Nâng cao năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh của đại biểu Hội đồng nhân dân
EmailPrintAa
11:40 24/08/2017

Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND vừa là một quá trình phấn đấu của các cơ quan dân cử, vừa là một yêu cầu đặt ra từ thực tiễn và đặc biệt từ đòi hỏi của cử tri đối với cơ quan đại diện cho mình. Trên thực tế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND. Để HĐND thực sự đại diện cho Nhân dân, phải bắt đầu từ năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh của từng đại biểu HĐND. Do vậy muốn hiệu lực, hiệu quả của HĐND được nâng lên thì năng lực, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND dân phải được nâng cao.

Thời gian vừa qua, hoạt động của HĐND các cấp ở tỉnh ta đã có nhiều đổi mới, hiệu lực hiệu quả trong các hoạt động, nhất là trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định được nâng lên một bước, tạo được niềm tin trong lòng cử tri.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng cần nhìn nhận khách quan hoạt động của HĐND nói chung các đại biểu HĐND nói riêng, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là: các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản còn có nội dung chưa sâu. Trong các kỳ họp, phần nhiều các ý kiến phát biểu tập trung vào các kiến nghị cử tri, chưa nêu được các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động giám sát, đặc biệt là trong chất vấn chưa quyết liệt truy đến cùng về nguyên nhân và trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến nội dung chất vấn. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian để tham dự đầy đủ các kỳ họp của HĐND nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình và những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng. Đối với các đại biểu chuyên trách nhiệm kỳ này số lượng đại biểu chuyên trách đối với HĐND tỉnh và huyện được tăng thêm. Tuy vậy, phần lớn lại mới tham gia khóa đầu nên trong hoạt động còn gặp nhiều khó khăn... Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế, phần nào còn hình thức và chưa thực chất.

Ban Văn hóa - xã hội giám sát về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ tại huyện Cẩm Xuyên


Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết do lĩnh vực hoạt động của HĐND rất rộng, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức tổng quát và kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đó công tác quy hoạch cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo nguồn đại biểu HĐND chưa được nhiều. Bên cạnh đó, khi thực hiện hiệp thương lựa chọn ứng cử viên để bầu cử đại biểu HĐND còn nặng về cơ cấu, không những thế một đại biểu còn phải gánh nhiều cơ cấu.

Một số đại biểu nặng về nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan, chưa dành thời gian nghiên cứu, cập nhật thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động HĐND, do vậy ít có đóng góp vào các hoạt động của HĐND.

Một số đại biểu HĐND được bầu theo cơ cấu ít có điều kiện tiếp cận với các nguồn thông tin nên việc tiếp thu, giải trình kiến nghị của cử tri trong TXCT còn hạn chế. Trong việc chất vấn ngoài việc thiếu thông tin, thiếu tự tin trong trình bày ý kiến chất vấn, còn có tâm lý cho là gây không khí căng thẳng trong kỳ họp, băn khoăn sau chất vấn ảnh hưởng đến bản thân hoặc cơ quan, đơn vị...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, phát huy vai trò người đại biểu dân cử trong hoạt động của HĐND trong nhiệm kỳ tới, tôi xin trao đổi một số nội dung sau:

Chất lượng các hoạt động của HĐND trước hết phụ thuộc vào năng lực của từng đại biểu HĐND. Năng lực của đại biểu phải được hiểu là năng lực khá toàn diện trước hết là sự hiểu biết của mình về các lĩnh vực mà HĐND sẽ bàn quyết định và giám sát. Để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân về các lĩnh vực, đòi hỏi mỗi đại biểu phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu qua sách báo, cũng như thực tiễn, từ đó tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết phục vụ cho hoạt động của mình tại HĐND. Ngoài việc cố gắng nỗ lực của cá nhân các đại biểu sau khi trúng cử thì Thường trực HĐND các cấp cũng cần tạo điều kiện để các đại biểu được học tập nâng cao trình độ về mọi mặt bằng việc cho đi học cả dài hạn và ngắn hạn.

