Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Thảo luận ở Tổ về Dự án Luật quy hoạch và Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ
EmailPrintAa
10:43 10/11/2016

Sáng ngày 9/11/2016 tại buổi thảo luận tổ về 2 dự án luật: Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Luật quy hoạch các vị đại biểu Quốc hội : Nguyễn Văn Sơn, Lê Anh Tuấn, Trần Đình Gia, Bùi Thị Quỳnh Thơ Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận, góp ý vào 2 Dự thảo luật.

 Đối với Dự án Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), các đại biểu nêu rõ: Dự thảo luật có các quy định liên quan đến nhiều luật đã ban hành; vì vậy có thể xung đột, chồng chéo với các luật khác như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng liên quan đến luật tổ chức tín dụng, tài sản đảm bảo liên quan đến Bộ luật dân sự, bố trí ngân sách hỗ trợ liên quan đến Luật NSNN, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất liên quan đến Luật đất đai, hỗ trợ tham gia mua sắm công liên quan đến luật đấu thầu, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường liên quan đến Luật thương mại, đầu tư kinh doanh khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo liên quan đến Luật đầu tư.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn tham gia phát biểu ý kiến

 

Về đối tượng áp dụng: Dự thảo luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ như hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại, hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại các quỹ, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ, ưu đãi tiền thuê đất, mặt bằng, hỗ trợ tham gia mua sắm công,… Việc quy định các chính sách là cần thiết, tuy nhiên đề nghị cân nhắc việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ đó, đặc biệt là các nguồn lực tài chính để đảm bảo tính khả thi của chính sách. Bởi theo thống kế hiện nước ta có khoảng 97,9% DNVVN, nguồn lực NSNN có hạn, không thể hỗ trợ tất cả.

 

Ở chương V, điều 37,38 quy định nguồn vốn hỗ trợ DNVVN gồm nguồn NSNN và nguồn vốn huy động của tổ chức và cá nhân, tuy nhiên liệu trong thực tế các tổ chức, cá nhân có tham gia hỗ trợ vốn không và nếu có thì số vốn huy động sẽ là bao nhiêu? Ban soạn thảo Dự án luật có thể dự kiến được không? Bởi xét về nguyên tắc hỗ trợ vốn phải được tính toán dựa trên số nguồn huy động được).  Do đó đề nghị Dự thảo luật cần ưu tiên lựa chọn hỗ trợ nhóm doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và phải ước lượng được nguồn vốn huy động được nguồn ngoài ngân sách, còn nếu không ước lượng được hoặc không có căn cứ để thực hiện thì cần xác định rõ nguồn vốn huy động là nguồn NSNN.


Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu

 

Tại chương III quy định về chương trình hỗ trợ DNVVN, trong đó đối với từng chương trình hỗ trợ đều có đối tượng, điều kiện hỗ trợ. Tuy nhiên, lại chưa có quy trình, thủ tục để được hưởng hỗ trợ. Do vậy cần tách Điều 32 khỏi mục 3, nếu không, nhìn vào có vẻ như điều này điều chỉnh cho mục “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành”, thêm vào đó mục 4, Điều 32, đề nghị bổ sung Chính phủ quy định quy trình, thủ tục để các DNVVN được hưởng hỗ trợ.

Tại Điều 10, Chương 2 có dấu hiệu vi phạm hiệp định quốc tế, đề nghị có sự rà soát thống nhất giữa luật và các cam kết quốc tế.

 

 Mối quan hệ giữa Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ với các luật khác cần phù hợp, bảo đảm không có xung đột. Nguồn kinh phí thực hiện luật cũng cần được quy định rõ, trước hết là quan điểm, nguồn kinh phí hỗ trợ cần xã hội hóa, tuy nhiên trong đó nguồn từ ngân sách phải được quy định cụ thể, chặt chẽ, tránh tình trạng lợi dung để hưởng chính sách.

 

Về Dự án Luật quy hoạch :

Các ý kiến cho rằng vấn đề Quy hoạch phải được làm rõ thể hiện thế mạnh của các vùng, đồng thời có cơ chế rõ ràng để gắn trách nhiệm. Cần quan tâm vấn đề tổ chức thực hiện đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng, thể hiện tính pháp lý và tính kỹ cương.


    Ý kiến bạn đọc