Đoàn ĐBQH thảo luận tại Hội trường dự án Luật Cạnh tranh ( sửa đổi)
EmailPrintAa
18:22 15/11/2017

Sáng nay 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Anh Tuấn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã tham gia ý kiến đóng góp về dự thảo luật 4 nội dung sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo cần xem xét cân nhắc có bao gồm hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không. Thực chất cạnh tranh không lành mạnh là hành vi dân sự kinh tế buộc phải có đối thủ bị xâm hại cụ thể. Chủ thể bị hành vi cạnh tranh không lành mạnh xâm hại có quyền khởi kiện đối thủ cạnh tranh ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại nếu có. Bởi thế, việc sử dụng chung các chế tài hành chính cho cả hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ Điều 113 đến 117 trong dự thảo không còn phù hợp.

Đại biểu Lê Anh Tuấn phát biểu thảo luận tại Hội trường

 

Trên thực tế, các luật chuyên ngành đã quy định cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong từng lĩnh vực như Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thương mại, Luật Viễn thông, Luật Bản quyền tác giả v.v... khi áp dụng Luật Cạnh tranh về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn phải dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành mới có thể áp dụng được và khi có sự thay đổi của luật chuyên ngành trong việc nhận diện một hành vi cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến đồng thời sự thay đổi cách thức xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong Luật Cạnh tranh. Bởi vậy để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, nếu phương án này được Quốc hội lựa chọn  đại biểu tán thành với ý kiến của một số đại biểu phát biểu trước đề nghị không nên quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong dự thảo, đồng thời cần rà soát các luật chuyên ngành có liên quan, tránh bỏ sót hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ hai, về đối tượng áp dụng của dự thảo mở rộng sang các đơn vị sự nghiệp công lập tại Điều 2, khoản 1. Điều này chỉ đúng trong những trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng được 2 điều kiện, đó là đơn vị sự nghiệp công lập phải cung cấp hàng hóa dịch vụ trên thị trường và phải là đơn vị tự chủ về tài chính.

Từ thực tiễn vụ việc tập trung kinh tế của Vinaphone đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty viễn thông Việt Nam và Mobiphone là doanh nghiệp viễn thông độc lập cho thấy không phải là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh 2004 khi một bên tham gia tập trung kinh tế, là một đơn vị hạch toán phụ thuộc. Do đó, đề nghị cần xem xét lại đối tượng áp dụng có mở rộng sang các đơn vị hạch toán phụ thuộc hay không.

 

Điều 2 khoản 3 dự thảo cũng mở rộng sang cơ quan tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan nhằm tránh bỏ sót những tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước có liên quan đến vụ việc cạnh tranh đang được xem xét. Tuy nhiên, đề nghị cần giải thích thêm đây là những chủ thể nào ngoài các đối tượng được nêu tại khoản 1, khoản 2 điều này của dự thảo. Ví dụ, trường hợp tẩy chay sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng vi phạm tiêu chuẩn lao động tối thiểu, vi phạm pháp luật về môi trường theo thông lệ quốc tế là quyền của người tiêu dùng.

Với cách quy định như dự thảo thì không cho phép cơ quan có thẩm quyền khẳng định việc tẩy chay tập thể của người tiêu dùng là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có vi phạm khoản 9 Điều 11 hay không ?. Vì vậy, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều khoản này để bảo đảm tính minh bạch, tính thống nhất của luật.

Thứ ba, dự thảo chưa thể hiện sự thống nhất, chưa thể hiện rõ mối liên hệ giữa chính sách cạnh tranh quy định tại Điều 6 với chính sách điều tiết ngành cũng như nguyên tắc khi xây dựng áp dụng pháp luật tại khoản 2 Điều 4. Khoản 2 Điều 4 xác lập mối quan hê giữa Luật Cạnh tranh với luật chuyên ngành phải bảo đảm nguyên tắc không được trái với các quy định của Luật Cạnh tranh đã cho thấy sự thiếu rõ ràng và thiếu nhất quán của quy định này trong việc thực thi chính sách cạnh tranh và các chính sách điều tiết ngành kinh tế. Các quy định về chính sách cạnh tranh được nêu tại Điều 6 không phản ánh được toàn diện, đầy đủ, chính xác về chính sách điều tiết ngành kinh tế được quy định trong các luật chuyên ngành khác có liên quan, trong các cam kết quốc tế của Việt Nam và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế đó trong các ngành kinh tế điều tiết.

Thực tế, để bảo vệ lợi ích quốc gia, các chính sách điều tiết ngành được thể hiện trong các luật chuyên ngành, được ưu tiên trong mối quan hệ với chính sách cạnh tranh và do đó luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng trước Luật Cạnh tranh khi xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh trong các ngành kinh tế điều tiết. Các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ của WTO chỉ quy định về nguyên tắc cạnh tranh, không quy định về chính sách cạnh tranh. Các hiệp định này cũng chỉ quy định các cam kết của các quốc gia thành viên về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ trong các ngành kinh tế. Vì vậy, với cách tiếp cận khác nên quan điểm của đại biểu có khác một số ý kiến đại biểu phát biểu trước là nên sửa đổi khoản 2 Điều 4 theo hướng khi có sự khác nhau giữa quy định của Luật Cạnh tranh với quy định của luật khác về hành vi cạnh tranh thì áp dụng quy định của luật chuyên ngành.

Thứ tư, về mô hình cơ quan cạnh tranh. Dự thảo tái cơ cấu Hội đồng cạnh tranh và cơ quan quản lý cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là cơ quan cạnh tranh quốc gia. Điều này bắt nguồn từ thực tiễn mô hình 2 cơ quan độc lập với nhau và đã phát sinh vướng mắc trong thực thi Luật Cạnh tranh năm 2004. Cơ quan cạnh tranh quốc gia dự kiến là cơ quan thuộc Chính phủ nhưng không thể được tổ chức theo nguyên tắc như các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh cơ quan này hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Khi tiến hành tố tụng, xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế thì cơ quan này là nơi thể hiện tính độc lập xét xử của ủy viên, Ủy ban cạnh tranh quốc gia.

Trong trường hợp này Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia không thể là cấp trên của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, bởi lẽ Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia cũng như các ủy viên khác đều do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Đề nghị mặc dù dự thảo không quy định cụ thể về tổ chức hoạt động của cơ quan cạnh tranh quốc gia để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Nhưng đại biểu cho rằng, dự thảo vẫn cần phải quy định nguyên tắc về tổ chức hoạt động và tính đặc thù của cơ quan này khi thực hiện thẩm quyền với những yêu cầu như đã trình bày ở trên. 


    Ý kiến bạn đọc