Hà Tĩnh đảm bảo cung cấp năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
EmailPrintAa
23:14 05/05/2023

Là tỉnh ven biển miền Trung, Hà Tĩnh tỉnh có tiềm năng về một số thủy điện nhỏ và có tiềm năng khá lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối làm cơ sở cho việc phát triển nguồn điện tái tạo, nhưng không có tài nguyên than, dầu, khí (các khoáng sản này chủ yếu được nhập từ bên ngoài). Ngoài ra, Khu kinh tế Vũng Áng được quy hoạch và xây dựng một số dự án nhiệt điện đã hoạt động ổn định và phát điện lên lưới điện quốc gia

Giai đoạn tới, dự kiến hạ tầng năng lượng tiếp tục được đầu tư theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt Quốc gia, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đoàn khảo sát tại Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa

Trung tâm phát điện của của khu vực

Hà Tĩnh hiện có 02 nhà máy nhiệt điện; 04 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; 02 nhà máy điện mặt trời nối lưới và các dự án điện mặt trời mái nhà với tổng sản lượng điện sản xuất bình quân trên địa bàn tỉnh khoảng 7,8 tỷ kWh/năm.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200MW, sản lượng bình quân 5,7tỷ kWh/năm; Nhà máy nhiệt điện Formosa công suất 650MW (450MW nhiệt điện và 200MW điện khí), sản lượng bình quân 1,2 tỷ kWh/năm). 04 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ gồm: Hố Hô công suất 14MW, sản lượng bình quân 45 triệu kWh/năm; Hương Sơn công suất 33MW, sản lượng bình quân 130 triệu kWh/năm; Kẻ Gỗ công suất 3MW, sản lượng bình quân 10 triệu kWh/năm; Ngàn Trươi công suất 25MW, sản lượng bình quân 42 triệu kWh/năm.

Về nhà máy điện mặt trời nối lưới có nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa công suất 50MWp, sản lượng điện bình quân 55 triệu kWh/năm và nhà máy điện mặt trời Cẩm Hưng công suất 29MWp, sản lượng điện bình quân 26 triệu kWh/năm). Ngoài ra còn có các dự án điện mặt trời mái nhà của hơn 485 tổ chức, cá nhân với tổng công suất 144MWp, sản lượng khoảng 142 triệu kWh/năm.

Hệ thống tổ máy phát điện tại Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (công suất 1.200MW) hiện đang thi công dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024; dự án thủy điện Hương Sơn 2 (công suất 6,4MW), thủy điện Đá Hàn (công suất 1,4MW) đang thi công dự kiến đi vào vận hành trước năm 2024; dự án Trang trại Phong điện HBRE Hà Tĩnh (công suất 120MWW) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới; dự án thủy điện Vũ Quang (công suất 4,8MW) hiện đang làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủy điện Sông Rác (công suất 1,7MW) đã được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc. Sau khi các dự án nêu trên đi vào hoạt động, dự kiến tổng công suất tăng thêm là 1.346MW, sản lượng điện tăng thêm 5-6 tỷ kwh/năm.

Ngoài ra, Hà Tĩnh đã trình Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VIII đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng III công suất 4.500MW (sang sử dụng khí LNG, ước tính khoảng 4 - 4,8 triệu tấn LNG/năm), 13 dự án điện gió với tổng công suất 2.115MW, 04 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 799MWp, đường dây và Trạm biến áp 220kV Vũng Áng 2 (2x250MVA) cấp điện cho khu công nghiệp trung tâm CN4, CN5 - Khu kinh tế Vũng Áng; đường dây và Trạm biến áp 220kV Hà Tĩnh 2 (2x250MVA) cấp điện cho khu công nghiệp phía Tây thành phố Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh dự kiến khuyến khích đầu tư một số dự án phát điện từ chất thải rắn (đốt rác phát điện) và nhà máy điện sinh khối nhằm phát huy tiềm năng về năng lượng sinh khối từ gỗ, thực vật có tiềm năng tại địa phương.

Hệ thống tổ máy phát điện tại Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi

Đảm bảo hạ tầng truyền tải, phân phối điện

Trên địa bàn tỉnh, hệ thống lưới điện truyền tải hiện 05 tuyến đường dây 500kV với chiều dài 264km, 02 trạm biến áp 500kV với tổng công suất 1.800MVA; 07 tuyến đường dây 220kV với chiều dài 317km, 02 trạm biến áp 220kV với công suất 625MVA.

Về hạ tầng lưới điện phân phối: Hà Tĩnh hiện có 232,37km đường dây 110kV (09 trạm/14 máy/494MVA), 3.145,24km đường dây trung thế (3.545 trạm biến áp/3.571 máy biến áp/911,38MVA), 7.391,95km đường dây hạ thế. Trong giai đoạn, hoàn thành đầu tư 13 danh mục công trình 110kV, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn nhỏ của ngành điện; hạ tầng điện đã được đầu tư tương đối đồng bộ theo quy hoạch, lưới điện bao phủ 100% các xã, phường, thị trấn; tỷ lệ mang tải lưới điện 110kV là dưới 60% đảm bảo tỷ lệ dự phòng cấp điện.

Đồng thời, Hà Tĩnh hiện có 07 dự án lưới điện 110kV do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai cùng với các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, nhỏ của EVN đầu tư thông qua Công ty Điện lực Hà Tĩnh hằng năm góp phần xây mới, cải tạo hệ thống điện phân phối đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của Nhân dân.

Và khảo sát tại phòng điều hành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I

Đến nay 100% các hộ dân được cấp điện từ lưới điện quốc gia (không có khu vực cấp điện trực tiếp từ hệ thống năng lượng tái tạo) đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.

