Quốc hội thảo luận Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
EmailPrintAa
14:42 28/10/2021

Tiếp tục kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, sáng 28/10/2021 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng và Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Tại buổi thảo luận các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với Tờ trình, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội của Quốc hội. Nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác Thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác Thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại đa số đại biểu cho rằng, không thể phủ nhận vai trò, động lực và những hiệu quả to lớn của các phong trào thi đua đem lại đối với đời sống xã hội và trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; dự thảo Luật sửa đổi đã có những điều chỉnh, bổ sung về hình thức, phạm vi thi đua. Tuy nhiên, một số đại biểu thấy rằng, nội dung thi đua trong dự thảo Luật sửa đổi vẫn còn mang nặng tính hành chính và tính chất Nhà nước... Thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của cá nhân, tập thể phấn đấu vì những mục đích chung, hướng đến những điều tốt đẹp, mục tiêu cao hơn trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh... phát huy được sức mạnh của từng cá nhân, tập thể trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu, phạm vi và hình thức tổ chức thi đua phụ thuộc vào từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng chứ không phải tất cả đều giống nhau, có cái thi đua để phát huy, có cái thi đua để khắc phục, có cái thi đua để cống hiến hơn...

Chính vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung về phạm vi, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp xã hội.

Về nội dung khen thưởng, theo  các đại biểu, vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao khắc phục được tính hình thức và chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, nhất là trong khen thưởng. Để giải quyết được vấn đề đó Luật sửa đổi phải có những quy định cụ thể, rõ ràng. Theo quan điểm của một số đại biểu, khen thưởng phải theo công trạng, phải dựa trên công trạng của các cá nhân, tập thể đạt được; có như vậy mới thực sự động viên được đối tượng được khen thưởng và khích lệ cộng đồng xã hội học tập, phát huy và hướng tới.

Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại một số quy định trong dự thảo Luật, cụ thể là: Tại khoản 2 và khoản 3, Điều 3 giải thích từ ngữ quy định: “Danh hiệu thi đua là hình thức ghi nhận, biểu dương, tôn vinh cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua”. Còn “Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”;  Điều 4 dự thảo Luật quy định khen thưởng theo nhiều loại hình đó là: Khen thưởng theo công trạng, theo thành tích đột xuất, thành tích trong các phong trào thi đua, thành tích cống hiến, thành tích niên hạn công tác... Vậy thực chất thì khen thưởng là theo công trạng hay thành tích?

Một số đại biểu các tỉnh, thành nhấn mạnh: Đề nghị cần rà soát lại để có sự thống nhất giữa nội hàm khái niệm khen thưởng và loại hình khen thưởng, nếu không sẽ dẫn đến việc khi quy định các tiêu chuẩn cụ thể sẽ mất đi bản chất thực sự của khen thưởng là ghi nhận công trạng; và nếu thống nhất được vấn đề này, các điều khoản quy định cụ thể của phần khen thưởng sẽ cụ thể, rõ ràng hơn.

Qua nghiên cứu Báo cáo Tổng kết Luật Thi đua, khen thưởng, nhận thấy có nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng hiện nay. Dù nhiều quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác thi đua khen thưởng còn chung chung, chưa được cụ thể hóa, khó định lượng; nhưng theo đại biểu, mấu chốt vấn đề khiến công tác này chưa chất lượng, hiệu quả chủ yếu là do khâu tổ chức, triển khai thực hiện chứ không hoàn toàn do Luật. Do vậy, đại biểu cho rằng nếu khen thưởng căn cứ vào công trạng chứ không phải là thành tích thì sẽ bớt tính tràn lan, hình thức; hơn nữa cũng cần phải có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng, dự thảo Luật đã có quy định, song chưa thể hiện rõ điều này.Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc