Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016: hoạt động chất lượng và hiệu quả
EmailPrintAa
09:05 11/04/2016

Nhiệm kỳ Hội đồng Nhân dân 2011-2016 hoạt động trong điều kiện kinh tế - xã hội trong tỉnh có nhiều khởi sắc, nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai với nhu cầu lớn về vốn, yêu cầu cao về nguồn nhân lực (cả về số lượng và chất lượng), sự khẩn trương trong tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, cũng như sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng nông thôn mới... là những điều kiện vừa thuận lợi vừa là thách thức, khó khăn đối với hoạt động của các Ban nói chung và của Ban Văn hóa - Xã hội nói riêng.

Xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh nhà; dưới sự chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ với các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan trong hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực của mỗi thành viên, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực đổi mới, hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, du lịch và chính sách tôn giáo; góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ, Ban đã thực hiện gần 50 cuộc giám sát, khảo sát, trong đó có 06 cuộc giám sát chuyên đề và hàng trăm cuộc làm việc với các sở ngành, địa phương; ban hành trên 800 các loại văn bản...

Dấu ấn trong hoạt động giám sát và đổi mới phương thức hoạt động

Xác định đổi mới phương thức giám sát, khảo sát là khâu then chốt, đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Văn hóa - Xã hội đã tập trung nghiên cứu, tìm tòi, trao đổi học tập kinh nghiệm về nội dung, hình thức tổ chức hoạt động; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.


Đồng chí Đoàn Đình Anh - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2011-2016

 

So với các nhiệm kỳ trước, điểm mới trong nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét ngay từ việc lựa chọn xây dựng chương trình giám sát; xác định nội dung giám sát là luôn bám sát theo các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề nổi cộm được cử tri quan tâm, những vấn đề có thể đã được Ban tổ chức giám sát, khảo sát nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Theo đó, căn cứ đối tượng, nội dung, lĩnh vực giám sát, Ban đã linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức, phương pháp, quyết định số lượng, thành phần tham gia giám sát; thời gian thực hiện giám sát được lựa chọn phù hợp với nội dung và các hoạt động chung khác của đối tượng giám sát cũng như hoạt động chung của địa phương mà không ấn định về số lượng; số cuộc giám sát giữa các năm không đồng đều như: năm 2011 Ban đã tổ chức giám sát 12 cuộc nhưng năm 2012, chỉ tổ chức giám sát 03 cuộc; năm 2013 giám sát 05 cuộc... Hoạt động giám sát, khảo sát được chú trọng về chất lượng, hiệu quả; tăng cường về cơ sở và gặp gỡ đối tượng; nội dung, chương trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều cuộc giám sát được chuẩn bị mẫu phiếu điều tra để thu thập thông tin, phục vụ nội dung giám sát.

 Công tác thẩm tra các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết tiếp tục được đổi mới; thực hiện có hiệu quả, linh hoạt trong việc thu thập thông tin, tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của các đề án, dự thảo; kết quả hoạt động giám sát chuyên đề, giám sát, khảo sát thường xuyên và tổng hợp qua báo cáo kết quả hoạt động của các ngành để có sự đánh giá khách quan về tính khả thi của các đề án, dự thảo nghị quyết. Trong quá trình thẩm tra, Ban đã cùng tham gia với các đơn vị xây dựng, hoàn thiện đề án cũng như tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến của người dân để bổ cứu kịp thời nội dung đề án và xây dựng, ban hành nghị quyết sát với tình hình thực tiễn.

Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các bước thẩm tra, nội dung báo cáo đã đưa ra những kiến nghị xác đáng, rõ quan điểm về sự phù hợp giữa nội dung đề án, dự thảo nghị quyết với chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là cơ sở để đại biểu Hội đồng nhân dân nắm bắt thông tin và quyết nghị những vấn đề quan trọng của tỉnh nhà.

Thẳng thắn và trách nhiệm...

Trong các cuộc làm việc với các đơn vị, sở, ngành, Ban Văn hóa - Xã hội đã thẳng thắn chỉ rõ ưu khuyết điểm để các đơn vị bổ cứu, chỉnh sửa. Kết thúc đợt giám sát, khảo sát Ban đã kịp thời ban hành thông báo kết luận khẳng định kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và các kiến nghị, đề xuất đề nghị các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện nhằm đảm bảo các chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Hội đồng nhân dân được thực thi có hiệu quả. Nhiệm kỳ 2011-2016, Ban đã ban hành 50 báo cáo, thông báo kết luận giám sát, khảo sát; nội dung thông báo được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm và ra văn bản chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, nghiêm túc xử lý kịp thời. Việc bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đã được quan tâm thực hiện đúng kế hoạch.

Để đánh giá việc tham mưu, xây dựng nội dung các kiến nghị đề xuất cũng như mức độ xử lý, giải quyết các kiến nghị đề xuất của các đơn vị, Ban Văn hóa - Xã hội đã tổ chức Hội thảo “đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị đề xuất sau giám sát”. Qua hội thảo cho thấy, cơ bản các kiến nghị, đề xuất của Ban đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đúng với chức năng, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước; nội dung kiến nghị cụ thể và sát đúng vấn đề, được các sở ngành hữu quan, đơn vị, địa phương đồng tình, quan tâm thực hiện. Từ năm 2011 đến năm 2014, trong tổng số 75 nội dung kiến nghị đối với các sở, ngành, đơn vị thì có 84% nội dung đã được xử lý còn 16% nội dung đang được xem xét, xử lý hoặc xử lý chậm, chưa dứt điểm.

