Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu
|
Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban VHXH HĐND tỉnh Đào Thị Anh Nga; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở: Tư pháp, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và một số trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 16 dự án Luật và cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật. Trong đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế sẽ được xem xét và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.
|
Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế; đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần điều chỉnh như: Một số văn bản hướng dẫn thực hiện thiếu đồng bộ, không phù hợp thực tiễn; một số nhóm đối tượng chưa được tham gia bảo hiểm y tế; quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn bất cập. Cùng với đó một số quy định về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, quản lý sử dụng bảo hiểm y tế, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến, giám định bảo hiểm y tế không còn phù hợp; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật. Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nguyễn Văn Đồng: Cần đánh giá tác động cụ thể, đúng thực tiễn đối với việc mở rộng các đối tượng hưởng các quyền lợi liên quan đến BHYT.
|
Đóng góp vào dự thảo luật, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn. Quy định bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh. Vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật…
Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Bùi Thị Mai Hương : Cần xem xét kỹ các điều khoản nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở y tế thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
|
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT tại xã đảo, huyện đảo có điều kiện kinh tế khá nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nên. Xem xét quy định bắt buộc người dân có thẻ bảo hiểm y tế phải khám sức khỏe định kỳ (định kỳ 6 tháng/01 lần khám hoặc 01 năm/01 lần khám với các danh mục khám, xét nghiệm bắt buộc) và được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định. Có phương án đảm bảo quyền lợi đối với trường hợp học sinh, sinh viên đồng thời là thành viên đóng theo hộ gia đình để được hưởng mức đóng thấp nhất.
Trưởng phòng T ruyền thông BHXH tỉnh, Trương Thị Tuyết : Cần phân định rõ trách nhiệm các cấp, các ngành và đơn vị chủ trì trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT.
|
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng thời gian qua, việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh đang gặp nhiều tồn tại, vướng mắc. Do đó cần quy định cụ thể và có chế tài trong việc chậm thanh toán bảo hiểm y tế giữa cơ quan bảo hiểm với cơ sở y tế (tương ứng như chế tài đối với việc chậm đóng BHYT).
Các ý kiến đề xuất quy định rõ đơn vị chủ trì trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHYT; đề nghị sau khi ban hành Luật sửa đổi, bổ sung thì cần kịp thời điều chỉnh các văn bản dưới luật đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Chánh Thành đề nghị khi thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm y tế thì cần sớm ban hành hoặc sửa đổi các văn bản dưới Luật nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
|
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo và các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đều đi thắng vào các vấn đề còn vướng mắc, bất cập giữa quy định của pháp luật với thực tiễn. Các ý kiến góp ý cụ thể, góp phần hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan, qua đó phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; khắc phục được các tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tin mới cập nhật
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 16/10)
- Nhiều kiến nghị có giá trị trong việc lấy ý kiến góp ý dự án luật lĩnh vực thuế - tài chính , ngân sách của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ( 15/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ( 11/10)
- Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên ( 08/10)
- Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 ( 01/10)