Y tế dự phòng cải thiện, ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm
EmailPrintAa
16:41 15/02/2023

Cổng Thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục trích đăng kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2020 -31/12/2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng từ ngày 01/01/2018 - 31/12/2022 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Bài 6: Y tế dự phòng cải thiện, ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Thời gian qua, hệ thống y tế dự phòng đã từng bước được củng cố, năng lực được cải thiện, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch bệnh lớn, đặc biệt là dịch Covid-19, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (bại liệt, uốn ván sơ sinh, phong, sốt rét), các yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe như môi trường, thực phẩm, vệ sinh cá nhân, sức khỏe tinh thần… được quan tâm hơn. Qua đó giảm gánh nặng bệnh tật của người dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Chí Thanh báo cáo các nội dung với Đoàn giám sát

Giai đoạn 2018 - 2022, Hà Tĩnh ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chính sách đối với y tế công lập (trong đó có nội dung về y tế dự phòng), chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Việc ban hành các chính sách đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Trung ương, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, của ngành. Qua đó, ngành Y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là về công tác phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và một số bệnh không lây nhiễm; công tác tiêm chủng, dân số và phát triển, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS; bảo đảm máu an toàn và phòng chống một số bệnh lý huyết học, quân dân y kết hợp và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế…

Hoàn thiện bộ máy làm công tác Y tế dự phòng

Bộ máy làm công tác Y tế dự phòng hiện nay gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 13 TTYT tuyến huyện, trong đó có 07 TTYT thực hiện 03 chức năng (KCB; Y tế dự phòng và dân số) 06 TTYT thực hiện 02 chức năng (Y tế dự phòng, dân số) và 216 TYT tuyến xã, phường, thị trấn thuộc UBND cấp huyện quản lý. Bộ máy làm công tác y tế dự phòng hiện nay cơ bản hoạt động hiệu quả, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trưởng ban Văn hoá - xã hội HĐND tỉnh Đào Anh Nga bày tỏ băn khoăn, liệu sau sáp nhập bộ máy, trung tâm có vướng mắc, bất cập gì trong hoạt động hay không.

Việc thành lập TTYT cấp huyện đã giảm được các đầu mối, giải quyết được sự chồng chéo trong nhiệm vụ, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo cho việc quản lý về lĩnh vực y tế tuyến cơ sở được thống nhất, thông suốt từ cấp huyện đến cấp xã; việc phối hợp thực hiện công tác y tế dự phòng và điều trị được chặt chẽ, có hiệu quả hiệu quả cao hơn, khắc phục được tình trạng phối hợp thiếu nhịp nhàng trong thực hiện nhiệm vụ chung giữa các lĩnh vực thuộc ngành y tế trước đây trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc chủ động, linh hoạt trong điều phối về nhân lực và vật lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng được các yêu cầu tình huống y tế công cộng khẩn cấp; việc điều động, luân chuyển các bác sỹ, viên chức y tế giữa xã và huyện thuận tiện hơn. Việc hỗ trợ công tác chuyên môn KCB cho TYT được tốt hơn. Các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng được tập trung về một mối nên phát huy được công suất sử dụng, tránh lãng phí, giảm nhu cầu đầu tư so với trước.

Mô hình TTYT do UBND huyện quản lý tạo điều kiện huy động được tối đa nguồn lực của các địa phương trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính bổ sung trong công tác dự phòng, dân số được đảm bảo.

Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn - thành viên Đoàn giám sát nêu một số hạn chế về quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, đề nghị CDC Hà Tĩnh cần bổ sung các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý

Thu hút, đào tạo nhân lực y tế làm công tác dự phòng

Tổng số 457 cán bộ y tế dự phòng (tuyến tỉnh, huyện), gồm 152 cán bộ tuyến tỉnh, 305 cán bộ tuyến huyện. Tổng số 86 bác sĩ công tác lĩnh vực Y tế dự phòng, gồm: 31 bác sĩ tuyến tỉnh, 55 bác sĩ tuyến huyện.

Công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng được quan tâm, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong đó có chính sách thu hút và hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với lĩnh vực Y tế dự phòng (Tiến sĩ: 100 triệu đồng, BSCKII: 08 triệu; thạc sĩ – BSCKI là 40 triệu đồng, tuy nhiên số bác sĩ đi học sau đại học chuyên ngành Y tế dự phòng còn ít (giai đoạn 2018 - 2022 khoảng 02 bác sỹ).

Việc thực hiện chi trả chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động đang công tác y tế dự phòng theo đúng quy định hiện hành, như: Hỗ trợ đối với lĩnh vực Y tế dự phòng theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, Nghị quyết số 144/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 71/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ ưu đãi đối với bác sĩ công tác lĩnh vực Y tế dự phòng (02 triệu đồng/người/tháng).

