Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó có sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 6 như sau: “Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân”. Tuy nhiên, Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân lại chưa quy định về thẩm quyền cho ý kiến giải quyết những vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên họp Thường trực tháng 9/2024
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30 tháng 01 năm 2019 hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân, trong đó có quy định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 02 kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân thì tổ chức kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân để xem xét, quyết định.
Với quy định này, việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp khá lúng túng và có nhiều ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Thường trực Hội đồng nhân dân chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong trường hợp phát sinh thì tổ chức kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết định. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Khoản 3, Điều 6 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Thường trực Hội đồng nhân dân là cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này và các quy định khác của luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.
Ngày 9/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Công văn số 288/UBTVQH15-CTĐB có hướng dẫn về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân: Căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân còn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong các luật khác, chẳng hạn như: Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
Các đồng chí: Trần Tú Anh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Kỳ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Đình Gia, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì
|
Từ các quy định của pháp luật, cho thấy việc Thường trực Hội đồng nhân dân xử lý những vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp là có cơ sở, đúng thẩm quyền, tuy nhiên chỉ ở một số lĩnh vực luật cho phép như: Xem xét, cho ý kiến về báo cáo tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất trong một số trường hợp; quyết định phương án sử dụng số tăng thu tiết kiệm chi ngân sách cấp mình; cho ý kiến về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xem xét, quyết định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân…
Qua thực tiễn cho thấy, để nâng cao chất lượng hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân trong xử lý những vấn đề phát sinh giữa 02 kỳ họp, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là , việc đề nghị giải quyết các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh yêu cầu phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thực tế địa phương. Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, trung thực, khách quan đúng thẩm quyền. UBND tỉnh chỉ xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND và Thường trực HĐND chỉ cho ý kiến về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Hai là , căn cứ vào nội dung UBND trình, Thường trực HĐND chủ động phân công cho Trưởng các Ban HĐND tham mưu nội dung xử lý theo lĩnh vực của từng Ban. Trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Trưởng các Ban HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến.
Ba là , tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và những vấn đề khác có liên quan.
Bốn là , nội dung, hồ sơ, thủ tục trình phải đúng quy định về thẩm quyền, đảm bảo các thông tin cần thiết có liên quan để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, quyết định, Thường trực HĐND tỉnh không xem xét cho ý kiến những nội dung trình không đảm bảo hồ sơ, thủ tục.
Thiết nghĩ, pháp luật trước hết cần phản ánh đúng nhu cầu của thực tiễn; pháp luật không chỉ là các quy phạm mà còn phải tạo ra cơ chế để các chủ thể thực hiện thuận lợi, hiệu quả. Với tinh thần đó, để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND, hạn chế việc tổ chức kỳ họp chuyên đề, bảo đảm tiết kiệm thì cần sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND thống nhất với cách hiểu tại Khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Khi đó, nhiệm vụ của Thường trực HĐND sẽ tương xứng với vị trí, vai trò và cơ cấu tổ chức được mở rộng theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)