Phối hợp giám sát và kiểm tra
EmailPrintAa
15:23 03/04/2019

Giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của HĐND. Giám sát như thế nào cho hiệu quả là vấn đề nóng được bàn luận sôi nổi tại nhiều diễn đàn, trong đó phải kể đến là việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát.

Tháng 7/2017, tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2017, HĐND thị xã Hồng Lĩnh quyết định chương trình giám sát năm 2018 với 03 chuyên đề trong đó có chuyên đề công tác quản lí nhà nước về đất đai với đối tượng giám sát là UBND thị xã, phòng Tài nguyên& Môi trường; UBND các phường, xã. Thế nhưng cũng nội dung ấy, từ tháng 9/2017 đến hết tháng 6/2018 có tới 03 đoàn thực hiện gồm: 01 đoàn của Thị uỷ, 01 của Tổng cục Đất đai và 01 của Ban KT-XH HĐND thị xã (thực hiện theo phân công của HĐND tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2017). Cùng 01 nội dung, 01 loại đối tượng nhưng tới 03 đoàn giám sát, kiểm tra trong một giai đoạn liền nhau đã khiến cho UBND và các ngành chuyên môn của thị xã và phường, xã làm báo cáo liên tục, kèm theo đó là khâu chuẩn bị tài liệu, hồ sơ phục vụ các đoàn, rất mệt mỏi. Sau khi Đoàn giám sát của Ban Thường vụ hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là lúc đoàn giám sát của HĐND thị xã triển khai kế hoạch. Mặc dù phạm vi giám sát của HĐND rộng hơn, tính chất khác hơn song về đối tượng giám sát vẫn là UBND thị xã, các phòng, ban, đơn vị chuyên môn liên quan và UBND phường, xã. Lãnh đạo UBND một phường bày tỏ với tôi khi Đoàn về giám sát tại địa phương: “Kiểm tra, giám sát nhiều là tốt nhưng dày quá, nội dung lại trùng, đề cương báo cáo mỗi đoàn 1 kiểu khiến anh em cơ sở khá vất vả vì phục vụ, không có thời gian để triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương”. Điều này khiến tôi không khỏi trăn trở, ái ngại nhưng Nghị quyết ban hành từ giữa năm ngoái, chương trình xây dựng từ đầu năm, kế hoạch giám sát công bố 3 tháng, giờ không thực hiện là chưa chấp hành nghiêm Nghị quyết HĐND nên tôi và Đoàn lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Là một đại biểu chuyên trách, tham mưu cho HĐND, tôi nghĩ giá mà tôi biết tham mưu cho HĐND chuyển sau nội dung khác và lấy kết quả các đoàn thanh tra, kiểm tra trước đó để xem xét, vừa đỡ phiền hà cho cơ sở, vừa để tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho HĐND thì hay biết mấy.

Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề

Thực tiễn cho thấy không chỉ HĐND thực hiện chức năng giám sát mà bên cạnh đó còn có các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính từ TW đến cơ sở; giám sát phản biện của Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể. Chính vì vậy, việc trùng nội dung và đối tượng là điều rất dễ xảy ra, nhất là khi đối tượng hướng đến là địa phương, cơ sở, những vùng có địa giới hành chính hẹp. Lãnh đạo một phường trên địa bàn cho hay: bình quân 1 năm phải đón tiếp ít nhất khoảng 10 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp, đó là chưa kể đến các cuộc kiểm tra đột xuất, kiểm tra đánh giá cuối năm. Bình quân 1 đoàn chuyên đề làm việc trong khoảng 1 buổi đến 1 ngày tại địa phương bao gồm cả khảo sát, thế nhưng thời gian làm báo cáo, chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu cho Đoàn mất khá nhiều thời gian. Với tần suất bình quân 1 tháng 1 đoàn thì thời gian dành cho các hoạt động của địa phương cũng bị ảnh hưởng mặc dù các đoàn làm việc với phương châm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của địa phương nhưng thực tế nếu không chuẩn bị chu đáo, đầy đủ thì lại bị đánh giá là xem thường, không chu đáo.

Đánh giá hiệu quả giám sát, thanh tra, kiểm tra ở một số địa phương cho thấy việc kiểm tra, giám sát, thanh tra nhiều nhưng một số nơi, nội dung chưa thật sự hiệu quả, nguyên nhân một phần cũng do có quá nhiều đoàn kiểm tra, giám sát, mỗi đoàn kết luận mỗi kiểu, thiếu thống nhất nên cơ sở lúng túng trong thực thi. Đó là chưa kể đến một số nội dung kết luận, kiến nghị còn xảy ra tình trạng mâu thuẫn, người bảo đúng, kẻ bảo làm sai, ai cũng có lý do để biện minh thành thử rất khó thực hiện. Ngoài ra, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng gây nên sức “ì” cho địa phương vì nhiều quá không biết nên thực hiện ra sao nên một số nơi cứ tiếp thu, để đó vì đằng nào rồi cũng sẽ có đoàn kiểm tra, giám sát tiếp, lại nhắc nhở, rồi lại tiếp thu… tạo thành cái vòng luẩn quẩn quen thuộc.

Thiết nghĩ, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát trong đó có cơ quan dân cử nên cùng ngồi lại, bàn bạc, làm tốt khâu trao đổi thông tin trước khi ban hành chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm để tránh tình trạng trùng nội dung, đối tượng giám sát, gây khó khăn cho đối tượng được giám sát. Làm được như vậy thì kế hoạch, chương trình giám sát, kiểm tra, thanh tra đề ra cũng hoàn thành, không phải sửa đổi, bổ sung nhiều. Bên cạnh đó, thay vì giám sát, kiểm tra, thanh tra theo số lượng cần quan tâm nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát từ khâu chuẩn bị, thành lập đoàn, xây dựng đề cương, kế hoạch cho sâu sát; khi kết luận cần cụ thể, rõ ràng, có địa chỉ, mốc thực hiện để đơn vị được giám sát, thanh tra, kiểm tra dễ thực hiện. Đồng thời, thực hiện việc giám sát, thanh tra, kiểm tra lại việc chấp hành các kiến nghị, kết luận, có như vậy hiệu quả mới đảm bảo và cũng không gây khó khăn cho đối tượng được giám sát./.

Bình Nguyên

    Ý kiến bạn đọc