 


Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại huyện Lộc Hà

 

Thực hiện chức năng đại diện của mình, nhiệm kỳ qua, lãnh đạo và thành viên Ban Văn hóa - Xã hội đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ mối liên hệ với các cơ quan Trung ương và các sở, ban, ngành, địa phương; tham dự tiếp xúc cử tri khá đầy đủ và trả lời ý kiến của cử tri có chất lượng. Sau tiếp xúc cử tri, các đồng chí thành viên đã tổ chức làm việc với lãnh đạo địa phương để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương và trao đổi, lựa chọn nội dung chất vấn gửi đến kỳ họp. Trên cương vị công tác, các đồng chí thành viên đã nghiêm túc theo dõi, đôn đốc các kiến nghị, đề xuất sau giám sát và những nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân trên lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Đối với hoạt động giải quyết đơn thư, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng đơn thư chuyển đến Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân tỉnh không nhiều; nội dung đơn thư tập trung chủ yếu vào các nội dung giải quyết chế độ chính sách xã hội, giáo dục - đào tạo. Sau khi tiếp nhận, nội dung đơn thư được nghiên cứu kỹ lưỡng và tiến hành tổ chức làm việc với các đơn vị, địa phương, các ngành liên quan, các đối tượng để yêu cầu giải quyết, trả lời công dân theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, đơn thư được giải quyết dứt điểm, đúng chính sách pháp luật, được cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

...Và đi tới cùng vấn đề

Hiệu quả của giám sát phụ thuộc rất nhiều vào “hậu giám sát”, vào việc tiếp thu các kết luận, các kiến nghị sau giám sát của các cá nhân, tổ chức chịu sự giám sát. Vì vậy, để nâng cao chất lượng giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội tiếp tục lựa chọn, truy vấn lại một số vấn đề đã được tổ chức giám sát như việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục; vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác vận hành, quản lý các công trình cấp nước sạch tập trung. Qua “hậu giám sát” cho thấy một số tồn tại hạn chế còn chậm khắc phục, một số kiến nghị đề xuất của Ban chưa được xử lý dứt điểm như việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa sát với tình hình thực tiễn địa phương, các Trung tâm dạy nghề đang đào tạo theo ngành đào tạo của trường mà chưa quan tâm đến nhu cầu của người học; công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung chậm khắc phục, hiệu quả chưa cao...

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả giám sát, việc chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh được các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội chuẩn bị kỹ lưỡng. Đối với các vấn đề chất vấn tại kỳ họp, nhiệm kỳ qua, Ban Văn hóa - Xã hội đã có gần 30 câu hỏi chất vấn; nội dung tập trung vào các vấn đề trọng tâm, làm rõ một số vấn đề bức xúc, quan tâm của Nhân dân, bình quân mỗi kỳ họp có từ 3 đến 5 câu hỏi chất vấn, nội dung tập trung vào các lĩnh vực như: quản lý nhà nước về công tác đào tạo nghề nông thôn, nước sạch vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế, giải quyết chế độ thương binh, gia đình có công với cách mạng. Các câu hỏi chất vấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, các thông tin liên quan được thu thập và có bằng chứng xác thực về vấn đề cần chất vấn. Nội dung câu hỏi gọn, rõ, cụ thể, mang tính xây dựng và đi thẳng vào trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức nên đã khắc phục được tình trạng trả lời vòng vo, né tránh trách nhiệm, nêu thành tích của mỗi đơn vị.

Với sự thẳng thắn, đầy trách nhiệm của những người đại biểu dân cử, tại phiên thảo luận tổ, các đồng chí thành viên Ban đã tham gia thảo luận nhiều ý kiến mang tính phản biện cao đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo, nghị quyết, đề án trình tại kỳ họp. Tại các phiên chất vấn với những nội dung trả lời chưa thỏa đáng của các đơn vị, các đồng chí thành viên tiếp tục nêu câu hỏi, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai? Hướng khắc phục, xử lý trong thời gian tới... Vì vậy, tại nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, nội dung trao đổi, chất vấn của Ban Văn hóa - Xã hội đã trở thành chủ đề nóng tại kỳ họp, được đại biểu và cử tri quan tâm.

Để đánh giá trách nhiệm của các đơn vị, sở, ngành, “đi tới cùng” các vấn đề được chất vấn; sau mỗi kỳ họp, Ban tiếp tục theo dõi, tổng hợp việc thực hiện các nội dung chất vấn và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp sau. Qua theo dõi, hầu hết các vấn đề tồn tại sau chất vấn đã được các cơ quan khắc phục với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều nội dung được khắc phục nhanh, hiệu quả rõ nét.

Nhiệm kỳ 2011-2016 đã dần khép lại, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động của Ban Văn hóa - Xã hội vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục như việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tại một số thời điểm còn chậm dẫn đến một số nội dung chưa triển khai theo đúng kế hoạch. Công tác phối hợp giữa Ban với các cơ quan, đơn vị trong quá trình tham gia khảo sát, giám sát có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời. Việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát của Ban tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao; một số hạn chế, tồn tại trong giám sát, khảo sát được Ban kiến nghị nhưng chậm thực hiện; các khoản thu đóng tự nguyện đầu năm trong các trường học còn thiếu thống nhất...

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp theo tinh thần Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh; mỗi một đại biểu dân cử cần tìm tòi, nghiên cứu, từng bước đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng đến chất lượng, hiệu quả giám sát và rất cần“tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và đi tới cùng của vấn đề” để đảm bảo các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Hội đồng nhân dân được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.


    Ý kiến bạn đọc