Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)
EmailPrintAa
14:13 16/10/2024

Sáng 16/10, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở LĐ-TB&XH ) (tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Hữu Công chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Cùng dự có các đồng chí: Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ; Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ngành liên quan.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều), được sắp xếp gồm: Những quy định chung, gồm 6 điều; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, gồm 21 điều; đăng ký và quản lý lao động, gồm 12 điều; hệ thống thông tin thị trường lao động gồm 9 điều; phát triển kỹ năng nghề, gồm 20 điều; dịch vụ việc làm, gồm 10 điều; bảo hiểm thất nghiệp, gồm 47 diều; quản lý Nhà nước về việc làm, gồm 3 điều; điều khoản thi hành, gồm 2 điều.

Trưởng phòng LĐTB&XH Thị xã Kỳ Anh Lương Văn Tri: cần bổ sung thêm đối tượng mới thoát nghèo vào đối tượng cho vay vốn giải quyết việc làm

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 42 – NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28 - NQ/TW; bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15; tổng hợp những kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan; rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.

Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nguyễn Tuấn Anh tham gia ý kiến tại hội nghị

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu tham gia ý kiến đều cho rằng Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lặp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực việc làm, lao động và an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan; không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Dự thảo tương thích với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Tuy nhiên, còn một số đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng mới thoát nghèo vào đối tượng cho vay vốn giải quyết việc làm; cần bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đề nghị thêm đối tượng thu nhập thấp được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nguyễn Thị Thanh Hương: đề nghị thêm đối tượng thu nhập thấp được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm mục chính sách đối với phụ nữ khi trong Dự thảo Luật đã có chính sách với thanh niên, người cao tuổi (là các nhóm đối tượng đặc thù); để đảm bảo lồng ghép giới trong hoạch định chính sách, đề nghị thêm một mục chính sách đối với phụ nữ khuyết tật, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ; cần nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, sử dụng sử dụng nhiều lao động nữ được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất thấp hơn; cần quy định rõ mức vay bao nhiêu thì cần thế chấp tài sản.

Phó Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đinh Văn Hồng tham gia ý kiến tại hội nghị

Tại Hội nghị, một số đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng mới thoát nghèo vào đối tượng cho vay vốn giải quyết việc làm; cần bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đề nghị thêm đối tượng thu nhập thấp được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm..

Đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét mở rộng thêm đối tượng người lao động được vay vốn từ nguồn ngân sách Trung ương, ủy thác nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bởi trong thực tế có rất nhiều người lao động dù không được quy định nhưng nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất thấp là rất lớn (những người bị mất việc làm sau thiên tai, bão lũ, dịch bệnh); cần quy định rõ trong Luật cơ chế ưu tiên ngân sách tạo việc làm cho thanh niên làm căn cứ để Chính phủ có chính sách về nguồn vốn cho thanh niên phát triển sinh kế, tạo việc làm…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia kết luận tại hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia ghi nhận, biểu dương các đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã tập trung nghiên cứu, chủ động, trách nhiệm tham gia ý kiến vào dự án Luật Việc làm. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc