Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia thảo luận tại Tổ về Kinh tế - Xã hội
EmailPrintAa
02:17 27/05/2017

Chiều nay 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2017. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn và đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đã tham gia phát biểu.

Tại buổi thảo luận, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các đại biểu đã tập trung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2016 và cho rằng: Tại Kỳ họp thứ 2, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện cả năm 2016. Đến nay, kết quả đánh giá lại cho thấy không có sự thay đổi nhiều so với số liệu Chính phủ đã báo cáo.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ Đoàn ĐBQH tình Hà Tĩnh phát biểu thảo luận

 

Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ và các đại biểu trong tổ còn nhiều điều boăn khoăn và chưa yên tâm về nhiều mặt và  đề nghị Chính phủ cần tiếp tục phân tích, đánh giá cụ thể hơn về một số vấn đề như sau:

 

Tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (6,3-6,5%); Kết quả thu NSNN vượt so với số đã báo cáo Quốc hội, tuy nhiên, số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất (thu tiền sử dụng đất tăng 97,5% so dự toán), tăng thu từ cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp nhà nước. Kết quả thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương cho thấy, tình trạng nợ đọng thuế ở nhiều địa phương vẫn tăng và có nhiều tổ chức, cá nhân gian lận trong kê khai, trốn thuế, chiếm dụng tiền thuế của NSNN, nợ đọng thuế kéo dài.

 

Đối với chi ngân sách nhà nước, việc bố trí, cân đối NSNN đã đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, cơ cấu chi ngân sách còn bất cập, chưa đảm bảo cho phát triển giáo dục- y tế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2016 còn chậm.

 

Sự cố môi trường đặt ra yêu cầu cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án gây ô nhiễm môi trường.Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng thiên tai khó lường dẫn đến thiệt hại nặng nề về người và sản xuất nông, lâm và thủy sản. Đề nghị cần có đánh giá kỹ, toàn diện để chủ động có giải pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các giải pháp về nguồn lực. 

 

Năng suất lao động xã hội năm 2016 tiếp tục có sự cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu và chuyển dịch cơ cấu lao động chậm.

 

Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, qua các cuộc tiếp xúc với cử tri Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo Chính phủ đã nêu. Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội và NSNN vẫn còn nổi lên một số khó khăn, thách thức, đó là:

 

Tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 là mức tăng trưởng thấp nhất so với 3 năm gần đây, với điều kiện và tình hình thực tế thì khả năng cả năm 2017 chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6,3-6,5%.

 

Công tác phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn còn rất chậm; đến nay, vẫn chưa có phương án phân bổ hoàn chỉnh, một số khoản vốn vẫn chưa phân bổ chi tiết; nhiều dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục để phân bổ vốn, tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thiện thủ tục. Một số khoản chi về an sinh xã hội đã có trong dự toán được Quốc hội quyết định, nhưng một số chính sách sửa đổi, ban hành chậm dẫn đến thực hiện chậm.

 

Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 5,76% so với cuối năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, cần phân tích về khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh, đồng thời cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là thị trường bất động sản phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về “bong bóng bất động sản” .

 

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Du lịch - dịch vụ đạt được kết quả khả quan, số lượng khách du lịch nước ngoài tăng mạnh, tuy nhiên cũng gây nên hiện tượng "quá tải" đối với cảnh quan, môi trường, do vậy, cần đánh giá thực chất nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

 

Các dự án BOT giao thông được triển khai trong thời gian qua đã có đóng góp nhất định, tuy nhiên, cần phải đánh giá thực chất và kỹ lưỡng quy định pháp luật và chất lượng dự án, đồng thời kịp thời xử lý những bức xúc của dư luận xã hội trong việc đặt các trạm thu phí, mức thu và thời hạn thu cần tính toán đưa ra công khai cho Nhân dân biết để giám sát.

 

Công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, thu hồi, đền bù chưa minh bạch, khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ do sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý.

 

Thu nhập của người dân chậm được cải thiện, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên.  Hệ thống cơ sở y tế được nâng cấp, mở rộng, nhưng vẫn có sự chênh lệch lớn về chất lượng dịch vụ y tế và chỉ số sức khỏe của người dân giữa các vùng miền, khu vực thành thị và nông thôn. Việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT đã tạo điều kiện để người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, có chất lượng nhưng tình trạng trục lợi quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương, ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập.

 

 Hoạt động của tội phạm hình sự, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận xã hội. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, môi trường, sử dụng công nghệ cao diễn ra phức tạp. Quốc phòng, an ninh cơ bản ổn định, các lực lượng chức năng chủ động nắm bắt, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tuy nhiên, đề nghị đánh giá cụ thể hơn về kết quả công tác phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động chống phá hoại của các thế lực thù địch, phản động lợi dung tôn giáo để gây rối trật tư công công ở một số địa  phương.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu

 

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới,  đại biểu Nguyễn Văn Sơn đề nghị: cùng với các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo Chính phủ và đề nghị  Chính phủ quan tâm một số giải pháp như sau:

 

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép (65% GDP) theo Nghị quyết của Quốc hội. Không ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, tăng cường công tác chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đẩy mạnh lộ trình chuyển phí, lệ phí thành giá dịch vụ phù hợp với quy định của Luật phí, lệ phí.  Nghiên cứu sớm đưa vào vận hành phương thức thu thuế bằng hóa đơn điện tử. Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch. Thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn từ các DNNN. Nghiên cứu sửa đổi pháp luật đất đai nhằm huy động và sử dụng hiệu quả đất đai, thu hút doanh nghiệp FDI và các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo lập cơ chế, phân bổ hài hòa lợi ích trong các khâu của chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sản xuất, về giá cả và cảnh báo sớm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy hải sản v.v. tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng" được mùa rơt giá " như hiện nay trong sản xuất và chăn nuôi v.v.

 

Quản lý chặt chẽ các loại tài sản công, nhất là nhà ở, đất đai để tài sản công không bị thất thoát, lợi dụng. Chấn chỉnh, xử lý tình trạng tuyển, dụng bổ nhiệm cán bộ, công chức không đúng quy định pháp luật.

 

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời theo pháp luật đối với các trường hợp kích động, lợi dung hoạt động tôn giáo để gây rối trật tự công cộngv.v. Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 


    Ý kiến bạn đọc