Một số vấn đề về giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
10:43 29/03/2019

Tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là một trong ba hình thức giám sát mới quy định tại Điều 66 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 và là một nội dung hoạt động mới đối với Thường trực HĐND các cấp. Nếu được tổ chức tốt và thường xuyên, nó có thể thay thế một phần cho hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, vừa tiết kiệm vừa hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của Thường trực HĐND và hiệu lực hoạt động của HĐND các cấp nói chung.

Vậy Giải trình là gì? Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND: Khoản 4, Điều 104, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, Thường trực HĐND có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tại phiên họp Thường trực HĐND. Khoản 1, Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND quy định cụ thể đối tượng giải trình là: Thành viên của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND cùng cấp giải trình và cá nhân liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm. Để một phiên giải trình có chất lượng theo tôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

Toàn cảnh phiên giải trình về Bảo hiểm y tế

Cần phân biệt rõ giữa giải trình và chất vấn

Cần phân biệt rõ hoạt động giải trình và hoạt động chất vấn. Hai hoạt động này cùng do một chủ thể đứng ra tổ chức thực hiện là Thường trực HĐND dưới hình thức phiên họp của Thường trực HĐND mà ta thường gọi là “phiên chất vấn” hoặc “phiên giải trình”.

Chúng ta đều biết, chất vấn là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu. Vấn đề đưa ra chất vấn có thể là những nội dung rất cụ thể, những hiện tượng phát sinh trong đời sống KT - XH thường ngày và thông thường người ta chỉ chất vấn về những tồn tại, yếu kém, bất cập...

Còn giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Như vậy trong phiên chất vấn, người chất vấn chỉ có thể là cá nhân mỗi đại biểu HĐND, không phải tập thể Thường trực, các ban hay tổ đại biểu HĐND. Trong phiên chất vấn, Thường trực HĐND phải xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn. Còn trong phiên giải trình, Thường trực HĐND ngoài vai trò là người chủ trì phiên họp còn phải là người trực tiếp đưa ra yêu cầu giải trình. Các đại biểu HĐND khác được mời dự phiên giải trình cũng có thể nêu yêu cầu giải trình bổ sung, nhưng người yêu cầu giải trình chính vẫn phải là Thường trực HĐND.

Ở phiên chất vấn, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp các câu hỏi của người chất vấn, xác định rõ trách nhiệm đối với vấn đề người chất vấn nêu, cam kết áp dụng các biện pháp có thể để khắc phục, thời hạn khắc phục những yếu kém, bất cập mà đại biểu đã nêu. Còn trong phiên giải trình, người giải trình có thể thuyết minh, cung cấp thông tin về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình hoặc cơ quan mình; giải thích, cung cấp thêm thông tin, trình bày rõ với người yêu cầu giải trình việc cơ quan mình đã thực hiện nhiệm vụ ra sao, vấn đề yêu cầu giải trình có liên quan đến trách nhiệm của cá nhân, tập thể nào; việc phối hợp với cơ quan khác thế nào, kết quả thực hiện... Đặc biệt, phải làm rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tóm lại, nội dung yêu cầu giải trình có thể rộng hơn, bao quát chức năng nhiệm vụ của cả một ngành, một cơ quan, một lĩnh vực. Như vậy, phiên giải trình được coi gần như một cuộc rà soát của Thường trực HĐND đối với cơ quan nhà nước cấp mình trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, phiên giải trình của Thường trực HĐND cũng có thể được tổ chức để nghe các cơ quan nhà nước trình bày rõ hơn về một hay một số chính sách mới của địa phương dự kiến sẽ trình HĐND xem xét, quyết định hoặc để đánh giá một chính sách đang thực hiện để có thể sửa đổi, bổ sung. Tổ chức các phiên giải trình kiểu này, Thường trực và các đại biểu HĐND sẽ có điều kiện nghiên cứu trước, tìm hiểu kỹ hơn và tham gia ý kiến với các cơ quan soạn thảo, đề xuất chính sách ngay từ khâu chuẩn bị, giúp các quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương chất lượng tốt hơn.

Nội dung phải thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND

Trước hết, nội dung giải trình phải thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, vì sau giải trình, Thường trực HĐND có kết luận vấn đề giải trình và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận đó. Những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của HĐND phải để HĐND xem xét và quyết định tại kỳ họp.

Thứ hai, giải trình những vấn đề thuộc chương trình giám sát của Thường trực HĐND. Trong chương trình giám sát của Thường trực HĐND có cả nội dung giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Do đó, những vấn đề “nhỏ” có thể thực hiện thông qua giải trình mà không cần tổ chức đoàn giám sát. Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã có thể thực hiện hoạt động giải trình để thay thế một phần hoạt động giám sát chuyên đề, vì ở cấp huyện, xã thường là những vấn đề “nhỏ”; hoạt động giải trình vừa dễ làm lại vừa đỡ tốn kém cả thời gian và công sức.

Thứ ba, giải trình những vấn đề phát sinh qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua tiếp công dân và xử lý khiếu nại, tố cáo; kể cả dư luận quần chúng nhân dân và thông tin qua báo chí. Khi chọn những vấn đề yêu cầu giải trình từ những phát sinh này, một mặt giải quyết kịp thời kiến nghị của Nhân dân, một mặt thể hiện sự cầu thị kịp thời của cơ quan nhà nước trước yêu cầu của xã hội.

Cần xác định đúng đối tượng giải trình

Sau khi đã chọn nội dung, cần xác định đúng đối tượng (cơ quan, tổ chức, cá nhân) để giải trình; hoặc chọn đối tượng trả lời chính và các đối tượng liên quan để cùng trả lời (nếu nội dung liên quan đến nhiều đối tượng). Ngoài các thành viên của Thường trực HĐND, cần mời các đối tượng liên quan là đại biểu HĐND, chuyên gia am hiểu về nội dung giải trình để có thêm ý kiến tranh luận, làm rõ vấn đề giải trình. Mọi ý kiến nêu trong hội nghị cần được trao đổi kỹ, làm rõ, đi đến thống nhất kết luận và mang tính khả thi, để các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện kết luận.

Để phiên họp giải trình đạt hiệu quả, cần chú ý sử dụng thẩm quyền của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 72, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND: Người được yêu cầu có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo yêu cầu của Thường trực HĐND... Thường trực HĐND xem xét, thông qua kết luận vấn đề được giải trình...; cơ quan, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thường trực HĐND; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định.

Rõ trách nhiệm

Sau hội nghị giải trình, Thường trực HĐND có kết luận vấn đề đã giải trình, trong đó có những kiến nghị cụ thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện - điều này cũng tương tự như kết luận và kiến nghị của một cuộc giám sát. Do vậy, tại các phiên giải trình, trách nhiệm của các cơ quan đối với những hạn chế trong quản lý điều hành phải được làm rõ, có như vậy mới kiến nghị cụ thể trong việc thực hiện và khắc phục các tồn tại nếu có. Kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được triển khai thực hiện trên thực tế. Do đó, sau mỗi phiên họp, Thường trực HĐND ban hành thông báo kết luận phiên giải trình gửi đến cơ quan được yêu cầu giải trình và thành phần dự họp để biết và tổ chức thực hiện. Đồng thời, phân công ban của HĐND giám sát và Văn phòng HĐND theo dõi kết quả thực hiện kết luận.

Như vậy, việc tổ chức phiên giải trình mới mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong thực hiện nhiệm vụ luật định. Phiên giải trình không chỉ làm rõ trách nhiệm của cơ quan mà quan trọng hơn là nhằm tìm kiếm giải pháp, kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đạt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương, đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

Chọn vấn đề cần giải quyết ngay

Các vấn đề cần giải trình luôn có tính thời sự, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời và liên quan trực tiếp đến đời sống KT - XH và trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhằm đóng góp xây dựng, phát huy những mặt tích cực, hạn chế những khuyết điểm, thiếu sót. Việc giải trình làm rõ những vấn đề nổi lên, trách nhiệm, thời hạn cần giải quyết, giúp các cơ quan, cá nhân liên quan thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bảo đảm sự công khai, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.

