Một số nội dung cần lưu ý trong Luật giám sát Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
07:58 22/08/2016

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 04/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Theo đó, Luật quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân. Lần đầu tiên Luật có các quy định về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân. Qua nghiên cứu các quy định của Luật, xin trao đổi sâu về một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND.

Thời gian qua, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được thực hiện theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003), Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân (năm 2005). Qua quá trình thực hiện, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội; việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, có sự tham gia ý kiến của Nhân dân, sự tham gia, phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Hoạt động giám sát đã phát huy tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân trong những năm qua còn bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập như. Một số quy định về nội dung, đối tượng, hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân còn trùng lặp, chưa rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện; phạm vi giám sát quá rộng với nhiều chủ thể, nhiều hình thức giám sát, nhưng lại chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện; các quy định về giám sát của Hội đồng nhân dân hiện đang nằm tản mạn trong nhiều văn bản khác nhau nên khó tiếp cận. Bên cạnh đó, một số quy định về hình thức giám sát chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp, như quy định Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động giám sát văn bản pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên; chưa có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Quy định về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát như cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy giúp việc… chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát.

Ngoài ra, một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân mới được thực hiện đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cuộc sống như giám sát theo chuyên đề, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tổ chức phiên giải trình, chất vấn giữa hai kỳ họp... nhưng lại chưa được ghi nhận trong các quy định của luật; một số thẩm quyền giám sát được quy định trong các đạo luật về tổ chức nhưng chưa có trình tự, thủ tục thực hiện trong luật hoạt động giám sát.

Những bất cập nêu trên dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân vẫn còn hạn chế. Vì vậy, để kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, thể chế hoá các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp,  Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được ban hành là thực sự cần thiết. 

Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân được Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND dành trọn 01 chương quy định (chương III, từ Điều 57 đến Điều 87)

Các hoạt động giám sát của HĐND bao gồm 05 hình thức: Xem xét báo cáo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định tại Điều 59 của Luật. Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Giám sát chuyên đề. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

Hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, bao gồm: Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân. Giám sát chuyên đề. Tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Hoạt động giám sát của Ban Hội đồng nhân dân, bao gồm: Thẩm tra các báo cáo do Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân phân công. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp. Giám sát chuyên đề. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, bao gồm: Chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp; Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Để bảo đảm hoạt động giám sát, Luật đã quy định về trách nhiệm của cơ quan tham mưu, phục vụ, bảo đảm điều kiện vật chất cần thiết khác cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát (Điều 88): Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát. Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia đầy đủ Đoàn giám sát mà mình là thành viên; các chủ thể giám sát có quyền tổ chức lấy ý kiến, trưng cầu giám định khi cần thiết theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có liên quan, chuyên gia có trách nhiệm tham gia hoạt động giám sát theo yêu cầu, kế hoạch giám sát. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho các chủ thể giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp. Cơ quan thông tin đại chúng có quyền tiếp cận, đưa tin về hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật.

Về bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (Điều 89): Chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Nghị quyết về giám sát của Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Về  kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân (Điều 90): Kinh phí phục vụ hoạt động giám sát của do ngân sách nhà nước bảo đảm. Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và bộ phận phục vụ Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm bảo đảm điều kiện vật chất, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Luật quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân

Luật cơ bản giữ các quy định về chủ thể, phạm vi giám sát của Hội đồng nhân dân như quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; sửa đổi, bổ sung về hình thức giám sát, cụ thể hóa trình tự, thủ tục tiến hành giám sát. Đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân: Quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân, việc tổ chức Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề (Điều 62). Ngoài ra quy định cụ thể và chi tiết hơn về các loại hình giám sát của Hội đồng nhân dân (báo cáo, chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm) cũng như quy định rõ hơn về trình tự, thủ tục giám sát.

Đối với hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân, Luật quy định rõ về các hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, trong đó có các hoạt động chưa được ghi nhận trong Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (năm 2003) như: xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân; giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (các điều 60, 69 và 74);

Quy định việc thành lập Đoàn giám sát để thực hiện giám sát chuyên đề của Thường trực Hội đồng nhân dân, việc Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát (Điều 70-Điều 71); bổ sung quy định về trình tự Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét quyết định Uỷ ban nhân dân cùng cấp và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp (Điều 68).

Lần đầu tiên Luật có các quy định về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 không có mục riêng quy định về hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân mà lồng ghép nội dung này trong các quy định về quyền và trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân. Luật hoạt động giám sát đã bổ sung một mục quy định các hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động giám sát cụ thể như chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật tại địa phương, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; đồng thời, quy định về việc Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn đại biểu ứng cử (các điều từ Điều 83 đến Điều 87).

Ngoài ra, Luật còn quy định Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát (Điều 75).


    Ý kiến bạn đọc