Đối với mạng lưới truyền tải điện, Hà Tĩnh sẽ xây dựng, nâng cấp cải tạo theo quy hoạch các trạm và đường dây điện 500kV, 220kV và 110kV, đường dây trung thế, hạ thế kết nối với các nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng, nhất là ở các vùng sản xuất tập trung như các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; từng bước ngầm hóa mạng lưới điện trung và hạ thế. Trong thời kỳ quy hoạch, dự kiến đầu tư một số trạm, tuyến đường dây 500kV, 220kV và 110kV trên cơ sở các danh mục Quy hoạch điện VIII quốc gia, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hà Tĩnh và kế hoạch đầu tư của EVN.

Đoàn khảo sát Trạm biến áp 500kV, 220kV Hà Tĩnh của Truyền tải điện Hà Tĩnh

Về lâu dài, lưới điện phân phối trung áp toàn tỉnh sẽ vận hành thống nhất ở điện áp 35kV và 22kV; lưới điện 35kV sẽ hạn chế phát triển mới tại các vùng đồng bằng đô thị, chỉ xây dựng mới tại các khu vực nông thôn miền núi, nơi có bán kính cấp điện lớn, phụ tải thưa thớt và việc triển khai lưới 22kV đạt hiệu quả không cao. Phấn đấu đến năm 2025, tập trung cải tạo lưới 10kV thành 22kV hoặc 35kV ở toàn bộ các huyện, thành phố, thị xã. Dần dần xóa bỏ các trạm biến áp trung gian, thay thế bằng các trạm 110kV hoặc các xuất tuyến trung áp mới.

Nhập khẩu than đáp ứng yêu cầu sản xuất

Hà Tĩnh hiện có than antraxit Động Đỏ - Hương Giang với tài nguyên 3,8 triệu tấn (trữ lượng là 808.000 tấn), chất lượng than tốt. Ngoài ra, còn có than nâu Chợ Trúc (đã khai thác gần hết); than bùn (khoảng 262.700m 3 , chủ yếu tại xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, các xã Tùng Ảnh, Đức Hòa, Tân Dân, Đức Đồng, huyện Đức Thọ). Sản lượng than cốc năm 2020 đạt 2.830.000 tấn. Đối với các nhà máy nhiệt điện thì than được nhập từ khu vực khác qua 02 bến cảng chuyên dụng nhập than.

Phát triển đồng bộ kho xăng dầu và hệ thống cửa hàng phân phối

Hà Tĩnh hiện có 02 kho xăng dầu gồm: Tổng kho xăng dầu Vũng Áng trữ lượng 60.000m 3 của Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Áng; Kho xăng dầu Xuân Giang trữ lượng 9.000m 3 của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Xây lắp và Xuất nhập khẩu Miền Trung. Cùng với 229 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại buổi giám sát, làm việc với Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Sơn

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hiện nay khoảng 300.000 - 320.000m 3 /năm, dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 500.000m 3 /năm. Có 04 thương nhân đầu mối và 05 thương nhân phân phối xăng dầu. Có 01 kho LPG tại Khu Kinh tế Vũng Áng với trữ lượng 1.785 tấn, có 06 trạm nạp LPG vào chai, 08 kho chứa chai, 09 thương nhân kinh doanh mua bán LPG đủ đáp ứng nhu cầu về khí đốt cho sản xuất và sinh hoạt.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã bổ sung dự án kho xăng dầu quy mô 60.000m 3 tại Khu kinh tế Vũng Áng thuộc địa bàn xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào Quy hoạch hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; dự kiến đến năm 2025, cùng với các kho xăng dầu đã đi vào hoạt động, sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh, vận tải trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đối với kho khí LPG, đến năm 2025, dự kiến sẽ nâng cấp quy mô từ 1.785 tấn lên 3.500 tấn, đáp ứng nhu cầu về khí đốt trên địa bàn.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng

Theo phương án phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, trên địa bàn tỉnh có 05 kho chứa xăng dầu và 03 tàu trung chuyển quy mô từ 210 m 3 đến dưới 5.000 m 3 ; bố trí 05 kho xăng dầu và 02 kho chứa khí đốt quy mô từ 5.000m 3 trở lên.

Trong đó, quy mô từ 210 m 3 đến dưới 5.000 m 3 có: 01 kho tại Xuân Hội và 01 tàu trung chuyển tại Huyện Nghi Xuân; 01 kho tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà; 01 kho tại huyện Cẩm Xuyên; 01 kho tại huyện Hương Khê; 01 kho tại khu vực Khu kinh tế Vũng Áng và 02 tàu trung chuyển tại thị xã Kỳ Anh.

Trong đó: Kho xăng dầu Vũng Áng của Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Áng tại cảng Vũng Áng, thuộc xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh có công suất 100.000m3; Kho xăng dầu trung chuyển Xuân Giang, huyện Nghi Xuân (Kho tuyến sau) của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại xây lắp và Xuất nhập khẩu Miền Trung tại Hà Tĩnh có quy mô 9.000m3; Kho xăng dầu Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân có quy mô 10.000m3; Kho trung chuyển xăng dầu tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn quy mô 15.000m3 để phục vụ cho nhu cầu phía Tây của Hà Tĩnh; Kho xăng dầu tại Khu kinh tế Vũng Áng quy mô 60.000m3; Kho khí dầu mỏ hóa lỏng Bắc Trung bộ của Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Bắc tại cảng Vũng Áng, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh có công suất 3.500 tấn; Kho chứa khí LNG tại Khu Kinh tế Vũng Áng

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc