Dự thảo luật có 08 chương 54 điều; quy định chi tiết các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), để góp phần hoàn thiện dự thảo, xin góp ý một số nội dung cụ thể như sau:
1. Tại khoản 6 Điều 4 đề nghị sửa thành “Khuyến khích người nghiện ma túy, người nghiện các chất dạng thuốc phiện tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện bằng thuốc thay thế”.
2. Tại Điều 8 xem xét bổ sung trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy cho giáo viên, nhân viên nhà trường; phối hợp với cơ sở y tế và chính quyền địa phương trong việc tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không chỉ của học sinh, sinh viên học viên mà cả giáo viên và nhân viên nhà trường.
3. Tại điểm c khoản 1 Điều 22 đề nghị bổ sung: Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ có quyền xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.
Cụ thể như sau: Người mà cơ quan chức năng, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
4. Nghiên cứu, xem xét lại khoản 1 điều 24 vì không khả thi, thực tế rất ít trường hợp cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Công an cấp xã nơi cư trú.
5. Tại khoản 2 Điều 26 đề nghị xem lại thẩm quyền của Công an xã trong việc đưa ra khỏi danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy, bởi vì tại khoản 1 quy định thẩm quyền lập danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy là của UBND cấp xã, Công an xã chỉ giúp UBND xã lập danh sách. Do đó, cần quy định thống nhất giữa khoản 1 và khoản 2 theo hướng ở khoản 2 Công an xã giúp UBND xã đưa ra khỏi danh sách người sử dụng trái phép chất ma túy.
6. Tại khoản 3 Điều 30 cần quy định cụ thể việc Ủy ban nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng dựa trên cơ sở nào? Hết 6 tháng đương nhiên được cấp giấy cai nghiện hay là phải qua các thủ tục.
7. Tại khoản 1, 2, 3 Điều 34 về lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi
Dự thảo quy định giống quy định tại khoản 56, 57 Điều 1 của Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 là không phù hợp với khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản QPPL 2015, cụ thể: Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.
8. Tại khoản 1 Điều 38 quy định “Nhà nước áp dụng biện pháp cai nghiện thích hợp đối với người nghiện ma túy là người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên của cơ sở giáo dục, học sinh của trường giáo dưỡng” là chưa cụ thể vì theo khoản 1 Điều 28 quy định 02 biện pháp cai nghiện ma túy: Tự nguyện và bắt buộc, do đó đề nghị cần quy định cụ thể để áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với từng đối tượng cho hiệu quả và phù hợp với thực tế.
9. Tại khoản 2 Điều 38 đề nghị sửa “Giám thị trại giam, trại tạm giam” thành “Trưởng giám thị trại giam, trại tạm giam” cho đúng thẩm quyền.
Trên đây là một số ý kiến của cá nhân về Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống ma túy./.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)