Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016
EmailPrintAa
17:06 30/10/2017

Ngày 30/10, Quốc hội dành một ngày để thảo luậnvề việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Đại biểu Lê Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh đã tham gia phát biểu

Tại buổi thảo luận đại biểu Lê Anh Tuấn nhất trí cao với nhiều nội dung được nêu trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Các báo cáo đã cho chúng ta thấy được một bức tranh tổng thể, toàn diện về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và những nỗ lực đổi mới, cải cách của Đảng, Nhà nước ta. Những kết quả chủ yếu đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân cả khách quan, chủ quan và những giải pháp cả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Kết quả giám sát cũng cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý trong thực hiện cải cách đổi mới thời gian qua.

Đại biểu Lê Anh Tuấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận
 

Từ kết quả giám sát và qua nghiên cứu báo cáo dự thảo nghị quyết, cùng với quan sát thực tiễn đại biểu đề xuất về 5 vấn đề cụ thể sau đây:

Thứ nhất, quá trình tiến hành kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xác định hợp lý số đầu mới trực thuộc, cần không chỉ rà soát kỹ, sắp xếp hợp lý chức năng, nhiệm vụ của các bộ về quản lý mà còn cần phải rà soát cả trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ. Cũng cần đặc biệt quan tâm tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn địa lý pháp lý của Ngân hàng nhà nước trong bối cảnh mới của tiến trình hội nhập. Theo thông lệ quốc tế, do những yêu cầu về kiểm soát thị trường tiền tệ và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế thị trường, cần tăng tính chủ động của ngân hàng trung ương trong việc ban hành quyết định chính sách tiền tệ. Đây là khuyến nghị của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đối với Việt Nam trong quá trình đổi mới.

Thứ hai, việc tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô được mở rộng hợp lý hơn cũng cần gắn với việc tiếp tục nghiên cứu kiện toàn và sắp xếp lại các ban chỉ đạo hoạt động theo hình thức tổ chức phối hợp liên ngành theo hướng nhiệm vụ của các ban chỉ đạo này sẽ chuyển về cho các bộ tương ứng sau khi đã sắp xếp hợp nhất một số bộ có chức năng gần nhau, đối tượng, phạm vi lĩnh vực quản lý liên quan với nhau để khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo. Có như thế mới bảo đảm thực hiện được đầy đủ nguyên tắc mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện chịu trách nhiệm chính và các cơ quan khác chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sắp xếp giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, đặc biệt nghiên cứu, xác định lại vị trí pháp lý của mô hình trường đại học trực thuộc Chính phủ như hiện nay ở Việt Nam.

Thứ ba, đại biểu tán thành việc thiết lập cơ chế không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó. Không nhất thiết các đơn vị địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau. Tán thành việc giao Chính phủ sớm ban hành sửa đổi các văn bản xác định khung tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí, điều kiện thành lập gắn với đặc điểm của từng địa phương. Tuy nhiên, việc giao này cần xác định rõ lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể. Cần chỉ rõ việc thiết kế theo các mô hình này không đồng nghĩa với việc bỏ lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, chú ý làm rõ quy trình giới thiệu nhân sự của các bộ quản lý ngành đối với việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực tại địa phương trong trường hợp không có sự đồng nhất về mô hình tổ chức bộ máy cơ quan quản lý ngành giữa trung ương và địa phương. Quá trình xây dựng khung tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và tiêu chí thành lập, ngay cả việc tiến hành tinh giản biên chế cần gắn với đặc điểm từng loại đơn vị hành chính không nên mang tính cơ học mà cần bám sát quy mô dân số, đặc điểm lợi thế so sánh của địa phương, các nhiệm vụ trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được trung ương phê duyệt.

Thứ tư, đề nghị cần sớm tiến hành rà soát lại việc thành lập các đơn vị đại diện cho một số bộ, cơ quan ngang bộ của Việt Nam ở nước ngoài. Nếu các đơn vị này là cơ cấu tổ chức thuộc bộ thì cần tuân thủ theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Theo đó, Chính phủ là cơ quan quyết định về tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đồng thời, cần nghiên cứu để có giải pháp pháp lý xử lý dứt điểm thực trạng hiện nay liên quan đến vấn đề này tạo sự thống nhất trong quy trình quản lý nhà nước cũng như trong việc quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc bộ.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ cần định kỳ có đánh giá kết quả thực hiện việc phân cấp cho địa phương trong các lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với nhà nước, đối với doanh nghiệp và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Quản lý đầu tư, quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức, quản lý đất đai và biện pháp quản lý, xử lý của Chính phủ. 


    Ý kiến bạn đọc