Đồng chí Lê Thanh Nghị - Người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
EmailPrintAa
15:28 02/03/2022

Đồng chí Lê Thanh Nghị, tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh vào ngày 06 tháng 3 năm 1911 tại làng Thượng Cốc nay là xã Gia Khánh, Gia Lộc, Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Thanh Nghị đã giành trọn cho mục tiêu vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí Lê Thanh Nghị không những là người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng; một cán bộ lãnh đạo uy tín, tài năng của Đảng, Nhà nước mà còn là tấm gương sáng về đạo đức cao đẹp của người cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lê Thanh Nghị (1911-1989)

Ông tham gia cách mạng khi mới tròn 18 tuổi và hoạt động nhiều ở Hải Dương, Hải Phòng. Với bản lĩnh vững vàng, kiên trung của người cộng sản, đồng chí không bị lay động, khuất phục trước hai lần bị thực dân Pháp bắt và dùng đủ mọi thủ đoạn từ dụ dỗ đến cực hình tra tấn tàn bạo. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí là Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính khu III. Vào tháng 01/1948, Liên khu III được thành lập thì đồng chí được cử là Phó Bí thư Liên khu ủy III. Đến tháng 02/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy quân khu III. Năm 1953-1954, đồng chí được giao kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên các cương vị công tác này, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tuyên truyền, động viên và đôn đốc, chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng thành công thế trận chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao kiêm nhiệm nhiều công việc như phụ trách ngành công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước... Khi được giao nhiệm vụ phụ trách công tác thi đua - khen thưởng, đồng chí đã có nhiều đóng góp để đưa phong trào thi của các địa phương trên cả nước có những thành tựu quan trọng. Khi được Bác Hồ trực tiếp lựa chọn phụ trách đàm phán viện trợ quốc tế, đồng chí đã nêu ra nhiều yêu cầu phù hợp với từng nước và xin viện trợ phù hợp... Ngay cả lúc đất nước đứng trước những khó khăn, thiếu thốn vì chiến tranh tàn phá, sự phức tạp, rối ren của quan hệ quốc tế, đồng chí Lê Thanh Nghị đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển hậu phương miền Bắc, từng bước nâng cao đời sống người dân, củng cố niềm tin về chế độ mới đồng thời tăng cường thêm tiềm lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam đưa cuộc cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Khi đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí thường xuyên trăn trở, chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước nghèo, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, tiếp tục được cử phụ trách chung về kinh tế và đặc trách về công nghiệp. Đầu năm 1980, đồng chí được cử làm Thường trực Ban Bí thư. Trên cương vị công tác mới, đồng chí thường trăn trở về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta - một nước nông nghiệp lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá trong thời gian dài; không ngừng chú trọng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp nước nhà. Đồng chí cũng thường xuyên đến thăm và làm việc với các địa phương, nhất là những nơi căn cứ cách mạng trước đây, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó kiến nghị với Đảng và Chính phủ ban hành nhiều chính sách thiết thực nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, ông là người luôn quan tâm, đồng hành ủng hộ cho phát triển khoa học. Thế nên, dấu ấn của ông in đậm từ việc Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành xây dựng đến việc lập ra Viện hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Đông y Tuệ Tĩnh hay đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Quân Y 108, Bệnh viện Uông Bí...

Ông là người đã từng đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính khu III, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước... Và ở cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương về tiêu biểu của một người cộng sản ưu tú, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những hoạt động và cống hiến to lớn đối với Đảng, cách mạng và dân tộc, đồng chí Lê Thanh Nghị đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời được vinh danh là Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam.

Dù 111 năm đã trôi qua nhưng tấm gương của ông vẫn hình mẫu vẹn nguyên giá trị góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tinh thần yêu nước cách mạng, tinh thần tự học, tự rèn luyện và đức hy sinh cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Phan Thị An Phú - Trường Chính trị Trần Phú

    Ý kiến bạn đọc