Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, như: Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 28/3 /2014 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 28/3/2014 về thực hiện Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của HĐND tỉnh; Hướng dẫn liên ngành (số 03/HDLD-SCT-STC-SKHDT) hướng dẫn các địa phương và các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) trong việc tiếp cận với chính sách phát triển CCN.
Đến nay, sau hơn 03 năm triển khai, hoạt động của các cụm công nghiệp đã có bước tiến vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp Hà Tĩnh, cụ thể:
Thứ nhất, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được tăng cường. Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả rà soát quy hoạch cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại văn bản số 5342/VPCP -KTN ngày 10/7/2015. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 2313/ QĐ-UBND ngày 03/11/2016; thành lập thêm 13 cụm công nghiệp, đưa tổng số cụm công nghiệp được thành lập lên 18 cụm công nghiệp trong tổng số 20 cụm công nghiệp hiện có (do CCN Bắc Thạch Quý cần di dời trước năm 2020 và CCN Sơn Lễ nằm trong diện chuyển đổi chức năng nên không tham mưu thành lập). Phối hợp tham mưu phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 04 cụm công nghiệp; điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số cụm công nghiệp cho phù hợp với thực tế.
Thứ hai, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Căn cứ Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND, hàng năm tỉnh bố trí từ 25-30 tỷ đồng để thực hiện chính sách phát triển cụm công nghiệp, đồng thời tỉnh vận dụng nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng của Trung ương và lồng ghép các nguồn vốn từ các nguồn khác như nguồn đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ bản, hạ tầng làng nghề... Giai đoạn 2013-2015, UBND tỉnh đã bố trí 112 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân một số huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm bố trí nguồn ngân sách cấp huyện nhằm hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các cơ chế chính sách nhằm thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên địa bàn mình như thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà...
Thứ ba, công tác thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp được quan tâm thực hiện, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Trong 3 năm qua, các cụm công nghiệp đã thu hút được hơn 100 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 565 dự án đi vào sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị sản xuất gần 800 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 700 lao động. Một số dự án có vốn đầu tư lớn đã và đang trong quá trình triển khai như dự án Nhà máy gỗ MDF Thanh Thành Đạt tại CCN Vũ Quang với số vốn đầu tư 1.442 tỷ đồng, dự án gạch không nung và bê tông thương phẩm Trần Châu tại CCN Bắc Cẩm Xuyên với số vốn 140 tỷ đồng, dự án Trung tâm công nghiệp Dệt may tại CCN Nam Hồng với số vốn đầu tư là 976 tỷ đồng...
Hầu hết các cụm công nghiệp có dự án đăng ký và đầu tư sản xuất tăng nhanh so với thời điểm trước khi chính sách ban hành, trong đó đặc biệt như CCN Thạch Kim, CCN Thạch Đồng, CCN Nam Hồng, CCN Thái Yên, CCN Bắc Cẩm Xuyên... Cụm công nghiệp Thạch Kim từ chỗ không có dự án nào hoạt động, đến nay đã có 100 dự án đăng ký và đã có 38 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Công tác di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư hoặc làng nghề vào cụm công nghiệp đã được quan tâm như CCN Thái Yên, CCN Trường Sơn, CCN Thạch Kim. Điều này cho thấy việc hình thành các cụm công nghiệp, đặc biệt các cụm công nghiệp tại các làng nghề phù hợp với nhu cầu phát triển. Các cụm công nghiệp đã cho thuê thêm gần 53ha đất công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ lấp đầy từ 32,58% trước khi ban hành Nghị quyết lên 46,65% vào cuối năm 2016.
Thứ tư, công tác xử lý môi trường ngày càng được chú trọng. Đến nay toàn tỉnh có 03 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, tăng 02 cụm công nghiệp so với thời điểm chưa có Nghị quyết của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư vào cụm công nghiệp đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.
Nhìn chung, sau gần 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trong phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: hạ tầng các cụm công nghiệp còn nhiều bất cập, đầu tư thiếu đồng bộ, manh mún; ngân sách đầu tư chủ yếu từ ngân sách tỉnh, có đến đâu làm đến đấy; hệ thống xử lý nước thải chưa bảo đảm; nhiều hạ tầng cần thiết tuy đã có quy hoạch nhưng thiếu vốn đầu tư; việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất vào cụm công nghiệp chưa được quan tâm thực hiện; mô hình tổ chức quản lý cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ, số ít cụm công nghiệp đã hình thành BQL kiêm nhiệm nên hiệu quả không cao...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển cụm công nghiệp, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đã xác định trong Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND ngày 18/12 /2013 của HĐND tỉnh, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp theo hình thức PPP. Nhà nước đầu tư xây dựng một số hạ tầng thiết yếu như trục đường giao thông, cấp điện, cấp nước đến ngoài hàng rào Cụm; doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trong Cụm để kinh doanh, cho thuê, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Hai là, để phát huy hiệu quả hoạt động cụm công nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp từ ngân sách, cần quan tâm hỗ trợ các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp thông qua chính sách khuyến công, hỗ trợ lãi suất vay vốn.
Ba là, mặc dù ngân sách cấp huyện, xã rất khó khăn, nhưng Ủy ban nhân dân cấp huyện cần quan tâm, bố trí nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng và hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong từng cụm công nghiệp phù hợp với ngành nghề, định hướng của địa phương.
Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài cụm công nghiệp, tỉnh cần có sự chỉ đạo kiên quyết, thống nhất của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, hoàn thiện, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tin mới cập nhật
- 09 nguyên tắc xây dựng Đề án chuyển đổi số đối với các bộ, ngành, địa phương ( 22/09)
- Cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND ( 16/09)
- Vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương ( 26/08)
- Những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2024 ( 31/07)
- Những điểm mới Luật Lưu trữ (sửa đổi) ( 08/07)
- Giám sát Nghị quyết 43 - Xác định điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án ( 22/05)