Một số ý kiến góp ý về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi)
EmailPrintAa
16:44 22/05/2020

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 26 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2015. Luật Đầu tư góp phần xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Luật đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn 4 năm thi hành Luật Đầu tư cho thấy, việc thực hiện vẫn còn gặp một số hạn chế, bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn; dự kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), để góp phần hoàn thiện dự thảo, xin góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Về giải thích khái niệm. Đề nghị giải thích đầy đủ hơn về khái niệm “nhà đầu tư”, vì Luật Đầu tư sử dụng khái niệm “nhà đầu tư”, còn các luật chuyên ngành khác như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai chỉ sử dụng khái niệm “Chủ đầu tư”…

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6). Về phụ lục 1, 2 và 3, đề nghị giữ nguyên các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư, không giao Chính phủ quy định chi tiết và bổ sung quy định cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, tránh áp dụng tùy tiện vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6,  mà chuyển sang Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành. Việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp phù hợp với các quy định của pháp luật.

Cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh. Ngoài ra, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” còn phải xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đã được kinh doanh loại hình dịch vụ này.

Về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục dự thảo Luật). Đề nghị xem xét, rà soát kỹ các ngành, nghề liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe nhưng không phải dịch vụ y tế như xoa bóp, châm cứu; ngành nghề liên quan đến sức khỏe con người, an ninh trật tự xã hội; bảo vệ các giá trị truyền thống.

Về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư (Điều 17). Đề nghị rà soát kỹ các ngành, nghề bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Đồng thời, đề nghị quy định trong Luật chi tiết danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn đầu tư.

Đề nghị vẫn giữ “dự án khởi nghiệp sáng tạo” trong danh mục về ngành, nghề ưu đãi đầu tư và bổ sung thêm “dự án thử nghiệm”, “dự án nhà ở xã hội”, “dự án nhà ở thương mại giá thấp” tại Điều 17 “Dự thảo Luật Đầu tư”. Vì theo quy định pháp luật hiện hành có quy định chính sách ưu đãi nhà ở xã hội, nhưng chưa quy định chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp (theo quy định pháp luật hiện hành, thì dự án nhà ở thương mại, kể cả dự án nhà ở thương mại giá thấp đều không được hưởng chính sách ưu đãi).

Về Hình thức hỗ trợ đầu tư (Điều 19). Đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế. Pháp luật về nhà ở đã quy định các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có chính sách ưu đãi về thuế. Do vậy, đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi về thuế vào Khoản (1.c) Điều 19 “Dự thảo Luật Đầu tư”.

Về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 40). Đề nghị quy định chi tiết điều kiện hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Điều 39, không giao Chính phủ quy định nội dung này.

Về chuyển nhượng dự án (Điều 47). Việc quy định về chuyển nhượng dự án có gắn chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản còn chồng chéo, chưa rõ cơ quan thực hiện, thủ tục và trình tự thực hiện. Đề nghị xem xét đối với việc chuyển nhượng dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác (khi chưa triển khai xây dựng) thực hiện đúng nội dung dự án đã được chấp thuận thì có thể thực hiện được chuyển nhượng theo Luật Đầu tư nhưng lại vi phạm Điều 189 của Luật Đất đai là chưa đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt (đối với trường hợp chưa phù hợp với Điều 189 Luật Đất đai).

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về đầu tư, kinh doanh./.

Nguyễn Việt Dũng

    Ý kiến bạn đọc