Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại Hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13
EmailPrintAa
10:51 25/05/2017

Ngày 24/5, Quốc hội dành một ngày để thảo luận tại Hội trường về các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn thay mặt Đoàn ĐBQH đã tham gia phát biểu.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tại Hội trường

 

Tại phiên thảo luận, đại biểu nguyễn Văn Sơn cơ bản nhất trí cao với Báo cáo thẩm tra, báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng:  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự lần này phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đã kịp thời bổ sung, giải quyết những vấn đề còn bất cập trong quá trình xâu dựng, ban hành Bộ luật hình sự cũng như tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng trong thời gian qua.

 

Để Bộ luật hoàn thiện và thông qua tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung quan trọng sau:

 

Thứ nhất, đại biểu đồng tình cao với phương án quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền được quy định tại khoản 4 Điều 300 và khoản 6 điều 324.

 

Tại khoản 4 Điều 300 có các điểm a, b,c quy định các hình thức và mức phạt đối với pháp nhân thương mại có hành vi tài trợ khủng bố và tại khoản 6 Điều 324 có các điểm a,b,c,d,đ quy định các hình thức và mức phạt đối với pháp nhân thương mại có hành vi rửa tiền là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, khi chúng ta đang phát triển và hoàn thiện thẻ chế kinh tế thị trường. Đồng thời quy định như vậy phù hợp với xu hướng phát triển của Quốc tế và thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các công ước Quốc tế về chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần,về ngăn chặn khủng bố và rửa tiền. Các công ước của Liên hiệp quốc bắt buộc các quốc gia thành viên phải hình sự hóa các hình vi phạm tội rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với pháp nhân. Do vậy Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, không thực hiện các cam kết mà chúng ta đã tham gia ký kết.

 

Đại biểu cũng đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Tuy không phải là cá nhân cụ thể nhưng pháp nhân vẫn được coi là một “chủ thể có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự” có thể phải chịu một số hình phạt nhất định được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong đó, quy định phạt tiền với mức cao là thích hợp. Những hành vi phạm tội của pháp nhân thường xảy ra trong các hoạt động kinh tế với mục đích kiếm được lợi nhuận nhiều hơn. Ngoài hình phạt tiền, chúng tôi đề nghị quy định thêm hình phạt “buộc khắc phục hậu quả”. Vì vậy, hình phạt tiền với số lượng lớn và buộc khắc phục hậu quả, được coi là những hình phạt có tác dụng giáo dục và phòng ngừa hơn cả.

 

 Mặt khác, các cơ quan nhà nước vẫn có thể áp dụng các biện pháp hành chính khác đối với pháp nhân, như rút giấy phép sản xuất kinh doanh, đình chỉ hoạt động của pháp nhân...

Về chế tài hình sự đề nghị áp dụng trực tiếp đối với các chủ thể phạm tội và đối với các loại tội phạm cụ thể chắng hạn như: Các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, rửa tiền, sản xuất, buôn bán trái phép chất ma tuý, tài trợ khủng bố...

 

Về nguyên tắc cá thể hoá hình phạt đại biểu cho rằng không thể tách rời mối liên hệ giữa tội phạm và hình phạt. Vì vậy,nguyên tắc này đòi hỏi hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tương xứng với các đặc điểm của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như thế hình phạt mới đạt được tính hiệu quả trong trừng trị cũng như  phòng ngừa.

 

Thứ hai là: Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác quy định tại Điều 134; đối với tội hiếp dâm quy định tại Điều 141 và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169, đại biểu đồng ý chọn phương án thứ I giữ quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, theo đó đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng vì: Thực tiến đã và đang có xu hướng ngày càng tăng các loại tội phạm do đối tượng  lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện nên yêu cầu cần có những quy định đó nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa; Yêu cầu đấu tranh phòng và chống nạn bạo lực học đường đang diễn ra và có xu hướng tăng. Mặc dù quy định như vậy nhưng khi xử lý đề nghị cần có chính sách hình sự  giảm nhẹ, áp dụng chế tài xử phạt hợp lý và có tác dụng giáo dục đối với các đối tượng có hành vi phạm tội với các tội danh quy định ở Điều 134, Điều 141 và Điều 169 trong trường hợp ít nghiêm trọng và nghiêm trọng do cố ý.

