Khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm, nhưng…
Báo cáo của Chính phủ về công tác về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày cho biết, năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015. Cụ thể, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, và số đoàn đông người giảm 9,6%. Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%. Tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyêt của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù, tình hình khiếu kiện của công dân có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn ra rất phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại một số tỉnh miền Trung; có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết. Đặc biệt, tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng... Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật, chất lượng giải quyết còn sai sót, gây bức xúc cho công dân. Một số địa phương, bộ, ngành chưa quan tâm đúng mức đên công tác tiếp công dân. Việc xử lý đơn thư và xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền còn chậm; các trình tự thủ tục theo quy định, nhất là việc đối thoại với người khiếu nại, tố cáo thực hiện chưa đầy đủ. Việc tiêp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa có sự phối họp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp |
Thẩm tra về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh khá toàn diện về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.9.2015 đến 31.8.2016; phân tích, đánh giá được thực trạng tình hình, nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, kết quả giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; những chuyển biến tích cực cũng như hạn chế, yếu kém trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, đề ra một số giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác này. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, số đơn thư, vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục có giảm so với các năm trước đây góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để đánh giá đúng tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Pháp luật đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân vẫn còn chậm được khắc phục, hiệu quả tiếp công dân chưa cao. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với năm 2015 và chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra. Làm rõ tình trạng việc đơn thư tố cáo tăng hơn năm trước về số lượng đơn thư và số lượng vụ việc. Vì sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%); hiệu quả giải quyết chưa tiến bộ hơn so với các năm trước trong khi QH đã ban hành Luật Đất đai 2013 và Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23.11.2012 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật yêu cầu, Chính phủ cần báo cáo rõ hơn số lượng khiếu nại, tố cáo năm cũ còn tồn đọng bao nhiêu vụ và số lượng mới phát sinh. Phân tích, đánh giá cụ thể hơn tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người trong thời gian qua, nhất là đối với đơn thư gửi trực tiếp đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đánh giá kỹ việc thực hiện các giải pháp mà Chính phủ đã nêu từ những năm trước. Đồng thời, dự báo diễn biến tình hình trong thời gian tới để có những chủ trương, biện pháp cụ thể, quyết liệt nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, đông người.
Toàn cảnh phiên họp |
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với 5 nhóm giải pháp Chính phủ đã đưa ra nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Theo đó, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Tích cực, chủ động giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các nhóm giải pháp còn khá chung chung, chưa xác định đâu là giải pháp trọng tâm có tính đột phá, đâu là giải pháp thường xuyên lâu dài; chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương, nhất là vai trò của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt là vai trò của Thanh tra Chính phủ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Tuy nhiên, Chính phủ cần nghiên cứu rà soát chỉ ra những vướng mắc, bất cập cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị QH, UBTVQH sửa đổi, bổ sung kịp thời.
… tính chất và quy mô thì phức tạp hơn
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu |
Các ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ; hoan nghênh nỗ lực và kết quả đạt được của lực lượng làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện nội dung Báo cáo, bảo đảm phản ánh sát thực với tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân cũng như phân tích rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, làm cho công tác tiếp công dân chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, có nhiều nguyên nhân được chỉ ra trong Báo cáo của Chính phủ cũng tương tự như báo cáo các năm trước. Đó là chính sách pháp luật còn bất cập, quản lý yếu kém, công tác tiếp công dân còn hạn chế… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, ngoài các nguyên nhân nêu trên, cần bổ sung nguyên nhân do các quan kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng, phức tạp nên các vụ việc khiếu nại, tố cáo cũng ngày càng phức tạp hơn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một số cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thật sự đến nơi đến chốn, có nơi, có chỗ còn để xảy ra hiện tượng tiêu cực. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân vì sao số vụ tiếp nhận đơn thư giảm trong năm 2016, nhưng tính chất và quy mô thì phức tạp hơn so với năm 2015.
Cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá tương đối chính xác về tình hình khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, hiện vẫn còn số vụ khiếu nại kéo dài là do chưa giải quyết triệt để từ cơ cở. Báo cáo cần chỉ rõ còn tồn đọng bao nhiêu đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được giải quyết? Từ thực tế thăm, làm việc tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Phó Chủ tịch QH nhận thấy, tình hình tiếp công dân cơ bản là tốt, nhưng thành phần tham gia giải quyết chưa bảo đảm theo yêu cầu, có cơ quan còn vắng mặt trong cuộc tiếp công dân. Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức tiếp dân, phân loại đơn cũng như giám sát giải quyết đơn thư của công dân, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trong tiếp công dân phải tăng cường đối thoại nhiều hơn nữa. Muốn vậy, cán bộ tiếp công dân phải có năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh và bảo đảm chọn đúng chủ thể đối thoại. Vì rằng, khi đối thoại mà chủ thể đối thoại không đúng thẩm quyền thì cũng khó có thể giải quyết được vụ việc. Do vậy, trước hết, các cơ quan có trách nhiệm tiếp công dân phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về công tác này.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)