Cơ sở để lựa chọn những nội dung giải trình là: Những vấn đề nổi lên qua kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND; những vấn đề nóng, bức xúc qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội, thông tin đại chúng; những tồn tại trong việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Theo đó, những nội dung giải trình phải là những vấn đề cần giải quyết ngay, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cử tri và Nhân dân. Bảo đảm vận hành quyền lực HĐND thông suốt.

Sau khi thống nhất lựa chọn vấn đề giải trình, Thường trực HĐND có văn bản gửi UBND tỉnh yêu cầu báo cáo bằng văn bản và gửi đến Thường trực HĐND trước phiên họp chậm nhất 5 ngày. Sau khi nhận được báo cáo giải trình của UBND, Thường trực HĐND phân công các ban (thuộc lĩnh vực phụ trách), Văn phòng HĐND nghiên cứu, xem xét và nêu các vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất cần tiếp tục trao đổi hoặc làm rõ tại phiên họp và gửi đến các thành viên Thường trực HĐND để nghiên cứu, tham khảo nhằm chủ động đề nghị lãnh đạo UBND giải trình tại phiên họp. Từ nội dung, báo cáo giải trình, các vấn đề cần tiếp tục trao đổi tại phiên họp, Văn phòng HĐND tham mưu Thường trực HĐND xây dựng chương trình cụ thể cho từng nội dung giải trình.

Bảo đảm khách quan, minh bạch

Trên cơ sở những vấn đề lựa chọn giải trình, Thường trực HĐND giao các ban liên quan của HĐND nghiên cứu, thu thập thông tin, chuẩn bị tài liệu, tổ chức khảo sát, đề xuất các nội dung cụ thể cần giải trình và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải trình. Sau khi xem xét, thống nhất vấn đề, người giải trình, Thường trực HĐND gửi văn bản tới các cơ quan, đơn vị yêu cầu về việc giải trình và gửi báo cáo giải trình về Thường trực HĐND.

Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, mọi ý kiến trong phiên giải trình cần được trao đổi kỹ, có cơ sở, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, bằng chứng khách quan, số liệu chính xác về các nội dung liên quan. Kết quả phiên giải trình ở mức độ nào, chất lượng đến đâu được đánh giá bằng việc những vấn đề, nội dung đã “giải” rõ, sáng tỏ, có sức thuyết phục như thế nào, qua việc trả lời những câu hỏi như: Tại sao như vậy, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp, biện pháp xử lý, giải quyết ra sao... Nội dung giải trình và các ý kiến trao đổi cũng chính là nguồn thông tin rất cần thiết phục vụ cho hoạt động giám sát, thẩm tra; đồng thời giúp cơ quan, cá nhân giải trình phát huy những mặt mạnh, khắc phục sửa chữa kịp thời những hạn chế, khuyết điểm, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Để phiên giải trình đạt chất lượng, hiệu quả, cần chuẩn bị một cách chu đáo, kỹ lưỡng. Trước phiên giải trình, Thường trực HĐND tự mình hoặc phân công ban HĐND, Văn phòng HĐND tổ chức tìm hiểu, khảo sát, đánh giá kết quả việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dự kiến sẽ giải trình; chỉ đạo Văn phòng HĐND tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, những kết luận, kiến nghị giám sát của các ban HĐND, của các đoàn giám sát trước đây liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. Đây là những dữ liệu quan trọng để so sánh, đối chiếu, kiểm chứng báo cáo giải trình. Cũng cần thông báo đến các đại biểu HĐND cùng cấp về kế hoạch, đối tượng, phạm vi, nội dung, thời gian tổ chức phiên giải trình... để các đại biểu chủ động chuẩn bị nội dung yêu cầu giải trình, chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên giải trình khi được mời tham gia.

Tóm lại, như đã nói ở trên giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân là một hoạt động mới cần được nghiên cứu trao đổi để ngày càng nâng cao chất lượng. Trên đây mới là một số suy nghĩ cá nhân có tham khảo các bài viết của các tác giả xin trao đổi cùng các bạn.

Đoàn Đình Anh - Trưởng ban VHXH HĐND tỉnh

    Ý kiến bạn đọc