 

Thứ ba là: Về tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 của Bộ luật hình sự năm 2015. Đại biểu nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, khắp các địa bàn và hầu hết các loại hình sản xuất, đã và đang gây hậu quả rất nghiêm trọng cho cuộc sống của nhân dân. Quy định như tại Điều 235 của Bộ luật hình sự năm 2015 là chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng và chống loại hành vi vi phạm này, đây là những cản trở cho áp dụng pháp luật hình sự để xử lý những hành vi vi phạm nghiêm trọng.

 

Kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã quy định xử lý nghiêm loại tội phạm này, không quy định định lượng đối với tội gây ô nhiễm môi trường mà căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và  quan trọng nhất là căn cứ vào hậu quả thực tế đã xảy ra để xử lý hình sự, không yêu cầu xử lý hành chính rồi mới xử lý hình sự.

 

Do đó, đại biểu đồng ý xem xét sửa lại các quy định này theo hướng bỏ quy định “ đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” và điều chỉnh lại các thông số theo hướng giảm số lần đối với hành vi xả thải ra môi trường chất thải rắn, nước thải, nước có chứa chất phóng xạ, khi thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; không điều chỉnh khối lượng, trọng lượng chất thải và đề nghị xem xét nâng mức chế tài của hình phạt để có tác dụng răn đe. Mặt khác, đề nghị xem xét để quy định trong Luật làm sao mọi hành vi vi phạm pháp luật về môi trường có đủ yếu tố cấu thành tội phạm đều được điều tra, truy tố và xét sử hình sự một cách thuận lợi, kịp thời và có tác dụng răn đe, phòng ngừa và ngăn chặn hành vi phạm tội.

 

 

Cuối cùng, việc sửa đổi Điều 317 BLHS năm 2015 như trong dự thảo Luật có những nội dung bất cập như sau:

 

Theo đại biểu thì trong những năm gần đây, an toàn thực phẩm là vấn đề báo động, gây lo lắng, bức xúc cho mọi người dân. Mặc dù công tác tuyên truyền, quản lý, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này đã được chính quyền các cấp quan tâm nhưng tình trạng thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn vẫn không giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Do vậy quy định tại Điều 317 BLHS năm 2015 là để bảo đảm xử lý nghiêm đối với loại hành vi nguy hiểm này và được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, Điều 317 dự thảo Luật sửa đổi theo hướng thu hẹp đáng kể phạm vi xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm (gồm cả quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh). Dự thảo Luật quy định hành vi này phải “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì mới xử lý hình sự là không phù hợp, sẽ không xử lý hình sự được đối với trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe của người khác (thậm chí là nhiều người) nếu trước đó chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xỏa án tích mà còn vi phạm.

 

Mặt khác, quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 317 dự thảo Luật là không bảo đảm chính sách xử lý công bằng so với quy định tại điểm d khoản 1 Điều này vì người kinh doanh thực phẩm có sử dụng chất cấm “gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 31% đến 60%" thì bị xử lý hình sự, còn người sản xuất, chế biến trong trường hợp này lại không bị xử lý hình sự, trong khi hành vi sản xuất, chế biến và kinh doanh, mua bán có tính nguy hiểm tương đương nhau.v.v

 

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại toàn bộ Điều 317 dự thảo Luật theo hướng quy định các yếu tố khác như thu lợi bất chính hoặc gây tổn hại cho sức khỏe với mức tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội cụ thể, bảo đảm có căn cứ xử lý hình sự ngay nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng; còn trường hợp chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả ít nghiêm trọng thì phải kèm theo điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm".


    Ý kiến bạn đọc