Cần quy định đảm bảo đấu giá viên hành nghề chuyên nghiệp, hiệu quả
EmailPrintAa
16:44 29/03/2024

Chiều 27/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Trần Đình Gia thảo luận góp ý nhiều nội dung cụ thể vào dự án luật.

Lãnh đạo Quốc hội chủ trì phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ngày 14/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Báo cáo số 2627/BC-UBKT15 ngày 12/3/2024 về một số vấn đề lớn của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH ngày 21/3/2024 của Tổng Thư ký Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 41 điều, khoản của Luật Đấu giá tài sản (Luật hiện hành), bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (trong đó một số điều, khoản được thiết kế và sắp xếp lại để phù hợp kỹ thuật lập pháp mà không thay đổi nội dung).

Qua thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đều cơ bản cho rằng, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện hơn so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Trần Đình Gia thảo luận

Tham gia Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Trần Đình Gia thảo luận về một số nội dung cụ thể:

Qua nghiên cứu, về cơ bản tôi nhất trí với các nội dung quy định Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sửa đổi và các tài liệu liên quan. Để hoàn thiện dự thảo luật Tôi xin tham gia một số nội dung sau:

Thứ nhất, về thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản (Điều 26 Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13, Điều 1 Dự thảo)

Tại khoản a, đề nghị thay thế cụm từ “quyết định thay đổi nội dung đăng ký hoạt động” bằng cụm từ “ cấp lại Giấy đăng ký hoạt động ”, thành : Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy đề nghị thay đổi, Sở Tư pháp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho doanh nghiệp đấu giá tài sản; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Doanh nghiệp bị từ chối thay đổi nội dung đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.”.

Toàn cảnh hội nghị

Bởi vì theo Quyết định số 1724/QĐ-BTP ngày 10/8/2020 của Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được chuẩn hóa, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực đấu giá tài sản thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, kết quả của thủ tục Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động doanh nghiệp đấu giá tài sản là Quyết định thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; khi đó, Giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản cũng phải được cấp lại do có nội dung đã thay đổi. Tuy nhiên, việc cấp lại Giấy đăng ký hoạt động trong các trường hợp này đã đảm bảo giá trị pháp lý và các thông tin đăng ký hoạt động của doanh nghiệp; việc ban hành thêm một quyết định thay đổi đi kèm với Giấy đăng ký hoạt động là không cần thiết.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Thứ hai, về chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá (Điều 29 Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi bổ sung tại khoản 15 Điều 1 dự thảo)

Tại điểm 7, đề nghị bổ sung cụm từ “bị hư hỏng”, thành “7. Trường hợp doanh nghiệp đấu giá tài sản đề nghị cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp do bị mất, bị rách, bị cháy, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới các hình thức khác thì thực hiện như sau…”

Vì thực tế có những trường hợp Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp chữ bị nhòe không đọc được. Do đó, đề nghị bổ sung trường hợp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động do bị hư hỏng không sử dụng được.

Thứ ba, về đăng ký tham gia đấu giá (Điều 38 Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 21, Điều 1 Dự thảo)

Tại điểm a, đề nghị thay thế cụm từ “bán,tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá” bằng cụm từ “bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá ”, thành: “Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá tại trụ sở tổ chức hành nghề đấu giá …”

Thứ tư, về hình thức đấu giá (Điều 40 Luật Đấu giá tài sản)

Tại Điều 40 quy định: “ Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau để tiến hành cuộc đấu giá…”. Hướng dẫn thực hiện quy định này, Bộ Tư pháp có Văn bản số 678/BTTP-ĐGTS ngày 26/7/2017 và Văn bản số 603/BTTP-ĐGTS ngày 28/6/2019, theo đó: N gười có tài sản có thể căn cứ tình hình thực tiễn thỏa thuận với tổ chức đấu giá tài sản để quy định trong Quy chế cuộc đấu giá việc áp dụng hình thức bỏ phiếu gián tiếp và hình thức đấu giá trực tiếp cho vòng đấu thứ 2”.

Do đó, đề nghị xem xét quy định cơ sở pháp lý cho phép hình thức kết hợp đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tiếp là một trong các hình thức đấu giá tại Điều 40 Luật Đấu giá tài sản.

Thứ năm, về đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp (Điều 43, Luật Đấu giá tài sản, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25, Điều 1 Dự thảo)

Tại điểm b, quy định đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp: “Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất thì ngay tại buổi công bố giá, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để chọn ra người trúng đấu giá” . Thực tế đã có trường hợp Đấu giá viên không đấu giá tiếp ngay sau khi công bố các phiếu trả giá (đối với tài sản có từ 02 người trở lên cùng giá trả cao nhất) mà dừng lại để công bố phiếu trả giá của các tài sản khác trong cuộc đấu giá rồi mới quay trở lại đấu giá tiếp. Cách thực hiện này có thể tạo khoảng thời gian để người tham gia đấu giá thông đồng, dìm giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại phiên thảo luận

Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “ ngay tại buổi công bố giá” , và quy định rõ việc đấu giá tiếp phải thực hiện liên tục, ngay sau khi công bố các phiếu trả giá cao nhất đối với tài sản đó .

Thứ sáu, về việc hành nghề đấu giá viên

Hiện nay, số lượng đấu giá viên kiêm nhiệm nghề khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khá nhiều nhưng hầu hết chỉ hoạt động đấu giá như một nghề “tay trái”, không ổn định, không tâm huyết, thường thay đổi nơi làm việc. Mặt khác, cùng với tiêu chí về số lượng và kinh nghiệm hành nghề của đấu giá viên quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/2/2022 hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, nhiều người hành nghề đấu giá theo hình thức “ghi danh” (được Sở Tư pháp cấp thẻ đấu giá viên nhưng thực tế không điều hành cuộc đấu giá nào) chỉ để doanh nghiệp đấu giá tài sản được chấm thêm điểm khi đăng ký tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Vì vậy, để đảm bảo đấu giá viên hành nghề thực chất, đảm bảo tính ổn định, chuyên nghiệp, hiệu quả và sự phát triển của nghề đấu giá, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét quy định đấu giá viên không được kiêm nhiệm các công việc thường xuyên khác.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc