Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bế mạc trong Đợt 2 kỳ họp thứ 5
EmailPrintAa
12:56 19/06/2023

Đợt 2, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 19/6 (thứ hai) đến hết ngày 24/6 (ngày thứ 7), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 08 luật và 09 nghị quyết, thảo luận tại hội trường cho ý kiến lần thứ hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật, trong đó có dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời tiến hành bế mạc kỳ họp

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hóa XV.

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; đến nay, hồ sơ dự án Luật được chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia và được Quốc hội cho bổ sung đưa vào chương trình kỳ họp lần này.

Việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng này; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách gắn với kiện toàn lực lượng, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở, tạo một lực lượng thống nhất.

Theo chương trình Đợt 2, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi).

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn Thông (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đặc biệt, Quốc hội dành cả ngày 21/6 để thảo luận ở hội trường cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác. Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét theo quy trình 03 kỳ họp. Phiên thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri, Nhân dân cả nước theo dõi.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự kỳ họp

Bên cạnh đó, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết bằng hệ thống điện tử để thông qua 08 luật: Luật Giá (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 02 nghị quyết chuyên đề về: Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Và biểu quyết thông qua các nghị quyết lĩnh vực ngân sách, đầu tư: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Cùng các nghị quyết về: Việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024; Về chất vấn và trả lời chất vấn; Kết quả giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19,việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (trong đó quy định về: Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).

Phiên bế mạc diễn ra vào chiều 24/6 và được truyền hình, phát thanh trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc kết thúc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hóa XV.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc