Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với kỹ năng, kỷ luật lao động
EmailPrintAa
16:45 31/08/2022

Sáng 31/8/2022, dưới sự chủ trì của Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đào Thị Anh Nga, đoàn giám sát chuyên đề về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2022 đã làm việc với trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ cùng dự.

Đoàn khảo sát công tác đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Công nghệ

Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh được thành lập từ năm 2017 tiền thân là Trung tâm xúc tiến việc làm thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh (thành lập năm 1995 - PV). Trường hiện có 4 phòng chức năng; 02 phòng (Phòng Bổ túc Trung học phổ thông, Ô tô - xe máy); 5 khoa bộ môn (Cơ khí chế tạo, công nghệ ô tô, điện, du lịch, khoa học cơ bản) và 01 Trung tâm (dịch vụ huyến luyện an toàn, vệ sinh lao động). Trường hiện có 02 cơ sở đào tạo với tổng diện tích khoảng trên 23ha, giai đoạn 2020-2022, trường được cấp 8 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư trang thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm (Điện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món án, phần mềm thi trắc nghiệm).

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ phát biểu tại cuộc làm việc

Là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; tổng số cán bộ, giáo viên và người là động là 167 người, trong đó có 64 giáo viên cơ hữu, 54 giáo viên dạy lái xe ô tô, 25 giáo viên văn hóa. Giai đoạn 2020-2022, có 9 giáo viên được cử đi học thạc sỹ, 48 lượt giáo viên học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng nghề; 70 lượt cán bộ tham gia các khóa tập huấn. Hàng năm, trường trả lương thu hút cho 15 giáo viên giỏi chuyên môn, giáo viên đạt giải các hội thi cấp quốc gia.

Toản cảnh cuộc làm việc.

Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Đặng Văn Dũng: Các trường Cao đẳng, trung cấp thực hiện đào tạo thường xuyên với quy mô lớn nhưng hiện không được cấp kinh phí, biên chế. Đề nghị tỉnh có giải pháp phù hợp để đảm bảo chế độ, chính sách cho giáo viên dạy hệ giáo dục thường xuyên.

Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thái Văn Sinh: đề nghị Trường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hiệu quả đào tạo góp phần thay đổi dần tư tưởng của học sinh, phụ huynh.

Hiện nay, Trường đang tiến hành đào tạo hệ cao đẳng với 05 chương trình: Điện công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, hàn; 09 chương trình trung cấp: Điện công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, hàn, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, vận hành máy thi công nền, may thời trang; 05 chương trình đào tạo sơ cấp và thường xuyên: Kỹ thuật chế biến món ăn, hàn, vận hành máy nâng hàng, vận hành máy xúc, vận hành máy ủi.

Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Nguyễn Thị Nguyệt: Tiếp tục tăng cường việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Vũ Quang Nguyễn Thị Hà Tân : đề nghị trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khẳng định thương hiệu của trường trên toàn quốc.

Một số nghề của trường hiện đáp ứng đào tạo theo chương trình chuyển giao của Úc, Cộng hòa Liên bang Đức; trường được đầu tư một số trang thiết bị về tự động hóa, cơ điện tử, Robot công nghiệp, di động đáp ứng một số tiêu chí khi tham gia chương trình đào tạo nghề đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập thực hiện theo đúng quy định. Trường được Bộ Lao động Thương binh Xã hội công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề; tự đánh giá chất lượng theo các tiêu chí, tiêu chuẩn chuẩn cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt 92/100 điểm.

Quy mô tuyển sinh của trường là 3.310 học sinh sinh viên, trong đó hệ Cao đẳng là 170 học sinh, trung cấp 710 học sinh, sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 1.550 học viên. Giai đoạn 2020-2022, nhà trường đã đào tạo 19.595 học sinh sinh viên, trong đó hệ cao đẳng là 1.547 học sinh, trung cấp là 6.997 học sinh, sơ cấp là 8.606 học viên, đào tạo thường xuyên 2.447 học viên. Hiện nay, trường đã giới thiệu việc làm sau đào tạo cho học sinh sinh viên với các đơn vị như: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH LG Display Việt Nam, Lilama 18… Theo thống kê của trường, hiện có hơn 80% học sinh sinh viên có việc làm sau đào tạo, riêng nghề Điện Công nghiệp, Hàn có trên 90% học sinh sinh viên có việc làm sau đào tạo.

Ủy viên ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Văn Danh: Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng trường Cao đẳng Công nghệ đã đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong công tác, góp phần hỗ trợ tỉnh nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Nghĩa: Trường cần có giải pháp phù hợp thực tiễn, đảm bảo quy định pháp luật để giữ chân giáo viên giỏi đồng thời thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại đơn vị.

Việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh được triển khai nghiêm túc. Tính đến nay đã có 217 bộ đội, công an xuất ngũ được hưởng chính sách học nghề với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng; có 4.595 học sinh sinh viên được cấp bù học phí với số tiền trên 35,3 tỷ đồng.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Tấn báo cáo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho học sinh sinh viên.

Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu tham dự cho rằng bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì hiện nay nhà trường cần có giải pháp để giữ chân các giáo viên giỏi, trình độ cao; có giải pháp phù hợp trong tuyển sinh; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại; có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ…

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cán bộ, giáo viên nhà trường. Đồng thời đề nghị trường cần chú ý việc cập nhật nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, địa phương mới ban hành để triển khai công tác đào tạo, tuyển sinh, dạy và học theo đúng quy định. Bám sát các quy định của Trung ương, tỉnh, Liên đoàn lao động để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tận dụng ưu điểm của các loại hình tuyên truyền để thay đổi quan điểm của phụ huynh, học sinh đối với việc học nghề. Quan tâm đánh giá chất lượng việc đào tạo văn hóa; có giải pháp phù hợp trong thu hút, giữ chân giáo viên giỏi công tác tại trường. Tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nâng cao kỹ năng, kỷ luật lao động. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các chế độ, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn.

Lưu Thành - Trương Liên

    Ý kiến bạn đọc