Những bất cập, hạn chế trong chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
EmailPrintAa
08:01 12/05/2023

Triển khai giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, bên cạnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng hiện hành để báo cáo với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp có giải pháp khắc phục. Cổng Thông tin điện tử đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng nội dung này.

- Việc triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 còn chậm; một số quy định trong Luật Điện lực, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành lĩnh vực năng lượng chưa đồng bộ, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Giám đốc Công ty TNHH GA Power Solar Park Cẩm Xuyên trao đổi những khó khăn trong phát triển điện mặt trời

- Một số định hướng phát triển năng lượng quốc gia như: Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII); Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm được ban hành, ảnh hưởng đến việc triển khai tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, tác động đến trình tự, thủ tục trong công tác đầu tư, làm giảm cơ hội, chậm triển khai nhiều dự án năng lượng.

- Một số quy định, tiêu chuẩn, kỹ thuật, đánh giá khảo sát môi trường, xã hội về điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác còn thiếu và chưa đồng bộ nên quá trình triển khai gặp khó khăn, vướng mắc.

- Quy hoạch phát triển năng lượng có tính hệ thống rất cao, liên quan đến nhiều quy hoạch, thực tế việc đồng bộ hóa các loại quy hoạch này rất khó khăn do thời điểm xây dựng các quy hoạch thường không trùng khớp, năng lực, trình độ tư vấn lập quy hoạch có phần còn hạn chế.

- Việc lập và bổ sung quy hoạch đất đai còn chưa cụ thể, chưa đủ chi tiết, dẫn đến việc bị chồng lấn với các quy hoạch khác; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án năng lượng vẫn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian, đơn giá hỗ trợ bồi thường còn bất cập, một số người dân chưa hợp tác, ủng hộ, nên kéo dài, chậm tiến độ thi công.

Và khảo sát tại phòng điều hành Nhà máy thủy điện Ngàn Trươi

- Một số chính sách chưa kịp thời ban hành, chậm được thay thế, thiếu tính liên tục dẫn đến các khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho địa phương và nhà đầu tư. Cụ thể:

+ Chính sách phát triển điện mặt trời: Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017 đến ngày 30/6/2019 nhưng không nêu rõ định hướng phát triển sau ngày 30/6/2019 như thế nào, dẫn đến có nhiều dự án được lập ra để hưởng cơ chế ưu đãi, nhưng không được xem xét. Ngày 06/4/2020 (sau gần 10 tháng), Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg để tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời và có hiệu lực kể từ ngày 22/5/2020 đến hết năm 2020, Quyết định cũng không đề cập đến chính sách phát triển loại hình này kể từ sau năm 2021 trở đi. Do đó, từ ngày 01/01/2021 đến nay, việc phát triển điện mặt trời mái nhà nối lưới gặp nhiều vướng mắc và không thực hiện được.

+ Chính sách phát triển điện gió: Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để hỗ trợ cơ chế phát triển điện gió trong khoảng thời gian từ 01/11/2018 đến trước ngày 01/11/2021. Đến ngày 07/01/2023, Bộ Công Thương mới ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Phó Giám đốc Sở Công thương Dương Thanh Hoà báo cáo những vướng mắc của chính sách, phát luật hiện hành về phát triển năng lượng

- Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, công trình điện hình thành từ nguồn vốn nhà nước sang ngành điện quản lý vận hành theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài, thủ tục hành chính qua nhiều cấp, nhiều ngành, việc xác định giá trị tài sản bàn giao khó khăn và hồ sơ của các chủ đầu tư không đầy đủ,...

- Cơ chế giá bán buôn, bán lẻ điện, than, điều hành giá xăng dầu còn nhiều bất cập; nhịp độ điều tiết không theo kịp thị trường thế giới.

- Hồ sơ quản lý đất đai, tài sản của hệ thống truyền tải điện không đồng bộ, lưu trữ chưa khoa học, đầy đủ; thiếu hướng dẫn chi tiết trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước. Với đặc thù công trình điện là công trình theo tuyến, diện tích đất để phục vụ xây dựng công trình tuy không nhiều nhưng dàn trải, không tập trung, đi qua nhiều địa phương khác nhau, nhưng chưa có hướng dẫn về quy hoạch sử dụng đất, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao, cấp giấy chứng nhận và quản lý đất đai theo tuyến.

- Tốc độ phát triển lưới điện không đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn dẫn nên có hiện tượng phía Nam thừa nguồn điện và phía Bắc thiếu vào giờ cao điểm mùa nắng nóng; lưới truyền tải điện không đáp ứng được do nút thắt tại khu vực Hà Tĩnh, Vũng Áng. Miền Nam thừa điện mặt trời, miền Bắc thiếu công suất vào cao điểm buổi tối. Thừa nguồn mà vẫn thiếu điện cho thấy sự lãng phí khi không khai thác nguồn đầu tư của xã hội.

- Việc đánh giá tác động môi trường của một số dự án năng lượng còn có mặt hạn chế. Thời gian qua các dự án xây dựng nhà máy điện nguồn năng lượng tái tạo được khuyến khích phát triển nhưng vẫn thiếu các nghiên cứu, đánh giá tính kinh tế - kỹ thuật, chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng truyền tải. Ngoài ra, quy định hướng dẫn thực hiện ký hợp đồng phát điện lên lưới quốc gia giữa chủ dự án đầu tư điện mặt trời mái nhà với ngành điện chưa cụ thể, rõ ràng.

- Để khai thác tối đa cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong thời gian qua các nhà đầu tư đã sử dụng nhiều diện tích đất nông nghiệp sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, trang trại, thủy sản, thủy lợi… để lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chưa quan tâm đến mục tiêu chính ban đầu là sản xuất nông nghiệp, dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp đáng kể sử dụng sai mục đích.

- Chưa có cơ chế chính sách đặc thù trong đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ ngầm lưới điện trong đô thị trong khi chi phí đầu tư lớn do phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng.

- Chưa có quy định cụ thể về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đầu tư đổi mới máy móc, trang thiết bị, công nghệ sản xuất; chưa có định mức đơn giá chi phí về kiểm toán năng lượng làm căn cứ cho đơn vị kiểm toán thực hiện.

Đoàn giám sát làm việc với Công ty Điện lực Hà Tĩnh

- Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực quy định trách nhiệm đầu tư xây dựng trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù công suất phản kháng trong phạm vi quản lý của trạm điện của đơn vị truyền tải điện, phân phối điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quy định này thực tế còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, chưa bảo đảm hài hoà giữa quyền lợi của chủ đầu tư dự án và doanh nghiệp ngành điện.

- Thông tư số 13/2020/TT-BCT ngày 18/6/2020 của Bộ Công Thương đã bãi bỏ khoản 2, Điều 25, Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013; theo đó, các công trình điện trung áp chưa có trong quy hoạch chuyên ngành điện, chủ đầu tư không phải tổ chức lập hồ sơ xin điều chỉnh bổ sung quy hoạch. Việc này chưa phù hợp với quy định tại khoản 1, điều 11, Luật Điện lực.

- Mục 1.2.5.11 Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng quy định “ công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp >35kV÷110kV là công trình cấp III ”. Tuy nhiên, thực tế hệ thống điện Việt Nam không tồn tại cấp điện áp này nên quá trình quản lý, theo dõi sự phù hợp của các công trình điện lực so với quy hoạch theo quy định Luật Điện lực gặp khó khăn.

- Khoản 2, Điều 9, Luật Điện lực hợp nhất theo Văn bản số 03/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018 của Văn phòng Quốc hội thì “ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh ”, nhưng Bộ Công Thương chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung, trình tự, thời gian, kinh phí…

- Đối với việc triển khai các nội dung thuộc kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 các tỉnh: Hiện nay cơ bản các cơ quan, địa phương, đơn vị đang vận dụng nhiệm vụ chuyên môn để thực hiện; chưa bố trí nguồn kinh phí cũng như hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện hiệu quả nội dung Chương trình.

- Về thực hiện trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các cơ sở, cơ quan, đơn vị: Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm gặp khó khăn trong việc đăng ký trực tuyến kế hoạch, báo cáo trên trang thông tin điện tử của Hệ thống cơ sở dữ liệu năng lượng quốc gia, do hệ thống hoạt động chưa ổn định, nhân sự phụ trách tại các cơ sở, đơn vị thay đổi, quản lý tài khoản, mật khẩu không tốt do tần suất sử dụng ít...; việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiết kiệm năng lượng chưa được chú trọng, tốn nhiều kinh phí.

- Việc phân cấp quản lý trong một số lĩnh vực cho chính quyền địa phương chưa mạnh, chưa đảm bảo phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phát huy được vai trò quản lý của địa phương (công tác quy hoạch các dự án nguồn, lưới điện; cấp phép hoạt động điện lực; đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng...).

- Lực lượng quản lý nhà nước trên lĩnh vực phát triển năng lượng tương đối ít trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, nhất là ở cấp huyện khó bố trí được công chức có chuyên môn phù hợp để thực hiện hiệu quả, bao quát được lĩnh vực năng lượng nói chung và điện năng nói riêng.

Nguyên nhâ n của những vướng mắc, hạn chế trên có thể do:

- Hệ thống văn bản quy phạm chính sách pháp luật về phát triển năng lượng chưa đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, chủ yếu thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc thông tư của các bộ, ngành trung ương trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch, quản lý về đất đai, xây dựng, môi trường, phát triển nông nghiệp,... vì vậy gặp nhiều khó khăn trong thực thi pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

- Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành chưa theo kịp xu hướng, tốc độ phát triển của các nguồn năng lượng, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

- Do nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên tỉnh chưa xây dựng chính sách riêng để khuyến khích, hỗ trợ phát triển năng lượng, chủ yếu đang lồng ghép trong một số chính sách chung của tỉnh.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc