Trách nhiệm hình sự của pháp nhân
EmailPrintAa
21:06 21/11/2018

Ngày 01/01/2018, Bộ luật hình sự 2015 đã chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên chế định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân thương mại (PNTM) được quy định trong luật hình sự Việt Nam, tạo ra một trong những thay đổi quan trọng nhất, là một bước phát triển mới trong BLHS 2015 cũng như chính sách hình sự của Việt Nam

1. Khái niệm trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân thương mại phải gánh chịu trước Nhà nước, do pháp nhân đó thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà những hành vi này được quy định là tội phạm trong pháp luật hình sự.

TNHS của PNTM phát sinh và tồn tại khách quan kể từ khi tội phạm được thực hiện; được xác định bằng trình tự đặc biệt quy định trong pháp luật Tố tụng hình sự; là dạng trách nhiệm pháp lý mang lại hậu quả nghiêm khắc nhất đối với chủ thể (hình phạt, các biện pháp tư pháp hình sự, các biện pháp cưỡng chế) trong quá trình tố tụng hình sự.

Lần đầu tiên, trách nhiệm hình sự của pháp nhân được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015. Căn cứ bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chuyển dần sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, có những bước phát triển mạnh mẽ tạo ra nhiều thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức doanh nghiệp tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách, bất chấp sự an toàn tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân trong một số lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội, chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, đấu thầu xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động... khá nhiều vụ việc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không thể dừng lại bằng xử lý hành chính, mà cần xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Nếu coi pháp nhân là chủ thể tội phạm sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, nhất là bảo vệ kịp thời lợi ích người bị thiệt hại bằng thủ tục tư pháp hình sự.

Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là phù hợp với lý luận khoa học pháp lý, bởi pháp nhân tham gia vào quan hệ pháp luật như một chủ thể bình đẳng, độc lập. Pháp nhân có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân phát sinh đồng thời và thường là kể từ thời điểm được cấp phép hoạt động. Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua hành vi của những  người đại diện hợp pháp của pháp nhân. Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân. Như vậy, pháp nhân được xem như là một chủ thể độc lập. Khi những người đại diện cho pháp nhân thực hiện nghĩa vụ hoặc nhiệm vụ của pháp nhân thì ý chí và hành vi của họ được coi là ý chí và hành vi của pháp nhân.

Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung 01 Chương XI quy định về TNHS của pháp nhân gồm 16 điều (từ Điều 74 đến Điều 89) và trong một số điều khoản cụ thể khác của Bộ luật (các Điều 2, 3, 8, 33, 46), thể hiện nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau: Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm b khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015).

2. Cơ sở trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại

“Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự” (Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015).

Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan; có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Điều 75 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về pháp nhân thương mại, theo đó pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Như vậy, chỉ các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận mới có thể là chủ thể của tội phạm. Còn không đặt ra vấn đề TNHS đối với pháp nhân phi thương mại, là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên, bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang Nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác (Điều 76 Bộ luật dân sự 2015).

3. Điều kiện pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS: (Điều 75 Bộ Luật Hình sự 2015), khi có đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại. Theo đó, hành vi phạm tội này do các cá nhân trong pháp nhân thương mại thực hiện nhân danh pháp nhân và mục đích là thu được lợi ích kinh tế, vật chất cho pháp nhân đó. Trong các quan hệ chủ thể thực hiện hành vi vi phạm nhân danh pháp nhân thương mại, sử dụng danh nghĩa, nguồn vốn, con dấu và lợi ích thu được thuộc về pháp nhân.

Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại. Có nghĩa là hành vi phạm tội của các chủ thể vi phạm phải hướng tới một mục đích nhất định của pháp nhân như lợi ích về kinh tế, tài chính... Vì vậy, người đứng đầu pháp nhân (người đại diện theo pháp luật của pháp nhân) hoặc những người được cấp lãnh đạo của pháp nhân ủy quyền trực tiếp thực hiện tội phạm nhằm đưa lại lợi ích cho pháp thì pháp nhân phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Xuất phát từ việc hành vi phạm tội nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân mà những hành vi phạm tội của pháp nhân chủ yếu do chính các quyết định, các kế hoạch, điều hành, quản lý của pháp nhân mà đứng đầu là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Yếu tố quản lý, điều hành mang tính quyết định và nếu không có những chỉ thị, quyết định này thì hành vi vi phạm có thể sẽ không được thực hiện.

Thứ tư, hành vi vi phạm chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS. Thời hiệu truy cứu TNHS được quy định cụ thể tại Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Loại tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự

Pháp luật hiện hành quy định về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại (Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015), pháp nhân thương mại chỉ phải chịu TNHS về 33 tội phạm sau đây:

Nhóm tội phạm trong lĩnh vực kinh tế: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã).

Nhóm tội phạm trong lĩnh vực môi trường: Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).

Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định pháp nhân thương mại phải chịu TNHS đối với 02 tội danh: Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324).

5. Về chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân

Chế tài hình sự, hệ thống hình phạt dành cho pháp nhân như sau: phạt tiền, hạn chế kinh doanh, cấm kinh doanh, đóng cửa cơ sở, giải thể, cấm huy động vốn, tịch thu tài sản... Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 77 BLHS năm 2015); đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78 BLHS năm 2015); đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79 BLHS năm 2015):

Hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 BLHS năm 2015); cấm huy động vốn (Điều 77 BLHS năm 2015); phạt tiền (nếu không áp dụng là hình phạt chính).

Ngoài ra, Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định cụ thể về các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 82); căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Điều 83); các tình tiết giảm nhẹ TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 84); các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 85); quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86); tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 87) miễn hình phạt (Điều 88) và xóa án tích (Điều 89 BLHS).

Lê Hoàn

    Ý kiến bạn đọc