Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
EmailPrintAa
14:34 04/07/2018

Xác định được tầm quan trọng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với hoạt động của HĐND, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND thị xã Hồng Lĩnh đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, nhờ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử trên địa bàn.

Chất vấn là quyền hạn, là cách thức và biện pháp giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND tại nghị trường và được quy định cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Điều 96, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn”. Như vậy, đại biểu HĐND là chủ thể thực hiện quyền chất vấn, đối tượng bị chất vấn bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Theo quy định pháp luật hiện hành thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân không còn là đối tượng bị chất vấn nữa.

Đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh chất vấn tại kỳ họp

 

Việc gửi ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp HĐND cũng được Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định cụ thể: “Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn”.

Điều 60, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng quy định cụ thể trình tự hoạt động Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Mặc dù quy định pháp lý chặt chẽ như vậy, song trong thực tiễn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thị xã Hồng Lĩnh nói riêng và các đơn vị khác nói chung vẫn còn bất cập. Trước hết, một số đại biểu HĐND chưa thực hiện quyền chất vấn trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình, đại biểu thực hiện quyền chất vấn chủ yếu là các đại biểu chuyên trách, thành viên các Ban HĐND, tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND. Một số vấn đề chất vấn chỉ là những câu hỏi thông thường, với mục đích nhận được thông tin về vấn đề nào đó mà mình chưa rõ, hoặc để được giải thích rõ hơn về điểm này hay điểm khác trong các báo cáo công tác hoặc các đề án do các cơ quan nhà nước trình bày tại kỳ họp; người chất vấn không nắm được thẩm quyền việc này do ai, cấp nào giải quyết; hoặc hỏi những câu rất đơn giản, giống như kiến nghị của cử tri... Mặt khác, một số đại biểu chất vấn chưa đeo bám đến cùng vấn đề chất vấn, thiếu thuyết phục, làm cho người trả lời chất vấn bị ức chế và không khí phiên chất vấn trở nên nhạt nhẽo. Đối tượng được chất vấn theo quy định bao gồm cả Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thì ít hoặc hầu như không bị chất vấn, mà chủ yếu đang chất vấn Ủy viên UBND phụ trách các đầu ngành.

Nguyên nhân một phần do tâm lý nể nang, ngại va chạm; phần khác do năng lực, trình độ, khả năng cập nhật thông tin còn hạn chế, nhất là những đại biểu trẻ, nữ, ngoài đảng, được cơ cấu đại diện cho một ngành, một tôn giáo hay một lĩnh vực kinh tế... Một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, ít có thời gian chuẩn bị cho kỳ họp, nên chất lượng chất vấn không cao. Những đại biểu là lãnh đạo và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của cơ quan chấp hành thì không bao giờ tham gia chất vấn người cùng cơ quan hoặc thuộc cấp của mình.

Đối với đối tượng bị chất vấn vẫn còn một số cá nhân hiểu chưa đúng về việc này, xem chất vấn của các đại biểu chỉ nặng về mặt phê bình khuyết điểm, phê phán những hiện tượng tiêu cực; coi đó là sự “soi mói”, “bới lông tìm vết”, thiên lệch về một phía, bất lợi cho cơ quan và người bị chất vấn, coi chất vấn chỉ là quyền của riêng của cá nhân đại biểu; một số trả lời chất vấn chủ yếu kể lể thành tích cơ quan, ngành của mình, nội dung trả lời vòng vo, không dám chỉ rõ người phải chịu trách nhiệm chính trị, thậm chí trả lời không sát vấn đề chất vấn. Nhiều người trả lời chất vấn còn thiếu trách nhiệm và không cam kết thời gian cụ thể để khắc phục, sửa chữa và giải quyết xong...

Từ thực tiễn kết quả đổi mới hoạt động chất vấn của HĐND thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian qua, xin nêu một số kinh nghiệm sau:

Trước hết, về lựa chọn vấn đề chất vấn. Việc này, vừa là quyền và trách nhiệm và năng lực nắm bắt thông tin của đại biểu HĐND, nhưng cũng vừa là định hướng, gợi ý thông qua giám sát thường xuyên và chuyên đề, ý kiến chỉ đạo, kết luận của phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND và các Ban HĐND cho các đại biểu. Trong các nội dung thường lựa chọn để chất vấn của đại biểu được Thường trực HĐND thị xã định hướng là các nội dung có tính bao quát trong thực hiện mục tiêu nghị quyết HĐND thị xã đề ra, liên quan đến đời sống Nhân dân, trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ... Trong nhiều kỳ họp của HĐND thị xã Hồng Lĩnh thì các nội dung được các đại biểu HĐND tập trung chất vấn, đó là: việc chấp hành dự toán thu, chi ngân sách; việc xử lý những tồn đọng về đất đai; việc xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; phát triển nông nghiệp; về trách nhiệm quản lý nhà nước trước sự xâm nhập hàng lậu, hàng giả tràn lan trên thị trường, quản lý thị trường và chỉnh trang đô thị...

