Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan trình
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Trần Anh Đức, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2015 nêu rõ, trách nhiệm chủ trì chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh được giao cho Hội đồng Dân tộc hoặc các Ủy ban của QH đã thẩm tra các dự án, cơ quan trình có trách nhiệm phối hợp chỉnh lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình chỉnh lý một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy định của Luật năm 2015 theo hướng xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
Để tăng cường trách nhiệm của cơ quan trình, cũng như cơ quan thẩm tra trong quá trình chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi lần này đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án một giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là, cơ quan thẩm tra vẫn chủ trì việc chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo Luật có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình trong quá trình chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Cụ thể, cơ quan chủ trì thẩm tra chỉ được tiến hành việc chỉnh lý dự án luật, dự thảo Nghị quyết khi có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp. Cùng với đó, cơ quan thẩm tra gửi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo; gửi bản tổng hợp ý kiến của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, dự thảo đã chỉnh lý cho cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, dự thảo.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết; báo cáo UBTVQH trong trường hợp cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có ý kiến khác với cơ quan chủ trì thẩm tra.
Theo ông Đức, phương án này có ưu điểm là tiếp tục phát huy được vai trò của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH trong công tác lập pháp và giám sát hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL, phù hợp với xu hướng tăng số ĐBQH chuyên trách trong thời gian tới. Đồng thời, phương án này không làm thay đổi quy trình làm việc của các cơ quan của QH và quy chế làm việc của Chính phủ.
Tuy vậy, theo ông Đức hạn chế của phương án này là tạo ra sự cắt khúc trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh. Điều đó có thể dẫn tới dự thảo luật, pháp lệnh sau khi đã được chỉnh lý sẽ khác nhiều với chính sách đã được xây dựng, gây khó khăn cho việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua. Ngoài ra, cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo bị thiếu thông tin và thực tiễn liên quan đến nội dung của dự thảo, do vậy sẽ khó khăn cho việc chỉnh lý.
Trong khi đó, phương án hai của dự thảo Luật quy định việc chủ trì, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh chuyển sang cho cơ quan trình. Theo phương án này, UBTVQH vẫn là cơ quan chỉ đạo việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Trong trường hợp UBTVQH có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì báo cáo QH xem xét, quyết định. Vai trò của cơ quan thẩm tra là phối hợp với cơ quan trình trong việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Trong trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình trong việc giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo thì đại diện cơ quan thẩm tra, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định.
Nên giữ như quy định hiện hành?
Nhiều ý kiến cho rằng, ưu điểm của việc chuyển tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh cho cơ quan trình có ưu điểm là bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh từ khi đề xuất, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo. Từ đó, sẽ tạo thuận lợi cho việc quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua, bảo đảm cho luật, pháp lệnh có tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Trả lời cho câu hỏi nên hay không nên chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cho cơ quan trình, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh ủng hộ phương án 1 (giữ nguyên như quy định hiện hành). Đồng thời nhấn mạnh, chuyển việc chủ trì, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cơ quan trình, cơ quan soạn thảo là không được, bởi lập pháp là chức năng của QH.
Cùng quan điểm này, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Trần Việt Hùng cho rằng, chúng ta cần tuân thủ Hiến pháp, trong đó quy định: QH thực hiện quyền lập hiến, lập pháp. Nếu chuyển việc tiếp thu chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cơ quan có thẩm quyền trình dự án, dự thảo thì vô hình trung làm giảm chức năng, vai trò của QH trong việc xây dựng luật.
Ngoài ra, ông Hùng cũng lo ngại rằng, cơ quan xây dựng luật, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước thường có xu hướng đưa ra các quy định có lợi cho hoạt động của mình, vì vậy rất khó tiếp thu những ý kiến trái với quan điểm, quy định của cơ quan soạn thảo. Điều này sẽ làm khó cho cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật trong nghiên cứu tiếp thu đóng góp của các ĐBQH trong quá trình chỉnh sửa dự án luật.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, thì việc tiếp thu ý kiến đóng góp rất quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, để ý kiến đóng góp “có đi, có lại” thì dự thảo Luật lần này cần có quy định rõ về trách nhiệm tiếp thu, giải trình. Khi lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, và ý kiến đóng góp cần có sự phản hồi về việc ý kiến nào được tiếp thu, và góp ý nào không. Qua đó, sẽ thu hút được nhiều ý kiến tham gia đóng góp, một mặt góp phần nâng cao trách nhiệm của người đóng góp ý kiến. Mặt khác, nâng trách nhiệm của cơ quan giải trình tiếp thu các ý kiến đóng góp vào các dự thảo luật, pháp lệnh.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)