Gắn kết nghị trường và cuộc sống
EmailPrintAa
07:32 29/08/2016

Nghị trường của Hội đồng nhân dân các cấp (HĐND) là diễn đàn, nơi thảo luận, thậm chí là nơi tranh luận gay gắt giữa các đại biểu để đi đến thống nhất quyết định một số vấn đề nào đó theo nguyên tắc đa số. Để những quyết định đó có hiệu lực, hiệu quả trong cuộc sống thì đòi hỏi phải có cơ sở thực tiễn; thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát, làm việc của các đại biểu HĐND và của các cơ quan dân cử.

Thực tiễn đã chứng minh, thời gian qua HĐND các cấp trong tỉnh đã có nhiều quyết nghị đúng đắn, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương phát triển nhanh, quốc phòng an ninh được giữ vững. Ví như huyện Thạch Hà thực hiện Nghị quyết số 90/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 của HĐND tỉnh về “hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất”, với tổng kinh phí gần 30,9 tỷ đồng (trong đó kinh phí ngân sách huyện hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng). Đã tạo ra nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.  Đó là sự gắn kết chặt chẽ giữa nghị trường với cuộc sống, sự sâu sát, tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu HĐND để có quyết định đúng đắn, thực sự là người đại diện của Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nghị quyết, đề án chậm đi vào cuộc sống, thậm chí có nội dung phải bãi bỏ tại các kỳ họp sau. Nguyên nhân chính do các đại biểu và các cơ quan của HĐND chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa thực hiện tốt quy trình ra quyết định, là sự “rời rạc” giữa nghị trường với cuộc sống. Là một người có nhiều năm làm đại biểu HĐND huyện, xin nêu lên một số giải pháp để gắn kết nghị trường và cuộc sống như sau.

Một là, Người đại biểu phải thường xuyên giữ được mối liên hệ “máu thịt” với cử tri để lắng nghe được “hơi thở cuộc sống” và mới phản ánh được những tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân trước diễn đàn HĐND.

Để thực hiện tốt vấn đề nêu trên, đòi hỏi người đại biểu phải luôn sâu sát dân, gần gũi dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân; phân tích, sàng lọc, chọn đúng vấn đề bức xúc của cuộc sống, những nội dung được nhiều cử tri quan tâm để phản ánh khách quan, trung thực cho HĐND; có đủ cơ sở thực tiễn để bảo vệ và phản biện với các ý kiến ngược chiều với vấn đề mà mình đưa ra. Mặt khác, việc thường xuyên tiếp xúc cử tri cũng là điều kiện tốt để người đại biểu chuyển tải thông tin “trên xuống”, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nghị quyết HĐND, các chính sách và giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sự gắn kết mật thiết ấy bằng nhiều hoạt động như: Tiếp xúc cử tri nơi ứng cử, nơi cư trú, nơi công tác, nghiên cứu các vấn đề trong đời sống xã hội, liên hệ giữa “lý luận và thực tiễn”, thông qua giám sát, khảo sát, làm việc, gợi ý và trao đổi với cử tri những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm để hiểu đúng bản chất vấn đề từ cuộc sống, để phản ánh tới nghị trường.

Hai là, Người đại biểu HĐND phải thường xuyên tự học hỏi, tự trau dồi, biết khắc phục khó khăn để vươn lên, đồng thời phải có bản lĩnh, chính kiến rõ ràng.

Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, là thành viên của các cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, tham gia vào việc quyết định phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đòi hỏi người đại biểu phải có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh. Muốn vậy, người đại biểu phải biết “tu thân”, không bị “cám dỗ” bởi mặt trái của cơ chế thị trường, để có cái “chính danh”, có “chữ tín” và có “ngôn thuận” khi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; một người không giữ sạch mình thì khó mà gần gũi, tuyên truyền, giải thích cho dân. Vì vậy, Người đại biểu phải không ngừng học tập vươn lên, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn khi được triệu tập; nghiên cứu Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết HĐND, các văn bản có liên quan; học ở những đại biểu nhiều kinh nghiệm, học ở trong nhân dân... để trang bị cho mình một “phông kiến thức toàn diện”; có như vậy mới đủ trình độ, kỹ năng đối thoại với dân trong cuộc sống muôn màu và khi tình hình dân trí ngày càng  được nâng cao. Mặt khác người đại biểu phải có bản lĩnh, giám lao vào các “điểm nóng”, giám nói, giám chất vấn, giám đấu tranh vì lẽ phải, vì lợi ích của Nhân dân; không nể nang, né tránh, không sợ tổn hại đến lợi ích của mình và của đơn vị mình trước mắt cũng như lâu dài.

Người đại biểu HĐND phải biết nghiêm túc khắc phục một số tồn tại thường mắc phải như: Chỉ tham dự kỳ họp HĐND nơi mình ứng cử vào buổi khai mạc, các buổi sau đó xin vắng vì lý do bận việc; không nên vậy, bởi HĐND 6 tháng mới họp một lần (trừ đột xuất), thời gian buổi khai mạc chủ yếu thông qua các báo cáo của kỳ họp, đại biểu chưa phát biểu, hội nghị chưa thảo luận, chưa nghe được các kiến nghị đề xuất; nếu vắng họp thì đồng nghĩa với việc không nắm được tình hình thực tiễn cuộc sống, không nắm được đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cử tri. Một số ít đại biểu HĐND có biểu hiện ngại tiếp xúc với dân, không tham gia đầy đủ các lần tiếp xúc với cử tri nơi mình ứng cử, chưa thực hiện đúng lời hứa ngày nào, đã làm cho cử tri thắc mắc, bất bình. Vẫn biết rằng đại biểu HĐND thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nhưng khi đã có giấy mời thì phải cố gắng sắp xếp công việc, tranh thủ thời gian tham dự đầy đủ các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử, làm tròn bổn phận của mình với cử tri và cũng để nắm bắt tình hình thực tiễn cuộc sống.

Ba là, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho đại biểu HĐND thực hiện được vai trò của mình.

Là người đại biểu thì phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân để phản ánh cho HĐND. Hầu hết đại biểu kiêm nhiệm, địa bàn ứng cử rộng, cử tri đông... rất khó khăn cho các đại biểu. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực cố gắng tự liên hệ, tự tìm hiểu để gắn bó với nhân dân thì các cơ quan HĐND, Ủy ban MTTQ cần tạo điều kiện để đại biểu HĐND được tiếp xúc cử tri đều đặn theo định kỳ. Tin báo để cử tri tham gia đông đủ, phải tạo được không khí dân chủ, thoải mái cho cử tri phản ánh và cho đại biểu trả lời. Khi “đôi bên” hết ý kiến thì các cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc tiếp thu ý kiến, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề và hứa sẽ phản ánh vào kỳ họp HĐND gần nhất xem xét, xử lý, quyết định. Có như vậy thì dân mới tin vào đại biểu, đại biểu mới có uy tín với dân; HĐND mới nắm được tâm tư nguyện vọng của số đông nhân dân, quyết định được những vấn đề lớn từ cuộc sống.

Các kỳ họp HĐND là nghị trường rất quan trọng của đại biểu HĐND, là nơi để đại biểu phát biểu, thảo luận, chất vấn và tham gia biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Muốn làm tốt chức năng quan trọng này, ngoài tự tìm hiểu của các đại biểu thì HĐND phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu; các báo cáo gửi phải đầy đủ, nội dung, số liệu có độ chính xác cao và đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu. Có như thế thì đại biểu mới có đủ cơ sở để phát biểu, tham gia có chất lượng vào các nghị quyết HĐND, tránh được bệnh hình thức, chiếu lệ.

Các cấp ủy Đảng, HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp có kế hoạch tổ chức mở các lớp nghiên cứu, tập huấn, bồi dưỡng về: Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng;  Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu HĐND; kỹ năng tiếp xúc cử tri; kỹ năng giám sát, phản biện... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đại biểu, vững bước đi vào cuộc sống.

Thực hiện tốt các giải pháp trên đây thì sự gắn kết giữa người đại biểu HĐND với cử tri sẽ rất mật thiết; HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và nhịp cầu nghị trường và cuộc sống mãi trường tồn.


    Ý kiến bạn đọc