Năng lực của đại biểu ngoài khối lượng kiến thức thì còn yếu tố rất quan trọng là các kỹ năng tối thiểu cần có, trong đó các đại biểu chỉ có con đường ngắn nhất là tâm huyết trách nhiệm với nhiệm vụ, với vai trò là người đại diện của cử tri, được cử tri ủy quyền thực thi các quyền lực của họ tại HĐND để tích lũy và rèn luyện. Bởi kỹ năng là điều không thể có ngay mà phải trải qua quá trình rèn luyện từ biết việc đến thông thạo mới tới kỹ năng. Các đại biểu hoạt động tốt cần các kỹ năng cơ bản sau:

Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh khảo sát công tác dân tộc và kết quả thực hiện Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hương Khê.

 

Phát hiện và chọn lựa vấn đề hoạt động ở HĐND đòi hỏi đại biểu biết cách phát hiện những vấn đề cần đưa ra cơ quan dân cử trong vô số những sự kiện, vấn đề mà cử tri, cuộc sống đang đặt ra. Kỹ năng phát hiện vấn đề cốt lõi giúp đại biểu tránh cách tiếp cận chung chung trong họat động. Kỹ năng phát hiện và chọn lựa vấn đề giúp đại biểu dân cử lựa chọn chắt lọc từ những bức xúc có khi mang tính cá biệt, riêng lẻ của một vài cử tri để khái quát thành những vấn đề chung mang tính đại diện để hình thành các tư liệu sống của thực tiễn, góp phần xây dựng chính sách pháp luật. Nó giúp cho đại biểu đưa được những vấn đề xác đáng, đang được quan tâm nhiều vào chương trình nghị sự, chắt lọc ra những vấn đề cần phản ánh vào trong hoạt động tại nghị trường.

Đại biểu HĐND phần lớn kiêm nhiệm, bộ máy giúp việc riêng không có, trong khi đó các vấn đề cuộc sống và cử tri đặt ra thì bộn bề, mà đại biểu vẫn phải có bổn phận quan tâm đến tất cả các vấn đề đó. Nhưng để góp phần giải quyết hiệu quả, cách tốt hơn có lẽ là chọn lấy một vài vấn đề mà đại biểu nắm vững, đồng thời chọn một vài vấn đề đại biểu hoàn toàn mới, nhưng có điều kiện nắm vững, và toàn tâm, toàn ý theo đuổi giải quyết vấn đề đó đến tận cùng mới thôi.

Tìm và phát hiện vấn đề cần phải quyết định không phải bao giờ cũng dễ dàng. Một vấn đề của người đại biểu này rất quan tâm, nhưng lại không phải nằm trong phạm vi chú ý của người đại biểu khác. Đại biểu phải đưa ra các phán xét và quyết định hợp lý, làm thế nào để có được sự ủng hộ của các đại biểu khác và các cơ quan hữu quan, biết được ai sẽ ủng hộ mình khi đưa ra các sáng kiến. Quá trình đưa ra quyết định hợp lý bao gồm các bước sau: Nhận biết vấn đề; phân tích vấn đề; hình dung các phương án, giải pháp; cân nhắc những hậu quả và tác động của phương án; quyết định.

Kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, làm sao để không bị ngập trong biển thông tin của thời đại hiện nay? đại biểu đang thừa thông tin nhưng cũng đang thiếu thông tin - thiếu thông tin đã được xử lý.

Đại biểu có thể thu nhận thông tin từ nhiều nguồn: từ cử tri, từ cơ quan tham mưu giúp việc của HĐND; từ phía UBND cung cấp theo yêu cầu; từ nguồn chuyên gia, các nhà nghiên cứu; các hiệp hội; doanh nghiệp; báo chí... Mỗi nguồn thông tin có điểm mạnh và điểm yếu của mình. Đại biểu có lợi thế là người tập hợp và tận dụng được thế mạnh của từng nguồn đó. Ví dụ, thông tin của các chuyên gia pháp lý, kinh tế giúp đại biểu nhận biết được những ngóc ngách trong các dự án, giúp đại biểu không bị “múa các con số”; trong khi đó, thông tin tham vấn được từ cử tri, từ hiệp hội... giúp đại biểu phản biện được các tờ trình của UBND từ góc nhìn đại diện. Cũng cần lưu ý rằng, tham vấn nhiều nguồn thông tin, nhưng đại biểu là người cuối cùng xử lý thông tin và quyết định bấm nút.

Ban Văn hóa - xã hội giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết 55/2013/NQ-HĐND tỉnh về “Tăng cường xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020” tại huyện Cẩm Xuyên

 

Kỹ năng nói ở HĐND, nói thì đại đa số ai cũng nói, nhưng nói trước diễn đàn và đặc biệt nói hay thuyết phục mọi người là điều không dễ. Do vậy rèn luyện kỹ năng nói là điều không thể thiếu của một đại biểu dân cử. Để có bài nói chuyện hoặc phát biểu thành công cần lưu ý:

Chuẩn bị bài nói: Một bài phát biểu thành công là kết quả của một quá trình chuẩn bị kỹ càng, thời gian chuẩn bị thường dài hơn gấp nhiều lần so với thời gian phát biểu thực sự. Chuẩn bị kỹ các ý kiến để tham gia thảo luận, đặc biệt là những vấn đề, những lĩnh vực mà mình hiểu biết sâu, có nhiều thông tin có thể trao đổi. Về việc này, đã có nhiều đại biểu chuẩn bị rất công phu, một số đại biểu viết thành bài. Nhưng có một số tình tiết cần khắc phục là có đại biểu phát biểu sau, vì ý kiến đã viết thành bài sẵn nên vẫn đọc nguyên xi các thông tin đã “bão hòa”, do đó mức độ trùng lặp khá cao. Vì vậy, đại biểu phải theo dõi liên tục để điều chỉnh ý kiến của mình cho hợp lý, nâng cao hiệu quả đóng góp của mình.

Đề cương của một bài phát biểu: Diễn biến của một bài phát biểu, trong một lần phát biểu thường theo thứ tự sau: Thông điệp chính; tại sao, lập luận; số liệu, chứng cứ; quay lại thông điệp chính; Bắc cầu sang nội dung mới.

Thông điệp chính: Khi phát biểu, thông điệp của người phát biểu là cái mà người nghe quan tâm nhất. Một thông điệp có hiệu quả là những thông tin ngắn gọn, súc tích, thể hiện được ý tưởng của người phát thông điệp, dễ ghi nhớ nhưng thường khuyến khích người nghe phải suy nghĩ về nó. Thông thường, trong một bài phát biểu, thời điểm hợp lý để “tung” ra thông điệp là khi mở màn và khi kết thúc bài phát biểu.

Kỹ năng nói: Phải nói thật ngắn gọn để khi nghe, người dân dễ tiếp cận và người làm chuyên môn cũng chấp nhận được. Khó hơn nữa là phải nói trúng và đúng mức vấn đề. Có lẽ nên tham khảo “nguyên tắc”: với thời lượng được phát biểu tối thiểu mà chuyển tải được thông tin bổ ích tối đa; nói ngắn mà không thiếu, nói dài mà không thừa những thông tin cần nói. Chú ý phong thái, cử chỉ, ánh mắt, giọng nói khi phát biểu.

Lập luận khi nói ở HĐND: Nếu như người ta hiểu biết về cách thức lập luận và vận dụng nó phù hợp, thì quả thật tranh luận có thể làm sáng tỏ chân lý. Ngược lại, nếu người ta lập luận bằng mọi cách chỉ cốt để bảo vệ những định kiến đã có sẵn, thì chân lý sẽ chết chìm trong những trận luận chiến kéo dài. Cần lập luận dựa vào chứng cứ và lôgíc. Đây là cách lập luận dựa vào những điều được lôgíc dẫn dắt và được thực tế xác nhận. Lập luận dựa vào chứng cứ và lôgíc là thiết thực nhất và đúng đắn nhất. Với cách lập luận này, chúng ta không chỉ tiết kiệm được thời gian, tránh được việc công kích lẫn nhau, mà còn tìm ra được giải pháp phù hợp nhất để giải quyết những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống”. Tuy nhiên, tranh luận dựa vào chứng cứ thì phải có thông tin và phải có nghiên cứu.

Có năng lực mới là điều cần, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ người đại biểu HĐND còn cần có tinh thần trách nhiệm cao và bản lĩnh vững vàng. Để có được điều đó đòi hỏi mỗi đại biểu phải có nỗ lực cao và biết hy sinh mới thực hiện được.


    Ý kiến bạn đọc