Khi đặt vấn đề chất vấn tại kỳ họp, đại biểu HĐND phải xác định được sử dụng quyền chất vấn là một biện pháp đấu tranh trực diện công khai để quy kết trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân bị chất vấn về trách nhiệm chính trị trước HĐND và toàn thể Nhân dân. Về nội dung câu hỏi chất vấn, Thường trực HĐND thị xã cũng đã định hướng cho các đại biểu đặt câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, xác định luôn đối tượng chất vấn. Đại biểu HĐND không chỉ biết lựa chọn nội dung phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri các phường xã và đại biểu HĐND quan tâm, mà cần chú trọng trau dồi kỹ năng: lựa chọn thái độ, âm lượng, cách đặt câu và cách diễn đạt đối thoại trong chất vấn... Phản ánh thông tin khi chất vấn phải ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng nhằm phục vụ cho mục đích chất vấn; đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn bản, các quy định pháp luật có liên quan đến vấn đề chất vấn... Nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để những câu hỏi chất vấn và những kiến nghị của đại biểu sát thực, đúng địa chỉ. Nếu thực hiện tốt các yêu cầu như trên, đại biểu sẽ có cơ sở pháp lý, thực tiễn để buộc người trả lời chất vấn “tâm phục, khẩu phục”. Tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng  nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu.

Về điều hành phiên chất vấn, Thường trực HĐND thị xã cũng rút kinh nghiệm trong điều hành, tránh tràn lan, thiếu trọng tâm, nhàm chán bằng cách chia nhóm vấn đề để điều hành; 01 nhóm vấn đề với 3 câu hỏi liên quan trên 1 lĩnh vực; đồng thời, định hướng cho đại biểu tái chất vấn và tranh luận tại phiên chất vấn. Khi không khí trầm lắng, chủ tọa tìm cách gợi mở để các đại biểu tham gia chất vấn trực tiếp tại hội trường, làm cho không khí phiên họp sôi động. Chủ tọa cũng phải biết cách dừng đúng lúc khi việc hỏi và trả lời quá nóng hoặc quá lan man, không đi đúng trọng tâm. Phát huy vị trí, vai trò của người điều hành để bảo đảm cho các phiên chất vấn được thực hiện dân chủ, cởi mở, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu cũng như của người trả lời chất vấn. Trong mỗi vấn đề chất vấn, chủ tọa có thể đề nghị đại biểu đưa ra các chứng cứ cụ thể để chứng minh. Những vấn đề được nêu ra, chủ tọa phải thể hiện được chính kiến, thẳng thắn, cụ thể, công tâm, khách quan. Tất cả các vấn đề đưa ra tranh luận cuối cùng phải được Chủ tọa kỳ họp kết luận rõ ràng trên cơ sở chủ trương đường lối, phù hợp Hiến pháp và pháp luật, phù hợp thực tiễn địa phương, sự tán thành của đa số đại biểu HĐND, kết luận phải ngắn gọn, đánh giá và nhận xét khái quát những nội dung đã đạt được và chưa đạt được trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, những điểm cần rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau; xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết vấn đề, thời gian giải quyết vấn đề và yêu cầu thực hiện; xác định trách nhiệm của UBND, các cơ quan có liên quan, xác định trách nhiệm của đại biểu HĐND tiếp tục giám sát.

Ngoài ra, Thường trực HĐND thị xã cũng thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 69, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Qua thực tiễn, hoạt động chất vấn mới chính là bản chất của quyền lực nhà nước mà Nhân dân thấy được, thông qua đó Nhân dân củng cố lòng tin vào cơ quan đại diện của mình. Do đó, trong mỗi kỳ họp HĐND phải ra nghị quyết như qui định tại Điều 60, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: “Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn”. Tuy nhiên, để hiệu lực chất vấn cao hơn, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần quy định HĐND ra Nghị quyết về trả lời chất vấn trong mọi trường hợp chứ không phải chỉ “có thể” như hiện nay. Nghị quyết của HĐND có thể là đồng ý với trả lời chất vấn, có thể là đưa ra những biện pháp khắc phục, thời gian khắc phục hoặc quy kết trách nhiệm của cơ quan hay cá nhân bị chất vấn. Việc ra nghị quyết sẽ có cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan, cá nhân chịu sự chất vấn và bảo đảm hiệu quả của hoạt động chất vấn. Đồng thời, luật cần quy định các chế tài cụ thể nếu việc giải quyết và trả lời chất vấn không nghiêm túc, không đạt yêu cầu. Và nhất thiết kết quả thực hiện lời hứa phải là một tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Có như vậy mới nâng cao hoạt động của HĐND, qua đó thúc đẩy việc tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND đã ban hành và việc chấp hành pháp luật trên địa bàn nghiêm túc, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo QP AN của địa phương.

 


    Ý kiến bạn đọc