Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh hoàn thành chương trình đợt họp trực tuyến, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
EmailPrintAa
22:21 30/10/2021

Sau 11 ngày làm việc hết sức khẩn trương (từ ngày 20/10 đến 30/10/2021) đợt họp trực tuyến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành nội dung, chương trình làm việc. Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã tham gia kỳ họp một cách nghiêm túc, hiệu quả

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội trình bày các báo cáo về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;  Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

Tham gia các phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận về 02 dự án Luật xem xét, cho ý kiến và 05 dự án Luật xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đồng chí Trần Đình Gia, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh

Tại các phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của mình, tích cực tham gia phát biểu về các dự án Luật, các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đề nghị bổ sung thẩm quyền quyết định khen thưởng, trao tặng danh hiệu thi đua của Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân tại Khoản 5, Điều 79 và thẩm quyền đề nghị khen thưởng của “Quỹ Tín dụng nhân dân” tại Khoản 1, Điều 82

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Đình Gia cho rằng: Cần nghiên cứu lại bố cục giữa các chương của dự thảo Luật cho cân đối; quy định rõ thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó là sự thống nhất về quy trình biên soạn, thời gian, phương pháp tính...tránh những bất cập , sai lệch về số liệu như hiện nay; cần xem xét, bổ sung chỉ tiêu “Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn”, vì đây là tiêu chí cứng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đề nghị không bỏ chỉ tiêu “Diện tích rừng được bảo vệ” như Luật hiện nay, vì việc giao đất, giao rừng ở một số địa phương chưa hết; đồng thời chỉ tiêu này liên quan đến việc tính giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ phương pháp thu thập, tổng hợp để 222 chỉ tiêu sau khi được Quốc hội thông qua đều đảm bảo tính khả thi cao, thực hiện việc công bố đầy đủ số liệu các phân tổ; cần tạm dừng việc thành lập Thống kê khu vực cấp huyện để nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện, khả thi hơn.

Phát biểu thảo luận Tổ về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) liên quan đến khen thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng phát biểu thảo luận Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đối với Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng cho rằng tính thương mại hóa trong phim khá rõ vì vậy tác phẩm cần chú trọng hơn đến việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, cần quản lý chặt chẽ trong việc quảng cáo trong phim, tránh trình trạng quảng cáo tràn lan, phản cảm; phân loại rõ phim được quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Về phim sử dụng ngân sách Nhà nước, không nên chỉ giới hạn bằng cách đặt hàng, giao nhiệm vụ mà cần đa dạng hoá hình thức để tăng tính sáng tạo trong nghệ thuật. Quan tâm hơn tới việc sản xuất phim hướng đến khán giả nhỏ tuổi và phù hợp với độ tuổi của trẻ em. Việc tổ chức chiếu phim lưu động cần phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương...

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu

Tham gia thảo luận tại Hội trường Diên Hồng đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ Đoàn Hà Tĩnh nhấn mạnh: Ngoài Thành phố Hải Phòng, một trong những động lực tăng trưởng của cả nước; cơ chế chính sách đặc thù riêng là hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là 3/6 tỉnh nằm trong khu Kinh tế Bắc Trung bộ, ngoài Thừa Thiên Huế có chính sách bảo vệ di sản còn lại các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách cơ bản tương đồng nhau. Mặc dù mỗi địa phương có những đặc điểm, thế mạnh đặc thù so với các địa phương khác, song chưa có những cơ chế, chính sách mới tương thích với đặc thù của một tỉnh hội tụ 3 vùng địa lý, chưa thể hiện được vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của Miền Trung như Tờ trình đã nêu.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh phát biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến

Tham gia thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu cho rằng: Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, linh hoạt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo nhưng nhiều vụ án vẫn không thể tiến hành xét xử theo kế hoạch, phải tạm dừng xét xử do người tham gia tố tụng không thể đến được Tòa án để tham gia xét xử do dịch bệnh. Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, căn cứ pháp lý, dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, Hiến pháp 2013, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Về thực tiễn, dịch COVID-19, dự báo còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu; dự báo tội phạm và các tranh chấp dân sự có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp; nếu không có những giải pháp phù hợp kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thời hạn tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, đương sự, tăng chi phí cho xã hội…

Các ý kiến thảo luận của các đại biểu trong Đoàn đã được bộ phận thư ký tổng hợp, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chuyên môn phụ trách làm căn cứ để hoàn thiện các dự án Luật và dự thảo Nghị quyết./.

Trần Đình Trọng

    Ý kiến bạn đọc