Ngày 8 tháng 9 năm 1945, đúng một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước.
Ngày 31/12/1945, Bác viết bài đăng trên báo Cứu quốc, số 130: ...“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài để gánh vác công việc của nước nhà. Trong Tổng tuyển cử hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Vì lẽ đó cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết.
Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân.
Vậy nên khẩu hiệu cuộc Tổng tuyển cử thứ nhất của nước Việt nam ta phải là:
Kháng chiến đến cùng để hoàn toàn độc lập.
Ra sức phấn đấu để xây dựng nước nhà.
Tôi mong rằng toàn thể quốc dân sẽ hăng hái tham gia cuộc Tổng tuyển cử này” (Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng Nhân dân - NXB Chính trị Quốc gia 1996 tr 15, 16).
Ngày 5/01/1946, trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu (Báo cứu Quốc số 134, ngày 5/01/1946), Bác viết:
“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù, về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ.
Kiên quyết chống bọn thực dân.
Kiên quyết tranh quyền độc lập”...
Trong bầu cử thì bao giờ số người được giới thiệu ra ứng cử cũng nhiều hơn số người được bầu, do đó sẽ có người trúng cử, người không. Song nên hiểu vấn đề đó như thế nào cho thật đúng, Bác nói:
“Ngày mai người ra ứng cử thì đông, nhưng số Đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào; phải luôn luôn nhớ và thực hiện câu: Vì lợi nước quên lợi nhà, vì lợi chung quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.
Người không trúng cử cũng không nên ngả lòng, mình đã tỏ lòng hăng hái với nước với dân thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó... Lần này không được cử, ta cố gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định sẻ cử ta”... (Sdd tr 18).
Ngày 5 tháng 01 năm 1946, trong buổi lễ ra mắt các ứng cử viên tại Việt Nam học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Trước đông đảo quần chúng, Bác nói: “Từ xưa đến nay, toàn dân chưa bao giờ tuyển cử, vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe lời Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta vừa tranh được độc lập. Một số ít người, chỉ một số ít thôi, đã quên cái công khó nhọc của dân chúng. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm cái lá phiếu ngày nay đó... Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay”...
|
Cử tri bỏ phiếu ngày 6/01/1946 |
Hướng về các ứng cử viên Bác nói: ... “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung”...
Rồi hướng về cử tri Bác căn dặn... “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”... (Sdd - tr19)
Ngày 02 tháng 03 năm 1946, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I long trọng khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Cũng như các Đại biểu khác, Bác Hồ mang thẻ Đại biểu số 305. Trong bản báo cáo ngắn gọn trước Quốc hội, Bác nói: “Cuộc Quốc dân Đại biểu Đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam ta. Nó là kết quả cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/01/1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là kết quả của sự hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt nam ta... gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt nam, đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm, tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc...
Trong cuộc Toàn quốc Đại biểu Đại hội này, các đảng phái đều có Đại biểu, mà Đại biểu không đảng phái cũng nhiều, đồng thời phụ nữ và dân tộc thiểu số cũng đều có Đại biểu. Vì thế cho nên các Đại biểu trong Quốc hội này không phải Đại diện cho một đảng phái nào, mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam”. (Hồ Chí Minh toàn tập, trang 189 - 190).
Sau khi Chính phủ Kháng chiến được thành lập, với cương vị Chủ tịch Chính phủ, Bác đã phát biểu lời tuyên thệ trước Quốc hội: “Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tối cao cố vấn đoàn và Ủy viên kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội thề xin cương quyết lãnh đạo Nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công cuộc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ” (Sdd tr 20).
Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất, lại tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ như nước Việt Nam ta hồi ấy. Thấy một số đồng chí tỏ vẻ lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ không đạt kết quả, do trình độ của Nhân dân lúc bấy giờ còn quá thấp, Bác Hồ, với lòng tin tuyệt đối vào lòng yêu nước của Nhân dân đã khẳng định: Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định sẽ thành công.
Nói về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/01/1956 trong “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Với sự kiện trọng Đại này, dân tộc Việt Nam ta sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, trở thành dân tộc đầu tiên thiết lập được Nhà nước có chế độ chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu. Không phải ngẫu nhiên mà vinh quang này thuộc về dân tộc Việt Nam ta, mà tên tuổi mãi mãi gắn liền với tên tuổi người con vĩ Đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh”...
“Chủ tịch Hồ chí Minh là con người của những quyết định lịch sử”.
Tin mới cập nhật
- Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) ( 16/10)
- Nhiều kiến nghị có giá trị trong việc lấy ý kiến góp ý dự án luật lĩnh vực thuế - tài chính , ngân sách của Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh ( 15/10)
- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Công an tỉnh về một số dự án trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ( 11/10)
- Nhiều ý kiến chất lượng góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ( 09/10)
- Hà Tĩnh: Cử tri kiến nghị tiếp tục giữ chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên ( 08/10)
- Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 ( 01/10)