Một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
EmailPrintAa
15:31 14/05/2023

Triển khai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và làm rõ nguyên nhân trong quá trình triển khai các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cần kịp thời khắc phục. Cổng Thông tin điện tử đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng nội dung này.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong dự án Nhà máy thủy điện Hương Sơn 2

Về tình hình đầu tư phát triển, cung cầu và an ninh năng lượng

- Việc cung cấp than còn phụ thuộc vào số ít các nhà cung cấp; năng lực cung cấp than của các doanh nghiệp trong nước để làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành sản xuất năng lượng và các ngành công nghiệp khác không đủ đáp ứng nhu cầu gây khó khăn về nguồn than, nhất là than phục vụ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.

- Nguồn cung xăng dầu khó khăn do xung đột Nga - Ucraina và sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gây áp lực lớn cho việc cung ứng xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh, do đó một số cửa hàng xăng dầu bị đứt gãy nguồn cung vào một số thời điểm. Mức chiết khấu bán lẻ cho các cửa hàng xăng dầu có thời điểm bằng không, trong khi cửa hàng xăng dầu không được phép đóng cửa khi chưa cho phép, phải duy trì kinh doanh với nhiều chi phí như nhân công, lãi vay, khấu hao, điện nước,... dẫn đến càng bán hàng càng lỗ.

- Công tác quản lý chất lượng, vận chuyển, buôn bán xăng dầu vẫn còn những mặt bất cập; vẫn còn hiện tượng vi phạm nhận diện thương hiệu, niêm yết giờ bán hàng của các cửa hàng xăng dầu.

Tưởng ban KTNS HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thuý Nga chỉ ra những hạn chế quá trình triển khai chính sách, phát luật phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh

- Một số công trình điện trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh đã được phê duyệt còn triển khai chậm tiến độ, nhất là các công trình xây dựng mới. Một số quy hoạch không phù hợp và chồng lấn với quy hoạch các dự án khác nên khi triển khai đã vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án, đặc biệt hiện nay dự án Trạm biến áp 220kV Vũng Áng đang vướng công tác giải phóng mặt bằng.

- Khi thực hiện quy hoạch các dự án, công trình trên địa bàn, một số cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương chưa quan tâm, xem xét ảnh hưởng và tác động đến hệ thống đường dây 220-500KV nên khi triển khai thi công mới phát hiện gây nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo quy định.

- Công tác chuyển giao, tiếp nhận công trình điện hình thành từ nguồn vốn nhà nước hoặc các công trình được đầu tư từ các nguồn vốn khác ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh sang ngành điện quản lý vận hành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài với số lượng công trình hoàn tất việc chuyển giao còn hạn chế.

- Hệ thống lưới điện trên địa bàn được tập trung đầu tư và cải thiện nhiều nhưng một số điểm chưa đồng bộ; một số đường dây, trạm biến áp nguồn đã đầy tải, lưới điện một số khu vực nông thôn mức độ hiện đại, độ tin cậy chưa cao. Tốc độ tăng phụ tải điện không đồng đều giữa các khu vực, nhất là tại một số khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hoá với nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh, cục bộ gây khó khăn nhất định cho ngành điện khi triển khai đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện phân phối phục vụ cấp điện.

Phó Tưởng ban QLKKT tỉnh Nguyễn Thanh Tùng báo cáo những khó khăn triển khai các dự án phát triển năng lượng trong Khu kinh tế tỉnh

- Khu vực Kỳ Anh là trung tâm nhiệt điện và là khu kinh tế của tỉnh, tuy nhiên khu vực này chỉ có 1 đường dây 110kV duy nhất cung cấp điện cho 2 huyện và 1 thị xã nên độ tin cậy rất thấp. Đường dây này còn được đầu nối với các nhà máy điện mặt trời, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý vận hành và sửa chữa bảo dưỡng nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

- Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện của một số tổ chức, cá nhân chưa cao ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện.

- Việc hạ ngầm lưới điện 110kV trong đô thị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật - công trình cấp điện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do suất đầu tư cao hơn nhiều. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, hạ ngầm lưới điện trong đô thị còn hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Việc bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình điện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đặc thù công trình điện là công trình theo tuyến, diện tích đất để phục vụ xây dựng công trình tuy không nhiều nhưng dàn trải, không tập trung, đi qua nhiều địa phương khác nhau.

- Quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án năng lượng còn nhiều khó khăn vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp. Khó khăn trong công tác xác định giá và lập phương án bồi thường. nhiều công trình tuyến lưới điện chưa có hồ sơ đất đai, hoặc thất lạc, quản lý không đầy đủ.

Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I hỏng 1 tổ máy đã ảnh hưởng lớn đến công tác phát điện và tốc độ tăng trưởng của địa phương

Về nội dung phát triển năng lượng trong quy hoạch tỉnh

- Một số dự án truyền tải điện chưa được triển khai thực hiện theo Quyết định số 90/QĐ-BCT ngày 12/01/2017 và Văn bản số 4623/BCT- ĐL ngày 25/06/2020 của Bộ Công Thương nhưng khi rà soát, xây dựng chưa đưa vào Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nên triển khai giai đoạn tiếp theo gặp khó khăn.

- Việc đầu tư công trình năng lượng theo quy hoạch đòi hỏi nguồn lực lớn, đồng thời xuất hiện phụ tải ngoài kế hoạch nên thực hiện chưa đảm bảo tiến độ.

Về chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

- Công tác thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo dự kiến triển khai gặp khó khăn do Đề án Quy hoạch điện VIII chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc đầu tư năng lượng tái tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, yêu cầu công nghệ cao nên khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.

- Lượng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện lớn nhưng chủ yếu phải lưu kho bãi việc sử dụng để làm vật liệu san lấp, vật liệu xây dựng chưa nhiều, còn khó khăn đầu ra.

- Nguồn lực để thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, kèm theo khó khăn về tài chính nên một số doanh nghiệp chưa đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Lĩnh vực chiếu sáng thông minh cần nguồn kinh phí rất lớn, có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty TNHH GA Power Solar Park Cẩm Xuyên

Về khoa học, công nghệ

- Công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng chưa được các ngành đẩy mạnh phổ biến, vận động đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.

- Các chính sách của nhà nước về phát triển khoa học cho lĩnh vực năng lượng đã được ban hành, song nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, thủ tục thanh toán, quyết toán phức tạp nên các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện được nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

- Việc chuyển đổi khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng cần đầu tư lớn, kéo theo chi phí đầu vào tăng mạnh làm ảnh hưởng, tăng chi phí vào giá sản phẩm đầu ra.

- Số lượng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tham gia nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo còn ít.

- Nguồn nhân lực lĩnh vực năng lượng chất lượng chưa cao còn hạn chế. Hiện nay tỉnh chưa chủ động được trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chưa có cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng, chủ yếu do các doanh nghiệp tự đào tạo thông qua hợp tác với các trường trong nước.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng

- Cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý phát triển năng lượng chưa chặt chẽ, nhiều bất cập; nhiều nội dung chậm tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị.

- Đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về năng lượng còn thiếu, chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao, năng lực chuyên môn chưa phù hợp; khối lượng công việc trong lĩnh vực năng lượng nhiều, phạm vi rộng, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu. Nhất là tại cấp huyện, cấp xã thiếu cán bộ có chuyên môn về phát triển năng lượng.

Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế

- Giai đoạn 2020 - 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực phát triển năng lượng nói riêng, nhu cầu năng lượng có sự biến động lớn, một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch.

- Chính phủ chưa ban hành các định hướng liên quan đến chiến lược phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, bao gồm: (i) Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và (ii) Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII)

- Các công trình điện thường là công trình theo tuyến đi qua các địa phương khác nhau nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.

Về chủ quan có một số nguyên nhân sau

- Một số quy định pháp luật về năng lượng còn chồng chéo, chưa đảm bảo thống nhất. Một số quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành chưa bám sát thực tế, thiếu ổn định, thiếu tính chiến lược nên tính khả thi chưa cao, hiệu lực, hiệu quả điều chỉnh còn hạn chế.

- Công tác quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước về phát triển năng lượng chưa chặt chẽ, còn bất cập. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý năng lượng trên địa bàn chưa cao.

- Do khó khăn về nguồn vốn nên việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình năng lượng chưa kịp thời.

- Quy hoạch chung của tỉnh vừa được phê duyệt nên có giai đoạn việc quy hoạch các dự án năng lượng chưa được lập một cách tổng thể và tích hợp vào các quy hoạch liên quan, do vậy khi thực hiện các dự án năng lượng phải điểu chỉnh một số quy hoạch như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng,…

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc