|
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cùng dự.
Tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Tham gia thảo luận, các đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho rằng, Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội đã được Chính phủ tập trung, nỗ lực triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ nên các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực từng bước được hoàn thiện, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập. Nhà nước đã thể hiện rõ vai trò trong việc sử dụng các công cụ chính sách và nguồn lực của mình để định hướng, điều tiết quá trình huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo cơ chế thị trường thông qua việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi; nâng cao quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm vượt mục tiêu đề ra, chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Qua đó, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.
Nền tài chính quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tiến bộ hơn giai đoạn trước cả về thể chế, chính sách, pháp luật và các mục tiêu thu, chi, cơ cấu lại nợ công; chính sách tài khóa tiền tệ là cơ sở quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ và tăng dự trữ ngoại hối.
|
Đối với mục tiêu cơ cấu lại 3 trọng tâm là tổ chức tín dụng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, nhiều chính sách đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh và thực hiện thực chất hơn, tạo chuyển biến tích cực hơn về hiệu quả phân bổ, sử dụng vốn đầu tư công; hệ thống các tổ chức tín dụng từng bước được cải thiện, năng lực quản trị, điều hành tiệm cận với thông lệ quốc tế; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn còn nhiều mục tiêu đề ra không hoàn thành, làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó có 3 mục tiêu về đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng được Nghị quyết 24 tập trung khoanh vùng xử lý và mục tiêu về số doanh nghiệp đang hoạt động.
Việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng dự báo chưa tốt. Kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thật rõ nét. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm trên cả 3 mặt quan trọng là cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và cơ cấu thành phần kinh tế; chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả chưa cao, chưa có các mô hình kinh tế có hiệu quả với quy mô lớn, có tính đột phá.
Việc thực hiện các quy hoạch phát triển vùng kinh tế hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được liên kết giữa các địa phương trong phát triển vùng, chưa quan tâm thỏa đáng đến vai trò của từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội, kết nối giao thông trong vùng còn khó khăn, khoảng cách giữa các vùng còn lớn. Cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa có liên kết thúc đẩy sự phát triển. Nhiều địa phương chưa xác định được thế mạnh, bước đi cụ thể. Phát triển kinh tế chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận.
|
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, không đạt mục tiêu đề ra; việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm; mô hình quản lý chậm đổi mới.
Việc thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công chưa đảm bảo, công tác quản lý, sử dụng nguồn thu (nhất là đất đai, tài nguyên) còn thiếu hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách trong một số trường hợp chưa được bảo đảm; tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực; quản lý tài chính, tài sản công, đất đai ở một số cơ quan, đơn vị còn kém hiệu quả.
Việc thực hiện sắp xếp lại các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước mới đạt kết quả bước đầu, vẫn thiếu tính đồng bộ, thống nhất tại một số địa phương thực hiện thí điểm. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, mức độ tự chủ tài chính chưa cao, đặc biệt ở các địa phương. Cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa chưa đủ mạnh, việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn nhiều bất cập, lúng túng. Việc xã hội hóa một số lĩnh vực y tế, giáo dục còn bất cập, để lợi dụng nâng khống giá trị vật tư, thiết bị... ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ công.
Từ đó, đại biểu thống nhất, việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung đi vào thực chất, hiệu quả.
Theo ý kiến của đại biểu, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần tính toán và dự báo về tác động của dịch COVID-19, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp “phục hồi và phát triển kinh tế” rõ nét hơn.
Đối với cơ cấu lại và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng cơ chế để khu vực doanh nghiệp nhà nước phát huy đúng vai trò đầu tàu của mình. Lâu nay dường như vai trò đó rất mờ nhạt, nên giờ đây chúng ta ưu tiên mở rộng và trao đầy đủ quyền tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, phải để cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu để đánh giá hiệu quả, từ đó khơi dậy tiềm năng và tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng đảm bảo tài chính quốc gia an toàn. Tập trung cải thiện, khắc phục các chỉ số còn yếu theo Công cụ đánh giá hiệu quả đầu tư công (PIMA) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) như chỉ số “lựa chọn dự án”, “thẩm định dự án”, “giám sát tài sản”, “chiến lược ngành, quốc gia”, “tính toàn diện và thống nhất của ngân sách”. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, đặc biệt là vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, gắn với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác Công - Tư (PPP). Các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh như “khởi sự kinh doanh”, “bảo vệ nhà đầu tư”, “giải quyết phá sản doanh nghiệp, “giải quyết tranh chấp hợp đồng” của Việt Nam còn thấp hơn so với một số nước trong khu vực, cần được đánh giá cụ thể để có các giải pháp thu hẹp khoảng cách so với các nước trong nhóm ASEAN-4 trong giai đoạn 2021-2025.
Ðổi mới mạnh mẽ hơn phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng chuyển giao những công việc Nhà nước không nhất thiết phải làm cho các tổ chức xã hội, chuyển đổi cung cấp trực tiếp dịch vụ công sang phương thức đặt hàng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, việc gì địa phương làm tốt hơn, kịp thời hơn thì để địa phương làm và chịu trách nhiệm; Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát; đây có thể xem như là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi kinh tế không những trong ngắn hạn, mà còn về dài hạn và có tính bền vững. Chính phủ, bộ, ngành chỉ cần xây dựng thể chế, thực hiện quản lý nhà nước, nắm các lĩnh vực trọng yếu, tránh làm thay và không nên nắm, xét duyệt những vấn đề quá cụ thể mà địa phương làm rất tốt.
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng đề xuất, cần tháo gỡ sự chồng chéo trong các quy định về đầu tư công. Đối với việc thực hiện chuyển đổi số, cần triển khai đồng bộ và ưu tiên phải có hạ tầng số, thiết bị số; cần có trường đại học liên kết theo vùng, trường đại học chất lượng cao để nâng cao nguồn lực tham gia đáp ứng cho sự phát triển KT-XH của địa phương trong thời gian tới.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)