Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL
EmailPrintAa
09:51 30/07/2020

Ngày 18/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp Luật (VBQPPL) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung các Điều khoản về nội dung và về kỹ thuật so với Luật năm 2015. Một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất , tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL: Luật năm 2020 đã sửa 06 điều của Luật năm 2015 (Điều 47, 58, 92, 121, 130 và Điều 139), trong đó bổ sung nội dung thẩm định, thẩm tra phải bảo đảm “Sự phù hợp của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước”.

Thứ hai, quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng văn bản QPPL: Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật 2015 để quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể, khoản 2 Điều 6 quy định rõ thời điểm thực hiện phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn lấy ý kiến về dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và trường hợp dự thảo VBQPPL đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội.

Thứ ba , văn bản có thể bị bãi bỏ bởi văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền: Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã điều chỉnh nội dung Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 theo hướng: văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

Thứ tư , bổ sung một số hình thức VBQPPL như: Bổ sung hình thức nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Nghị quyết liên tịch 3 bên) để phù hợp với quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Đồng thời, bổ sung nội dung ban hành nghị quyết liên tịch để “hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân” (sửa đổi, bổ sung Điều 18).

Bổ sung hình thức thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Thứ năm, bổ sung quy định về ban hành VBQPPL của cấp huyện, cấp xã: Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.

Thứ sáu , về quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật: Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 14 (những hành vi bị nghiêm cấm) của Luật năm 2015; theo đó bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép địa phương được quy định thủ tục hành chính trong trường hợp cần thiết phải quy định thủ tục hành chính trong Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4, Điều 27. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 172 (Hiệu lực thi hành) cho phép việc sửa đổi, bổ sung các VBQPPL có quy định thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01/7/2016 với điều kiện không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.

Thứ bảy , thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật: Cơ bản Luật 2020 kế thừa quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm luật ở trung ương, tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, đối với cấp huyện, cấp xã bên cạnh việc có hiệu lực không sớm hơn 10 ngày (cấp tỉnh), 07 ngày (đối với cấp huyện, xã) kể từ ngày ký ban hành bổ sung thêm không sớm hơn 10 ngày (cấp tỉnh), 07 ngày (đối với cấp huyện, xã) kể từ ngày thông qua.

Ngoài ra Luật năm 2020 còn nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung mới so với Luật năm 2015 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của các cấp chính quyền./.

Nguyễn Việt Dũng

    Ý kiến bạn đọc