. Ở các xã bãi ngang huyện Thạch Hà và huyện Lộc Hà sản xuất nông nghiệp trên vùng đất cát bạc màu, nằm vào cuối nguồn nước tưới của công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, không đủ nước tưới cho sản xuất, sản lượng thấp; sản xuất muối gặp nhiều khó khăn
EmailPrintAa
09:15 19/03/2012

Ở các xã bãi ngang huyện Thạch Hà và huyện Lộc Hà sản xuất nông nghiệp trên vùng đất cát bạc màu, nằm vào cuối nguồn nước tưới của công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, không đủ nước tưới cho sản xuất, sản lượng thấp; sản xuất muối gặp nhiều khó khăn; đánh bắt hải sản gần bờ thu nhập thấp do nguồn tài nguyên đã cạn kiệt, đánh bắt xa bờ rất khó khăn do phương tiện, thuyền máy, ngư cụ không đủ điều kiện để ra khơi. Đề nghị UBND tỉnh xem xét để có cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ thủy lợi phí, đầu ra cho sản phẩm muối, đầu tư dầu, ngư cụ cho người dân của các xã bãi ngang ở toàn tỉnh nói chung, ở hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà nói riêng do bị ảnh hưởng bởi dự án ngọt hóa sông Nghèn để ổn định cuộc sống.

Trả lời:

Để khắc phục tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp ở các xã vùng bãi Ngang, huyện Thạch Hà nằm ở cuối nguồn nước tưới của hệ thống thuỷ lợi Kẻ Gỗ, hiện tại Dự án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ đang triển khai thực hiện từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), để nâng cấp, sửa chữa đầu mối hồ chứa và kiên cố hóa hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo tưới ổn định cho số diện tích nằm trong khu tưới, đồng thời cấp nước tạo nguồn, mở rộng khu tưới cho một số xã nói trên.

Về chính sách hỗ trợ thuỷ lợi phí: Ngày 14/11/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2008/ND-CP về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi, trong đó quy định rõ diện tích được miễn thuỷ lợi phí bao gồm: diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối. Như vậy, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân thông qua việc miễn thủy lợi phí đối với những diện tích được cấp nước tưới, tiêu từ công trình thủy lợi, mức miễn thủy lợi phí được tính từ vị trí cống đầu kênh của Tổ chức hợp tác dùng nước đến đầu mối của công trình thủy lợi. Còn phí dịch vụ lấy nước sau cống đầu kênh đến mặt ruộng người dân phải chi trả cho Tổ chức hợp tác dùng nước theo thỏa thuận.

Về chính sách hỗ trợ sản xuất muối: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND quy định một số chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có một số nội dung hỗ trợ sản xuất muối:Hỗ trợ 70% kinh phí kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng. Hỗ trợ 500 nghìn đồng/chạt, 20% kinh phí ứng dụng tấm hấp thụ nhiệt, tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ/năm đối với hộ dân sản xuất muối sạch quy mô 250 m2 trở lên. Hỗ trợ phần giá trị sụt giảm, tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ/năm khi giá muối sụt giảm bằng hoặc thấp hơn 70% giá bình quân 3 năm liền kề. Hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng (bờ bao, hệ thống cấp thoát nước...), mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha, tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở đối với diện tích chuyển đổi từ sản xuất muối sang nuôi tôm phù hợp với quy hoạch. Mặt khác hiện nay Bộ NN và PTNT đã phê duyệt Dự án xây dựng Kho muối dự trữ quốc gia tại xã Thạch Sơn - huyện Thạch Hà với mục tiêu thu mua dự trữ 10.000 tấn/năm; theo Quyết định số 2227/QĐ-BNN-CB ngày 26/9/2011 của Bộ NN và PTNT phê duyệt Đề án mua muối của bà con diêm dân để sản xuất muối Iốt, với mục tiêu từ quý IV năm 2011 đến 2015; hàng năm thu mua 200.000 tấn với mức giá đảm bảohộ dâncó lãi từ 20%- 30% và kế hoạch dự kiến sản lượng muối thu mua cho hộ dân khu vực miền Trung khoảng 60.000 tấn/năm. Như vậy trong thời gian tới khi các chính sách được thực hiện sẽ giúp ổn định sản xuất,nâng cao mức sống của diêm dân Hà Tỉnh nói chung, ở huyện Lộc Hà, Thạch Hà nói riêng một cách bền vững.

 Về hỗ trợ cho người dân làm nghề khai thác hải sản của các xã bãi ngang  toàn tỉnh nói chung, ở hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà nói riêng do bị ảnh hưởng bởi dự án ngọt hóa sông Nghèn để ổn định cuộc sống:UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND quy định một số chính sách, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trong đó có hỗ trợ khai thác hải sản, cụ thể: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất < 30 CV sang tàu có công suất ≥ 50 CV, được ngân sách hỗ trợ 0,35 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm; đóng mới tàu cá công suất từ 250 CV/chiếc trở lên được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm, đóng mới tàu cá công suất từ 90 CV/chiếc đến dưới 250 CV/chiếc được ngân sách hỗ trợ 50 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm; Tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến theo hướng liên kết với hộ ngư dân và có hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, được hỗ trợ 2% giá thu mua/kg sản phẩm, theo giá thu mua; hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thành lập các tổ đội, hợp tác xã... Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cống Đò Điệm, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư (Sở NN và PTNT) bổ sung vốn đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ chuyển nghề cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng vào tổng mức đầu tư Dự án kênh trục sông Nghèn và đã được Bộ NN và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-BNN-XD ngày 09/6/2011, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo chủ đầu tư tổ chức chi trả cho nhân dân kịp thời theo kế hoạch vốn được phân bổ.


    Ý kiến bạn đọc