Chất vấn trong hoạt động của HĐND: Khẳng định tính thực quyền và trách nhiệm của đại biểu
EmailPrintAa
07:36 02/11/2016

Điều 96 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ quyền chất vấn là quyền quan trọng của đại biểu. Mới đây, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) cũng đã quy định chi tiết về cách thức tiến hành chất vấn, cùng với đó là vai trò của HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND, chất vấn giữa hai kỳ họp... Theo đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn phải tuân thủ theo một trình tự nhất định, thể hiện nghiêm túc tính thực thi quyền lực của Nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của đại biểu khi thực hiện quyền này.

Chất vấn - hình thức giám sát quan trọng

Từ quy định của pháp luật và xét về bản chất thì chất vấn và trả lời chất vấn khác hẳn so với việc hỏi, đáp thông thường. Theo đó, chủ thể của chất vấn là đại biểu QH và đại biểu HĐND. Chỉ đại biểu HĐND mới có quyền trực tiếp chất vấn. Mọi cử tri đều có quyền chất vấn chính quyền và các cơ quan hữu quan nhưng phải thông qua người đại diện hợp pháp của mình là đại biểu HĐND, đại biểu QH. Đối tượng bị chất vấn cũng được quy định rất rõ. Đó là, người đứng đầu trong các cơ quan chính quyền và cơ quan tư pháp cùng cấp.

Việc hình thành chất vấn chủ yếu dựa trên cơ sở hoạt động của đại biểu như: Tham gia đoàn giám sát, khảo sát, TXCT, tiếp công dân và qua các hoạt động hợp pháp khác của đại biểu. Từ đó, đối tượng trả lời chất vấn khi được yêu cầu phải trả lời nghiêm túc và chịu trách nhiệm về nội dung mình quản lý. HĐND xem xét việc trả lời theo quy định của pháp luật và có thể tái chất vấn khi nội dung trả lời chưa thỏa đáng. HĐND cũng có thể ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn nếu thấy cần thiết.

Có thể khẳng định, chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát quan trọng nhất, không thể thiếu được trong hoạt động của HĐND các cấp. Cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND. Đồng thời, cũng yêu cầu các đại biểu HĐND thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát nói chung, chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng.

Thành công là tổng hòa từ nhiều yếu tố

Thực tế cho thấy, hoạt động chất vấn đã góp phần khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND; tạo nhiều chuyển biến về kinh tế - xã hội. Thông qua đối thoại thẳng thắn, nhiều vấn đề bức xúc từng bước được công khai, dân chủ, minh bạch, tìm giải pháp khắc phục kịp thời. Có được điều đó là tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, sự điều hành của chủ tọa kỳ họp đóng vai trò khá quan trọng. Thực tế cho thấy, nếu chủ tọa điều hành linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn kiên quyết khi xử lý những tình huống phát sinh thì sẽ tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn nhưng vẫn mang tính xây dựng.

Sau mỗi nội dung chất vấn, chủ tọa phải có kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn bổ sung nếu thấy cần để làm rõ vấn đề. Kết luận phiên chất vấn của chủ tọa tại kỳ họp HĐND không phải là khép lại phiên họp mà phải mở ra những nội dung mới, hướng xử lý tiếp theo và những ý tưởng hay để giải quyết các vấn đề đã đưa ra chất vấn. Trên cơ sở này, Thường trực HĐND tổ chức hoặc phân công các ban HĐND theo dõi, đôn đốc việc thực hiện lời hứa của các cơ quan có liên quan. Khi cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND và các cơ quan chuyên môn, thông báo kết quả thực hiện cho người chất vấn và báo cáo với HĐND kết quả thực hiện.

Theo quy định mới, số lượng đại biểu chuyên trách của các ban HĐND được tăng cường cũng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các phiên chất vấn. Đại biểu chuyên trách khách quan hơn trong việc đánh giá, suy xét các vấn đề từ việc thu nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri, của công dân hay qua giám sát, khảo sát thực tế; không ngại va chạm, tự tin khi chất vấn hoặc phát biểu ý kiến bảo vệ các quan điểm của mình, giúp HĐND có quyết định, kiến nghị đúng đắn, phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi.

Xác định trách nhiệm từng chủ thể liên quan

Với hệ thống hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, hoạt động của HĐND nói chung, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn nói riêng đang ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, muốn để hoạt động chất vấn thể hiện được tính thực quyền thì công tác nâng cao nhận thức về hoạt động chất vấn cho đại biểu HĐND là vô cùng cần thiết. Trong quá trình giám sát, với trách nhiệm của mình, đại biểu cần phải tìm hiểu sâu, kỹ những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, cần coi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND là cơ hội để HĐND phân tích, mổ xẻ những vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc để cùng UBND tìm giải pháp khắc phục.

Về phía người trả lời chất vấn, thực hiện nguyên tắc hỏi ai người đó trả lời, phải đi thẳng vào vấn đề, giải trình ngắn gọn, đầy đủ theo yêu cầu câu hỏi đặt ra, nêu rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và tiến độ khắc phục khả thi. Thủ trưởng cơ quan trả lời chất vấn phải đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân, nhận thức rõ những mặt tích cực và những thiếu sót để khắc phục, tránh tình trạng trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm.

Đối với công tác điều hành, Chủ tọa cần tìm hiểu kỹ nội dung liên quan đến vấn đề đưa ra chất vấn. Điều hành nội dung chất vấn cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, tái chất vấn đến cùng và kết thúc đúng lúc, có thể kết hợp hình ảnh, hiện vật minh họa. Đối với những vụ việc nổi cộm cần có thời gian hợp lý để người chất vấn và người trả lời chất vấn có sự đối thoại, tranh luận. Nếu chưa sáng tỏ vấn đề thì chủ tọa điều hành phiên chất vấn có kết luận, hoặc yêu cầu người trả lời chất vấn trả lời trực tiếp đại biểu bằng văn bản, hoặc trả lời vào phiên họp sau.

Sau khi tổ chức chất vấn, cần ra thông báo kết luận chất vấn hoặc ra nghị quyết về các nội dung chất vấn nếu thấy cần thiết. Thường trực, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện những lời hứa của UBND và các ngành liên quan đến nội dung được kết luận tại phiên chất vấn; tạo sự đồng thuận để thúc đẩy công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn; có sự cảm thông, chia sẻ, thể hiện trách nhiệm giữa HĐND, UBND và cử tri trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã được HĐND quyết định.


    Ý kiến bạn đọc