Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án
EmailPrintAa
14:28 22/05/2024

Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43), với 05 quan điểm, 03 mục tiêu, chỉ tiêu, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách khác chưa từng có tiền lệ, phương án huy động nguồn lực, các cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án đầu tư thuộc Chương trình, đã góp phần hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 43, tỉnh Hà Tĩnh cơ bản vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Áp dụng hiệu quả các chính sách vào thực tiễn

Với các chính sách, cơ chế cụ thể, sự đồng hành, hỗ trợ của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng với sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa chính sách Nghị quyết 43 trên địa bàn, qua đó đạt được nhiều kết quả trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 43, bức tranh kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh dần phục hồi và có những khởi sắc nhất định.

Các thành viên Đoàn giám sát khảo sát “Dự án Kè bảo vệ bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ

Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế khá, vốn đầu tư toàn xã hội tăng. Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng; các dự án công nghiệp trọng điểm có nhiều tín hiệu tích cực. Nông nghiệp được mùa, năng suất, sản lượng cao. Du lịch, dịch vụ phục hồi nhanh. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng đáp ứng nhu cầu. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở được quan tâm thực hiện.

Linh hoạt trong cách làm, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp như tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số... Đến nay, mặt bằng lãi suất trong hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng giảm theo đúng mục tiêu Nghị quyết 43 đề ra.

Hà Tĩnh có 04 dự án thuộc danh mục dự án bố trí vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hiện đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đang tập trung triển khai thi công gồm: Dự án Đường từ Quốc lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa, tỉnh Hà Tĩnh; Dự án Kè bảo vệ bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ; Dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 04 Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Hà Tĩnh; Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 19 Trạm y tế tuyến xã, tỉnh Hà Tĩnh.

Nhìn chung, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 43 trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản hoàn thành, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, đặc biệt là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; các hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi và phát triển nhanh; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Rào cản từ những vướng mắc, bất cập

Bên cạnh các kết quả đã đạt được , việc thực hiện Nghị quyết 43 trên địa bàn Hà Tĩnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ.

Thực hiện Đề án tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc huy động nguồn lực. Du lịch phục hồi nhưng chưa tận dụng được tối đa cơ hội sau đại dịch; xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chịu ảnh hưởng mạnh do tuyến đường lên cửa khẩu phía Lào bị sạt lở do mưa lũ. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn về thị trường, nguồn lực tài chính, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách, phát triển doanh nghiệp

Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội

Công tác quản lý quỹ đất, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập; việc xác định giá đất các dự án còn chậm, vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng có nơi còn vướng mắc, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư; công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với một số nguồn thải chưa hiệu quả.

Việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn có xu hướng tăng nhanh. Vướng mắc trong cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng; thời điểm lập hóa đơn và lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng,…

Quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 còn chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng trong triển khai.

Ngoài ra, Hà Tĩnh không thuộc đối tượng hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam nên việc phát triển hạ tầng viễn thông, internet tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng bị núi che chắn ít dân cư sinh sống (chưa có sóng di động hoặc có nhưng chất lượng kém) trên địa bàn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kịp thời đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương và địa phương các giải pháp nhằm xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập, đồng thời chỉ ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Trước hết, đối với Chính phủ, cần quan tâm, ưu tiên lồng ghép bố trí các nguồn vốn hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các nội dung, tiêu chí trong Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”. Cùng với đó, cần xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Phú Vinh và khu công nghiệp Hoành Sơn; xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng.

Ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện (gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, thuế suất thuế giá trị gia tăng…), trong trường hợp kinh tế chưa phục hồi, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu ban hành một số chính sách giảm thuế năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với địa phương, Đoàn giám sát cũng đề nghị cần tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tỉnh, đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, công trình trọng điểm có tính lan tỏa lớn. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Tthực hiện cơ cấu lại, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, tập trung cao các tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.

Quang Đức - Thúy An

    Ý kiến bạn đọc