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên Trần Huy Nghĩa: Sau sáp nhập Trung tâm y tế huyện và Trung tâm dân số huyện, bộ máy được tinh giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, khám chữa bệnh cho Nhân dân

Đảm bảo cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế dự phòng

Ngân sách cho hoạt động y tế dự phòng được nhà nước đảm bảo tiền lương và các khoản đóng góp được thực hiện trên số biên chế được giao hàng năm, các hoạt động chi thường xuyên được thực hiện theo định mức, các hoạt động mua sắm phục vụ công tác chuyên môn trong lĩnh vực y tế dự phòng được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.

Tỷ lệ chi cho y tế dự phòng so với NSNN cho y tế chiếm khoảng 26%, tương đối ổn định trong các năm đảm bảo duy trì hoạt động.

Hiệu quả công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Đối với phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành: Các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch, tăng cường chỉ đạo và tuyên truyền phòng, chống dịch, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai công tác tiêm chủng và các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế. UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm và mới nổi (sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...). Trong giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn toàn tỉnh không có dịch lớn xảy ra, không có các ổ dịch phức tạp bùng phát. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp tại các địa phương thường xuyên được kiện toàn, củng cố để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa phương.

Phòng, chống sốt xuất huyết: Hàng năm, công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết luôn được triển khai tích cực, chủ động; số lượng/tỷ lệ mắc trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với các địa phương trong nước và khu vực lân cận.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm số mắc trung bình trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận khoảng 100 ca/năm, không có trường hợp tử vong.

Phòng, chống dịch Covid-19: Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị, nòng cốt là ngành y tế thực hiện có hiệu quả chiến lược phòng, chống dịch: “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”. Trong đó, 03 hoạt động nòng cốt là giám sát chặt chẽ các nguy cơ, truy vết thần tốc, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa hẹp. Toàn bộ hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung cao cho việc điều tra, truy vết, xét nghiệm các đối tượng F1, F2 và các đối tượng có nguy cơ cao... năng lực xét nghiệm của Hà Tĩnh được nâng cao từ đội ngũ cán bộ đến hệ thống xét nghiệm, đáp ứng các tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.

Tính đến ngày 21/12/2022: Cộng dồn số ca mắc Covid-19 là 58.175 ca; số ca tử vong là 54 ca. Kết quả tiêm vắc-xin Covid-19 các đợt được triển khai thực hiện theo kế hoạch, cụ thể: Đối với người từ 18 tuổi trở lên: Đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt 108,99%; đã tiêm 2 mũi đạt 107,32%; đã tiêm mũi 3 đạt 91,48%; đã tiêm mũi 4 đạt 97,78 %. Đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi: Đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt 127,72%; đã tiêm 2 mũi đạt 123,15%; đã tiêm mũi 3 đạt 80,14%. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Đã tiêm ít nhất 1 mũi đạt 101,28%, đã tiêm 2 mũi đạt 75,98%.

- P hòng chống HIV/AIDS: Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư (tích lũy) hàng năm đều dưới 0,17% đạt chỉ tiêu kế hoạch; 80% người nghiện ma túy (nhóm Opiats) được điều trị bằng thuốc các thuốc thay thế; 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT; nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS cơ bản được nâng lên rõ rệt, trên 85% người dân trong độ tuổi từ 15 - 49 hiểu biết các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS và cách phòng tránh. Trên 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng vi rút (ARV); duy trì hiệu quả chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại 03 cơ sở điều trị  và 03 cơ sở cấp phát thuốc.

- Phòng, chống bệnh phong: Các hoạt động phòng, chống phong được tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn từ 2016-2019 trên toàn tỉnh, đến nay các chỉ số dịch tễ phát hiện bệnh nhân phong mới (I) và chỉ số lưu hành (P) đã giảm, đặc biệt là những năm gần đây. Tỷ lệ lưu hành/10.000 dân đạt dưới 0,02; không phát hiện bệnh nhân phong mới; tỷ lệ tàn tật độ II là 0% cho thấy tính hiệu quả và bền vững của hoạt động phòng chống bệnh phong, tiến tới đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh (theo 4 tiêu chí theo thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 06/6/2013). Hiện có 23 bệnh nhân phong ở 21 xã, phường, thị trấn được quản lý chăm sóc tại nhà; không có bệnh nhân phong mới.

Kiểm soát phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về y tế dự phòng, kiểm soát yếu tố nguy cơ và thúc đẩy các yếu tố tăng cường sức khỏe để phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch chi tiết, hướng dẫn các đơn vị trong ngành tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, trong đó đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn về phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho lãnh đạo, trưởng khoa, cán bộ chuyên trách cấp huyện và trạm trưởng, cán bộ chuyên trách cấp xã.

Năm 2018 đã triển khai kiểm tra, sàng lọc huyết áp cho 100% người dân trên 40 tuổi trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã triển khai quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố, số xã đã triển khai là 213/216 xã, đạt 98,6%; số được phát hiện 77.094 người, số bệnh nhân đang được quản lý, điều trị tại TYT là 26.118 đạt tỷ lệ 33,9 %.

