phương như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… được phát hiện và dập tắt kịp thời, không để lây lan diện rộng, không có tử vong; nhiều năm liền không có dịch tiêu chảy cấp xảy ra trên địa bàn… Công tác y tế dự phòng đã góp phần quan trọng đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

- UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 29/3/2018 triển khai Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Kế hoạch số 361/KH-UBND ngày 07/11/2018 triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh… nhằm xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

b. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19:

- Từ tháng 3/2020 đến nay trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID -19; Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và các ngành, các địa phương đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các Chỉ thị, Công điện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, phương án khoanh vùng, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19; đáp ứng kịp thời cách ly tập trung khi có công dân nhập cảnh về nước và các trường hợp F1 với số lượng nhiều.

- Toàn tỉnh đã chuẩn bị được hơn 300 cơ sở cách ly tập trung cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với quy mô hơn 20.000 giường; thực hiện cách ly tập trung gần 24.000 lượt người (cả người nhập cảnh và các F1 phát hiện tại cộng đồng và người đi từ vùng dịch về); quản lý cách ly tại nhà gần 60.000 trường hợp.

- Hệ thống y tế dự phòng, giám sát dịch bệnh trên toàn tỉnh được kích hoạt; toàn tỉnh có 8.980 Tổ COVID cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nghi ngờ mắc bệnh, các trường hợp từ ngoại tỉnh về, đặc biệt là rà soát, tổng hợp các trường hợp có biểu hiện ho, sốt,… trên địa bàn.

- Ngành Y tế đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, cả 2 phòng xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều đủ năng lực được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19; đáp ứng kịp thời việc phát hiện sớm để chủ động truy vết, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch; hiện nay năng lực thực hiện mỗi ngày khoảng 50.000 mẫu gộp PCR, 8.000 mẫu đơn. Từ tháng 1/2021 đến nay đã thực hiện được gần 400.000 mẫu SARS-CoV-2.

- Từ tháng 3/2020 đến nay toàn quốc đã trải qua 4 đợt dịch; từ đợt 1 đến đợt 3 tỉnh Hà Tĩnh không có ca lây nhiễm cộng đồng, trong đợt dịch lần thứ 4 trên địa bàn  tỉnh phát hiện 118 ca nhiễm trong cộng đồng, với 30 địa điểm có người mắc; cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã nhanh chóng huy động tổng lực để truy vết, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng khống chế các ổ dịch và ổn định tình hình, đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ngành Y tế chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu của kế hoạch phòng chống dịch bệnh.

c. Việc tiếp nhận, điều trị COVID-19:

- Tỉnh đã chủ động phương án tiếp nhận, điều trị COVID-19 với công suất hơn 300 giường bệnh tại các cơ sở Bệnh viên đa khoa khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh; Bệnh viện Phổi để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và vừa; Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận, điều trị mức độ nặng, nguy kịch, …

- Các bệnh viện và Trung tâm y tế có giường bệnh sẵn sàng phương tiện, vật tư, hóa chất, nhân lực, để tiếp nhận, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

4.2. Công tác phòng chống dịch bệnh trong cơ sở y tế

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, UBND tỉnh và ngành Y tế đã quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh. Các bệnh viện và Trung tâm y tế thường xuyên duy trì công tác sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm test nhanh các trường hợp nghi nhiễm, có phương án cách ly tạm thời khi có trường hợp nghi nhiễm; tăng cường các biện pháp vệ sinh môi trường, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện; triển khai bộ tiêu chí bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn phòng chống dịch; tăng cường rà soát, quản lý người bệnh và người nhà từ các bệnh viện tuyến trên, các vùng có dịch về điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ cho nhân viên y tế và người bệnh, người chăm sóc ở những khoa, phòng có nguy cơ cao, người có biểu hiện nghi ngờ và toàn bộ người bệnh có chỉ định vào điều trị nội trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh, không để tình trạng xảy ra lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.

- Việc triển khai xét nghiệm nhanh sàng lọc tại cơ sở y tế đã phát hiện 01 trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, từ đó phát hiện được ổ dịch tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà để kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch, không để dịch lan rộng trong cộng đồng.

- Qua 04 đợt dịch vừa qua, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắc COVID-19 khi điều trị tại các bệnh viện/trung tâm y tế; có một số trường hợp sau khi đến khám bệnh về nhà phát hiện mắc đã được phân luồng, sàng lọc nên không có lây nhiễm cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

- Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và cung cấp dich vụ y tế cho nhân dân.

4.3. Về việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19:

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp số lượng đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ, tổng số toàn tỉnh có 948.000 đối tượng, trong đó:

+ Đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP: 334.763 người;

+ Lực lượng Quân đội, Công an: 6.767 đối tượng;

+ Công nhân tại các khu công nghiệp trọng điểm, cụm công nghiệp của tỉnh: 44.806 người;

+ Người đủ 18 tuổi trở lên không thuộc các nhóm trên: 561.664 người.

- Chỉ tiêu vắc xin do Bộ Y tế phân bổ 02 đợt là 18.620 liều, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai 02 đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiến độ, an toàn theo kế hoạch đề ra.

+ Đợt 1 được phân bổ 8.950 liều, triển khai tiêm được 10.007 người, đạt tỷ lệ 111,1%.

+ Đợt 2 được phân bổ 9.670 liều, đã triển khai tiêm được 10.382 người, đạt tỷ lệ 107,4 %.

- Đợt 3 Hà Tĩnh được phân bổ 22.700 liều vắc xin, hiện Sở Y tế đã rà soát, dự kiến phân bổ số lượng cho các đối tượng ưu tiên tiếp theo tại Nghị quyết 21/NQ-CP và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao tại các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch tiếp nhận, phân bổ, triển khai tiêm trình UBND tỉnh phê duyệt; triển khai tiêm chủng ngay khi nhận được vắc xin phân bổ, đảm bảo đúng đối tượng, tiến độ, an toàn theo kế hoạch đề ra.

BBT

    Ý kiến bạn đọc