Người đại biểu say mê công tác Hội
EmailPrintAa
08:06 08/09/2017

Nhân kỷ niệm ngày cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 02/9, chúng tôi về quê hương của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh để tìm gặp đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) xã, chị là Lê Thị Minh, ở xóm Thanh Thuỷ, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc.

Chị Minh năm nay mới 38 tuổi, nhưng trước đó đã tham gia một nhiệm kỳ đại biểu HĐND huyện Can Lộc (nhiệm kỳ 2011-2016). Trò chuyện với chị, tôi thấy ở chị toát lên một tinh thần say mê công việc, nhất là công tác Hội phụ nữ. Chị bắt đầu công việc từ thôn, xóm, làm Chi hội trưởng Hội phụ nữ, tham gia cấp uỷ rồi phát triển trưởng thành lên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh Lộc. Chị vừa làm vừa học, học Quản trị kinh doanh, học các anh chị đi trước, học hỏi ngay chính các chị em hội viên phụ nữ. Vì vậy, càng đi sâu vào công việc, chị càng thấy yêu quý mọi người, đem cả sự đam mê, nhiệt tình cống hiến cho công tác Hội. Chị kể: Thanh Lộc là một xã thuần nông, quanh năm chỉ nhìn vào mấy sào ruộng lúa, vì thế những người đàn ông trụ cột gia đình lại đi xa tìm việc làm để lo cuộc sống gia đình. Bao vất vả, lo toan chị em phụ nữ phải gánh chịu; ngay cả công cuộc xây dựng nông thôn mới, tính ra có đến trên 80% chị em phụ nữ tham gia.

Đai biểu HĐND xã Thanh Lộc Lê Thị Minh

 

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, chị Minh cười vui rồi nói: Phụ nữ mang dòng máu quê hương Xô Viết là thế mà anh, không “đội đá vá trời” thì cũng là điểm tựa cho chồng con trong cuộc sống.

Quả đúng vậy, khi cuộc sống khó khăn, nhiều vùng quê gánh nặng gia đình và xã hội đều trên đôi vai và bàn tay người phụ nữ. Họ chăm chỉ, cần cù chịu khó, gánh vác cả những công việc nặng nhọc. Năm 2014, xã Thanh Lộc phấn đấu về đích nông thôn mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, chị em phụ nữ cũng sẵn sàng tiếp nhận các phần việc được phân công. Cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo Hội phụ nữ thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi lợn liên kết. Với vai trò là người đứng đầu, muốn chỉ đạo chị em thực hiện cần phải có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Chị bàn với chồng con mạnh dạn vay vốn, đầu tư trang trại nuôi lợn. Có được thành công bước đầu, chị phổ biến cho chị em cách làm, chọn giống, thức ăn, xây dựng trang trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ kinh nghiệm của chị Hội trưởng, chị em các Chi hội nhân rộng mô hình và bước đầu đều thu được kết quả tốt. Ngoài việc chăn nuôi, chị còn chăm lo xây dựng các mô hình kinh tế như: trồng Nấm, liên kết đào tạo học nghề, phổ biến kiến thức chăn nuôi lợn, gà, phát triển các trang trại với số lượng hàng trăm con trở lên.

Tuy nhiên, đang đà phát triển thuận lợi, thì “đùng một cái” lợn mất giá, bế tắc cả đầu ra, nhiều chị em bước đầu tỏ ra chán nản. Tôi hỏi chị Minh: Khó khăn của ngành chăn nuôi trong thời gian gần đây không chỉ riêng của xã Thanh Lộc mà gần như cả nước, vấn đề là các chị có cách xử lý thế nào? Chị ngồi lặng một lúc rồi kể tiếp: Đang đà thắng lợi thì bị chững lại, nhưng chị em không vì thế mà bó tay. Hơn lúc nào hết, Hội phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, động viên, giải thích để chị em yên tâm. Mặt khác, tìm đầu ra cho các hộ chăn nuôi, liên hệ với các lò mổ, các điểm thu mua, nhiều cán bộ hội phụ nữ chấp nhận thiệt thòi để chị em ở cơ sở bán được hàng, thu được vốn, giải quyết được khó khăn, ổn định cuộc sống. Vì vậy, niềm tin của chị em vào Hội ngày càng lớn hơn.

Hiện nay, Hội đang xây dựng và thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”, đó là: không bạo lực gia đình, không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không vi phạm tệ nạn xã hội và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Sau khi tổ chức ký kết thi đua giữa các Chi hội, hội viên, Hội phụ nữ xã trực tiếp đi kiểm tra, đánh giá và có khen thưởng những gia đình làm tốt. Những hộ chưa đạt các tiêu chí thì Hội vận động, giúp đỡ, động viên kịp thời. Ngoài thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”, Hội Phụ nữ xã Thanh Lộc còn thực hiện tốt công tác “Bình đẳng giới”, chị em được phát huy hết khả năng, trách nhiệm và quyền làm chủ. Vì vậy, các nhiệm kỳ trước chỉ có 1 đến 2 đại biểu là nữ, nhiệm kỳ 2016-2021 có đến 9 đại biểu nữ tham gia vào HĐND xã, một tỷ lệ hết sức thuyết phục.

Với 924 hội viên phụ nữ, sinh hoạt ở 10 Chi hội, trong gần 10 năm qua, Chị Minh đã làm tốt công tác vận động và điều hành hoạt động của Hội vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, được tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, UBND huyện Can Lộc. Riêng cá nhân chị vinh dự được UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và UBND huyện tặng Bằng khen.

Vừa là Chủ tịch Hội phụ nữ, vừa là đại biểu HĐND xã, vừa tham gia làm trang trại chăn nuôi của gia đình, công việc hàng ngày như cuốn hút lấy chị. Nhớ lại những ngày đầu tham gia vào công việc Hội đồng nhân dân, chị Minh chia sẽ: Ban đầu em cũng lo lắm, lo không đảm nhận được công việc, không hoàn thành trách nhiệm nghĩa vụ của một đại biểu mà bà con Nhân dân đã gửi gắm, tin tưởng. Càng đi vào công việc, được sự giúp đỡ của Lãnh đạo, chính quyền xã, sự động viên chia sẽ của các đoàn thể, em đã giải toả được nỗi lo ban đầu và rút ra một kinh nghiệm quý báu là phải say mê công việc và gần gũi, sâu sát với chị em. Nhờ vậy mà nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là nơi đã bỏ lá phiếu tín nhiệm bầu chọn mình vào HĐND xã.

Chính vì thế, trong các họp HĐND xã gần đây, chị đã mạnh dạn nêu ra những kiến nghị và nguyện vọng của cử tri như: vấn đề bảo hiểm, nhất là bảo hiểm y tế ở những vùng quê nghèo, thuốc cấp phát cho các bệnh nhân sử dụng bảo hiểm y tế tuyến xã còn khó khăn, vừa ít về số lượng, chất lượng cũng chưa được nâng cao; hay cần phải có thị trường ổn định trong chăn nuôi và tỉnh cần nghiên cứu để có giống lúa chất lượng cao, tránh những thiệt hại như vụ mùa vừa qua...

Chia tay người nữ đại biểu Hội đồng nhân dân xã, tôi thật khâm phục những việc chị đã làm được và với niềm say mê trong công việc, nhất định chị sẽ giành được tình cảm quý mến và sự tin tưởng của bà con cử tri trong nhiệm kỳ mới.


    Ý kiến bạn đọc