Bài học kinh nghiệm và giải pháp trong phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân
EmailPrintAa
14:45 06/03/2023

Cổng Thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2020 -31/12/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 - 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Qua giám sát, đã rút ra bài học kinh nghiệm và giải pháp trong phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân

P hát huy vai trò cộng đồng trong phòng chống dịch

Cần đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả cùng với sự chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Huy động sức mạnh của toàn dân, sự đồng lòng nhất trí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và toàn hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Đoàn giám sát làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Can Lộc

Tăng cường nhận thức cho cán bộ và Nhân dân; đảm bảo minh bạch, rõ ràng, kịp thời, hiệu quả thông tin truyền thông trong quá trình phòng chống dịch.

Phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; quyết định các biện pháp phòng, chống dịch thần tốc, mạnh mẽ, triệt để nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm thiểu tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống y tế và lực lượng chức năng: Biên phòng, Quân đội, Công an chủ động, linh hoạt các giải pháp chuyên môn, nghiệp vụ trong quản lý người đến/về địa bàn tỉnh, truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp tình hình thực tiễn; nhất là chiến lược về xét nghiệm để phát hiện và cách ly nhanh chóng các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Đường Công Lự báo cáo với Đoàn giám sát.

Đảm bảo công tác hậu cần, an sinh xã hội, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch, đảm bảo việc tổ chức và điều phối hiệu quả nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ, nhất là tại cơ sở, không để bị động, lúng túng khi dịch bùng phát.

Có cơ chế chính sách đãi ngộ tương xứng cho y tế cơ sở, y tế dự phòng

Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và của cả cộng đồng có vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả của việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững về y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Công tác cán bộ, vai trò của người đứng đầu và phát huy tốt quy chế dân chủ đóng vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích cán bộ y tế gắn bó với đơn vị và có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế báo cáo tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát với UBND tỉnh và các sở ngành

Phát huy vai trò của ngành y tế trong việc tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai kịp thời, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết chỉ đạo nhân rộng các mô hình, điển hình trong các địa phương, đơn vị; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ, nhân viên y tế phải được tiến hành thường xuyên với hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng; tạo sự chuyển biến rõ rệt về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi cán bộ công nhân, viên chức ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với UBND và các sở ngành liên quan

Việc ban hành các cơ chế chính sách đãi ngộ tương xứng, phù hợp và kịp thời đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút, giữ chân cán bộ có trình độ cao và đào tạo cán bộ đồng đều theo các lĩnh vực chuyên khoa

Chuyển đổi số y tế là nội dung quan trọng góp phần quan trọng để vừa phòng, chống Covid-19, vừa hoàn thành nhiệm chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Giải pháp về thể chế

Rà soát tổng thể các văn bản có liên quan đến phòng, chống dịch đã ban hành theo Nghị quyết 30 để sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Y tế trong thời gian tới; đặc biệt về y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Tập trung đổi mới mạnh mẽ về tài chính y tế và chính sách BHYT, tăng tỷ trọng chi của NSNN trong tổng chi cho y tế; đổi mới phương thức chi trả; điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ; đổi mới cơ chế tài chính y tế dự phòng, trong đó có hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản.

Đồng chí Trần Đình Gia, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại Trung tâm Y tế huyện Can Lộc

Tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về xã hội hóa, tự chủ tài chính y tế, mua sắm, đấu thầu, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu KCB. Nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Giải pháp về tổ chức thực hiện

Tiếp tục tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tiêm vắc xin, xem đây là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch Covid-19

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết các vấn đề hậu COVID-19; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch, đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, Nhân dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, mạng lưới y tế - dân số theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp các dịch vụ y tế - dân số; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác trong y tế, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin, sinh phẩm trong nước nhằm nâng cao chất lượng KCB cho Nhân dân. Triển khai hiệu quả đề án tăng cường năng lực hệ thống chất lượng xét nghiệm y học, sớm liên thông kết quả xét nghiệm đối với các cơ sở y tế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để hỗ trợ, khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa và đổi mới công tác tài chính y tế - dân số.

Đổi mới phương pháp truyền thông, vận động, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành Y tế tiến tới y tế số, y tế thông minh phục vụ người dân.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc