Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng đó và từ thực tiễn mối quan hệ phối hợp giữa MTTQ với HĐND trong nhiệm kỳ qua. Trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp công tác và triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nội dung phối hợp được tập trung vào các trọng tâm như: Phối hợp công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phối hợp tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri; phối hợp tổ chức các kỳ họp của HĐND và các phiên họp của Thường trực HĐND; phối hợp hoạt động giám sát và giám sát hoạt động của các đại biểu dân cử; phối hợp trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tham dự các cuộc họp, kỳ họp của HĐND, các phiên họp của Ủy ban nhân dân và các kỳ họp của MTTQ Việt Nam và phối hợp trong tham gia góp ý xây dựng pháp luật và tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật và tích cực tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền Nhân dân.
Thực tiễn sau một năm triển khai thực hiện công tác phối hợp trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, quan hệ phối hợp của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh với Thường trực HĐND tỉnh trong các hoạt động đã từng bước có sự đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng phối hợp hoạt động. Qua triển khai thực hiện nhiều nội dung đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo và đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt hoạt động như:
Về tổ chức các kỳ họp của HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh, đều được thực hiện đúng luật trên cơ sở bám sát quy chế; trước các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND đều phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp; thống nhất với UBND tỉnh phân công các cơ quan chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, xây dựng lịch tổ chức tiếp xúc cử tri và công tác chuẩn bị, đảm bảo cho kỳ họp; xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh đảm bảo theo quy chế.
Hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường tiếp xúc trực tiếp ở các khu dân cư, tiếp xúc theo ngành, lĩnh vực. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri trước, sau kỳ họp; phân công lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên cơ quan MTTQ tỉnh đôn đốc, theo dõi và tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri. Phối hợp với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp, tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri theo đúng kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh. Việc tổ chức được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, số cử tri tham dự ngày càng tăng; đại diện Uỷ ban MTTQ các cấp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri đảm bảo nghiêm túc, dân chủ. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, MTTQ các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức 2.485 hội nghị tiếp xúc cử tri với 3.544 lượt đại biểu và 255.952 lượt cử tri tham dự và tổng hợp 556 lượt ý kiến phản ánh 41 nhóm vấn đề cử tri quan tâm trình các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp. Nét mới trong tiếp xúc cử tri là công tác tiếp xúc tập trung chủ yếu ở các khu dân cư để được tiếp xúc với nhiều người dân trực tiếp lao động hơn và ngoài đại biểu HĐND, các thành phần theo quy định thì có thêm đại diện Lãnh đạo Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan để nắm bắt thêm tình hình, ý kiến của cử tri và trực tiếp trả lời, giải quyết các nội dung cử tri phản ánh, kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của ngành mình, địa phương mình phụ trách; từ đó tạo được sự đồng thuận cao của cử tri và Nhân dân.
Công tác tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện nghiêm túc, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân công lãnh đạo và cán bộ tiếp dân và giám sát hoạt động tiếp dân của Ủy ban nhân dân tỉnh, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của công dân, đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết và trả lời. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận 32 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, qua phân loại đã chuyển 18 đơn thư đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và đã nhận được 17/18 văn bản trả lời và kết quả giải quyết, 01 đơn thư hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ luôn có sự cải tiến, đổi mới ngay từ đầu năm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chương trình giám sát của 2 cơ quan thông qua hình thức trao đổi bằng văn bản. Về cơ bản chương trình giám sát của HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch, khắc phục việc chồng chéo. Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát có sự phối hợp nhịp nhàng; các cuộc giám sát của HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh nhìn chung được lãnh đạo các cơ quan liên quan tích cực tham gia. Đặc biệt, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức giám sát việc thực hiện các chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2016, trên cơ sở đó phản biện cho việc sửa đổi, bổ sung chính sách của tỉnh trong giai đoạn 2017 - 2021 và giám sát việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, được đánh giá rất cao.
Trong công tác phối hợp tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, vận động Nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, tăng cường đoàn kết đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND và Uỷ ban MTTQ các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc; góp phần thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục sự cố môi trường biển, khôi phục và đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Sau 01 năm thực hiện công tác phối hợp hoạt động giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và Thường trực HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ mới đã bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động phối hợp giữa 02 cơ quan luôn tranh thủ được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự phối hợp có hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận; góp phần nâng cao chất lượng hiệu lực và hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phối hợp thực hiện còn một số tồn tại hạn chế: Công tác tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi vẫn còn hình thức, chưa có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, số điểm tiếp xúc cử tri còn hạn chế; tỷ lệ cử tri là người trực tiếp lao động ở các thôn, tổ dân phố, công nhân trực tiếp lao động, sản xuất tại các khu công nghiệp, hoặc nơi người dân có vấn đề bức xúc còn ít, tình trạng cử tri chuyên nghiệp vẫn là chủ yếu. Việc tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri có nơi chưa đầy đủ, chưa kịp thời; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cử tri còn hạn chế. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội có nội dung chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; nhất là hoạt động phản biện xã hội còn khó khăn và lúng túng. Việc khắc phục tồn tại hạn chế sau kết luận giám sát của một số cơ quan chuyên môn còn chậm...
Để tiếp tục đổi mới công tác phối hợp hoạt động giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh, nhằm thực hiện tốt hơn công tác phối hợp theo yêu cầu nhiệm vụ mới; trong thời gian tới cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, vai trò của MTTQ Việt Nam và các cấp chính quyền theo Luật chính quyền địa phương và Luật MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác tổ chức tiếp xúc cử tri theo hướng đa dạng, phong phú, sâu sát khu dân cư, người lao động trực tiếp. Thực hiện tốt việc phân loại và báo cáo tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan nhà nước giải quyết theo đúng thẩm quyền. Tích cực đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, tăng cường phối hợp trong công tác giám sát và phản biện xã hội theo Luật chính quyền địa phương, Luật MTTQ Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 403/NQLT, ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, nội dung giám sát và phản biện xã hội cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp, bức xúc và cử tri quan tâm.
Thứ tư, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung nội dung và ban hành Quy chế phối hợp công tác cho phù hợp với tình hình mới.
Thực hiện có hiệu quả hoạt động phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với HĐND là nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, thực hiện tốt quan hệ phối hợp đó là góp phần tích cực tham gia kiểm soát chặt chẽ quyền lực của Nhân dân, nâng cao dân chủ, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh ta trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)