Triển khai quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại 12/13 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó số xã đã triển khai là 112/216 xã, đạt tỷ lệ 52%; tổng số được phát hiện 20.018 người, số bệnh nhân đang được quản lý, điều trị tại TYT là 3.408 người, đạt tỷ lệ 17%.

Tổng số huyện đã triển khai phần mềm bệnh không lây nhiễm là 13/13; số xã đã triển khai phần mềm 142/216 xã, đạt 65,7%; tổng số bệnh nhân tăng huyết áp được nhập vào phần mềm là 33.720/77.094 người, đạt 43,7%; tổng số bệnh nhân đái tháo đường đã nhập vào phần mềm 8.763/20.014 người, đạt 43,8 %.

Khám sàng lọc ung thư vú cho 3.700/5.250 đối tượng có nguy cơ, đạt 70,5%.

Duy trì t iêm chủng mở rộng, c hăm sóc sức khỏe sinh sản

Công tác tiêm chủng mở rộng và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng được duy trì; tiếp nhận, quản lý và sử dụng các loại vắc xin, vật tư tiêm chủng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên tại 100% xã, phường, thị trấn được đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, không có tai biến xảy ra.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em được tăng cường nhằm giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em. Các hoạt động tập trung vào nâng cao chất lượng quản lý thai nghén bằng việc sử dụng có hiệu quả các công cụ quản lý thai nghén, thực hiện quy trình theo dõi chuyển dạ bằng biểu đồ chuyển dạ và hồ sơ theo dõi chuyển dạ, nhất là tuyến xã.

Tỷ lệ uống bổ sung vitamin A hàng năm tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã và 216/216 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 100%; hàng năm triển khai tốt tuần lễ dinh dưỡng và phát triển, tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ tại 216/216 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100%.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm dần.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Võ Xuân Linh: Ngay sau khi thực hiện sáp nhập, Trung tâm Y tế huyện đã hoạt động hiệu quả; công tác phòng, chống dịch trên địa bàn có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đạt nhiều kết quả khả quan

Một số tồn tại, hạn chế

Mô hình thí điểm TTYT tuyến huyện, trong đó có chức năng lĩnh vực y tế dự phòng hiện chưa được thống nhất và còn nhiều chồng chéo tương tự mô hình tổ chức của hệ thống y tế cơ sở.

Nhân lực hệ thống y tế dự phòng còn thiếu và yếu, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Việc tuyển dụng bác sĩ đa khoa chính quy, dài hạn về công tác lĩnh vực Y tế dự phòng rất khó khăn. Việc huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch còn khó khăn.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị nhất là hệ thống y tế dự phòng, TYT còn hạn chế. Cơ sở vật chất, hạ tầng của TTYT xuống cấp chưa đáp ứng so với nhu cầu sử dụng và hoạt động, chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng. Lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Cơ chế, chính sách về BHYT chưa thuận lợi cho việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại cơ sở. Tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường được quản lý và điều trị tại các TYT so với số bệnh nhân bị mắc ước tính tại cộng đồng còn thấp. Chưa duy trì tốt việc khám sàng lọc người có nguy cơ cao hoặc nghi ngờ mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp hàng năm cho người từ 40 tuổi trở lên.

Hàng năm kinh phí cho các chương trình mục tiêu quốc gia thường phê duyệt muộn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động. Nguồn kinh phí Trung ương và các dự án cắt giảm, nguồn kinh phí địa phương hạn chế nên việc triển khai hoạt động gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.

Nguyên nhân

Các văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chồng chéo, chưa thống nhất trong việc triển khai mô hình TTYT tuyến huyện. Thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến y tế cơ sở như: Hướng dẫn xếp hạng TTYT; quy định về định mức biên chế trong cơ sở KCB công lập; quy định về xã hội hóa liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế, …

Số lượng bác sỹ tại tuyến y tế cơ sở được đào tạo chính quy thấp, phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông nên năng lực chuyên môn vẫn còn nhiều hạn chế. Chế độ chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; phụ cấp ưu đãi cho y tế xã, y tế thôn còn thấp, chưa khuyến khích cán bộ y tế về tuyến cơ sở.

Về cơ chế tài chính: Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí theo lộ trình, gây khó khăn cho các cơ sở trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ tài chính (đặc biệt là các đơn vị tự chủ nhóm II). NSTW đầu tư cho y tế cơ sở còn thấp trong khi nguồn lực nguồn lực của địa phương còn hạn chế.

BHYT hiện nay mới chỉ thanh toán cho các dịch vụ KCB, chưa có đủ nguồn lực và cơ chế thanh toán cho các dịch vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe, quản lý người bệnh tại cộng đồng, cung cấp dịch vụ ngoại tuyến, đội KCB lưu động… Các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dân số thực hiện dưới hình thức giao nhiệm vụ từ hoạt động chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế…

- Các quy định về mua sắm trang thiết bị y tế tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế… còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Quang Đức

    Ý kiến bạn đọc