Đại biểu cho rằng sau gần 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018), một số cơ sở giáo dục đại học nước ta bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập dần với giáo dục đại học trên thế giới. Tự chủ giáo dục đại học một mặt giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phát biểu thảo luận tại hội trường |
Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia; chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên (đặc biệt trong đào tạo thạc sỹ), chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.
Bên cạnh đó, sự chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học và một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, dẫn đến các công cụ chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trường đại học gặp khó trong các hoạt động “tự chủ” của mình.
Về quản lý nhân sự, các cơ sở giáo dục đại học công không được tự quyết định về vấn đề tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức mà phải thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình quy định của Luật Viên chức và các quy định của cơ quan chủ quản. Điều này làm cho việc tuyển dụng lao động và bố trí nhân sự phù hợp, có chất lượng gặp khó khăn.
Về tài chính, có nhiều rào cản do sự thiếu đồng bộ trong các quy định của luật giáo dục, giáo dục đại học với một số luật chuyên ngành như Luật ngân sách nhà nước luật quản lý, sử dụng tài sản công. Cùng với việc ra đời của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp công phải thực hiện cắt giảm ngân sách nhà nước theo lộ trình sau mỗi thời kỳ ổn định (5 năm), làm cho việc chi tiêu tại các cơ sở giáo dục đại học ngày càng bị thắt chặt hơn, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhà trường và chất lượng giáo dục đào tạo, hoạt động nghiên cứu.
Về học thuật, hoạt động chuyên môn, theo quy định của luật, việc tuyển sinh, mở mã ngành, tổ chức, quản lý đào tạo thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chưa được quyền quyết định.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 01/6 |
Từ đó, đại biểu đề nghị cần có sự tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện tự chủ đại học sau 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trước hết cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của các vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học, từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khai thác thị trường riêng (không có quy định chung đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước). Quán triệt nguyên tắc, song song với giao quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Quyền tự chủ đến đâu thì trách nhiệm tương xứng tới đó.
Đồng thời, đối với các trường đại học công lập địa phương, cần phân định một cách rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển của địa phương, đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu. Không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường đại học này. Các trường đại học địa phương cần đánh giá lại thực trạng và hiệu quả đào tạo trong thời gian qua, có thể không cần lấn sâu vào các chương trình đào tạo mang nặng tính học thuật/lý luận mà nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp để khai thác thị trường ngách. Để thực hiện được điều này cần có sự giao thoa giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu khẳng định tự chủ đại học là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giúp cho các trường đại học sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực, tự tìm hướng đi mới cho mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tự chủ tài chính đã làm gia tăng áp lực cho các cơ sở giáo dục đại học, để duy trì sự tồn tại và phát triển của nhà trường, nhiều trường tìm mọi cách để nâng cao nguồn thu, điều này đã làm cho chất lượng đào tạo giảm sút, một khi các cơ sở giáo dục đại học công dần chuyển sang mô hình hoạt động của doanh nghiệp thì đồng nghĩa mục tiêu phát triển con người cũng sẽ là thứ yếu, thay vào đó lợi nhuận mới là ưu tiên hàng đầu.
Nghị định số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo đã khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Việc chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đại biểu đề nghị các khoản chi trong mục chi thường xuyên cho ngành giáo dục nên được coi như chi đầu tư phát triển.
Tin mới cập nhật
- Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết và bế mạc ( 20/11)
- Tạo đột phá phát triển hạ tầng giao thông quốc gia ( 13/11)
- Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8: Quốc hội tập trung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ( 12/11)
- Ủy ban Pháp luật họp thẩm tra đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Hà Tĩnh ( 10/11)
- Quy định rõ nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề ( 09/11)
- Đại biểu Quốc hội góp ý chi tiết về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng ( 09/11)