Cần làm rõ trong Hiến pháp nhiệm vụ, quyền hạn của QH trong việc quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
EmailPrintAa
21:14 31/05/2013

Dư âm của Hội thảo về vai trò của các Ủy ban Tài chính công nghị viện các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Đại học Deakin, Australia mà Đoàn đại biểu Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nước ta vừa tham dự chính là hiệu quả hoạt động giám sát ngân sách nhà nước của nghị viện và cơ quan kiểm toán nhà nước. Anh em trong đoàn chúng tôi nói với nhau là cứ nhìn một xã hội được tổ chức tốt chứng tỏ ngân sách quốc gia đã được sử dụng một cách hiệu quả dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Thực tiễn một số quốc gia cho thấy, cơ sở pháp lý cho hoạt động của Ủy ban Tài chính công được thể hiện nơi thì ngay trong Hiến pháp, nơi thì có luật riêng. Hoạt động của Ủy ban Tài chính công nhằm thẩm tra, giám sát: báo cáo tài chính của tất cả các cơ quan hành pháp; các báo cáo kiểm toán của Tổng kiểm toán về báo cáo tài chính của các cơ quan hành pháp; báo cáo tài chính hoặc các báo cáo thuộc trách nhiệm của Ủy ban theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Ủy ban Tài chính công cũng thực hiện thẩm tra về bất kỳ các báo cáo tài chính nào nêu trên hoặc báo cáo ra nghị viện, khởi xướng và phát triển báo cáo giám sát hàng năm trên cơ sở báo cáo tài chính hàng năm, yêu cầu bất kỳ một cuộc điều tra nào trong phạm vi quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Tài chính công có nhiệm vụ hỗ trợ các cơ quan thuộc khu vực công: chi tiêu trong phạm vi ngân sách của mình và theo đúng mục đích mà các cơ quan lập pháp đã ấn định; chịu trách nhiệm giải trình về tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan đến quản lý tài chính; xác định giá trị dịch vụ công cung cấp cho người dân và nhà nước; nâng cao năng lực quản lý tài chính cần thiết; và nâng cao tiêu chuẩn quản lý tài chính trong các cơ quan thuộc khu vực công.

Theo khảo sát của Viện Ngân hàng Thế giới năm 2005, các yếu tố quan trọng bảo đảm thành công của Ủy ban Tài chính công là hình thành các kiến nghị và công bố các kết luận trong báo cáo thẩm tra, giám sát, thực hiện giám sát toàn diện chi tiêu công trong quá khứ và hiện tại; lựa chọn nội dung giám sát một cách độc lập và tập trung vào giải trình tài chính chứ không chỉ giải trình chính sách.

Hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tài chính công được bảo đảm bằng các quy định về thẩm quyền, sự ủng hộ và hợp tác của các ĐBQH và thành viên của Ủy ban, sự ủng hộ của Chính phủ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của Ủy ban, tính xác thực, đầy đủ của nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu, xây dựng kế hoạch hoạt động, thực hiện kiến nghị sau giám sát, đánh giá tác động và thông tin kết quả hoạt động của Ủy ban.

Ủy ban Tài chính công thực hiện giám sát Chính phủ bằng cách thông tin tới QH, qua QH tới nhân dân, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính công và ngân sách nhà nước. Đồng thời sử dụng các đề xuất, kiến nghị trong báo cáo của Ủy ban như một động lực nhằm nâng cao hiệu quả tài chính công.

Thành công của các Ủy ban Tài chính công liên quan trực tiếp đến sự đóng góp của Ủy ban vào hoạt động giám sát của QH đối với cơ quan hành pháp. Hiệu quả hoạt động của Ủy ban Tài chính công chính là tỷ lệ các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban trong các báo cáo thẩm tra, giám sát được Chính phủ tiếp thu, thực hiện. Vấn đề không chỉ là đưa ra các đề xuất, kiến nghị mà quan trọng là các đề xuất, kiến nghị đó có được Chính phủ tiếp thu hay không, có được áp dụng, vận hành trong thực tế hay không?

Mối quan hệ phối hợp công tác chặt chẽ giữa Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Tài chính công là một yếu tố quan trọng bảo đảm thực thi quyền giám sát và quyết định ngân sách nhà nước của QH. Kinh nghiệm ở bang Victoria cho thấy, Tổng kiểm toán có thể báo cáo trực tiếp ra QH trong khi ở nhiều quốc gia khác, Tổng kiểm toán chỉ báo cáo ra một Ủy ban của QH, điều này trái với nguyên tắc về tính minh bạch. Ngoài ra, Tổng kiểm toán bang Victoria cũng có toàn quyền quyết định khi nào thì báo cáo. Báo cáo kiểm toán tài chính bao gồm: việc đánh giá các dự toán ngân sách, các ý kiến kiểm toán, các báo cáo ra QH. Có nhiều cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước như: xây dựng các báo cáo theo ngành, tăng cường nội dung mang tính phân tích các vấn đề quản lý chính và các chỉ số bền vững, giới thiệu các lĩnh vực trọng tâm của kiểm toán tài chính trong kế hoạch thường niên để tăng cường tính minh bạch; báo cáo về tiến độ của các dự án trọng điểm.

Cơ quan Kiểm toán bang Victoria với khoảng 160 cán bộ, nhưng thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính gần như 100% các đối tượng phải kiểm toán và thực hiện kiểm toán hoạt động khoảng 40% các đối tượng thuộc diện kiểm toán hoạt động theo các chuẩn mực kiểm toán do Hiệp hội nghề nghiệp quy định. Phần lớn các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, Cơ quan Kiểm toán bang Victoria thuê các công ty kiểm toán thực hiện. Các cuộc kiểm toán hoạt động được thực hiện theo chuẩn mực và hướng dẫn kiểm toán hoạt động do Cơ quan Kiểm toán bang Victoria quy định sau khi đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan. Cơ quan Kiểm toán bang Victoria tự thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động, có thuê chuyên gia trong quá trình kiểm toán nếu cần thiết. Kiểm toán hoạt động của khu vực công nhằm xác định tính kinh tế và tính hiệu quả, hiệu lực của các cơ quan trung ương và địa phương. Khi tiến hành lựa chọn hoạt động kiểm toán phải cân nhắc các yếu tố xã hội, môi trường, rủi ro tài chính và tính thực tế. Hiện nay, xu hướng chung của các nước là tăng cường chất lượng của các báo cáo kiểm toán thông qua việc xây dựng các báo cáo ngắn gọn hơn và có trọng tâm, trọng điểm; đơn giản hóa các báo cáo; báo cáo viết rõ nội dung kiểm toán và kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Từ nhận thức đó, chúng tôi thấy trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần chú ý quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của QH trong việc quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách tài khóa, chiến lược tài chính quốc gia. Trong sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, cần nghiên cứu bổ sung nội dung tăng cường trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các cơ quan QH đối với thẩm tra, quyết định, giám sát ngân sách nhà nước, tài chính công hay bổ sung nội dung về chế độ báo cáo của Chính phủ trong việc thực hiện ngân sách nhà nước, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, của Kiểm toán nhà nước.

Trong lúc diễn ra hội thảo, chúng tôi đọc báo thấy tờ The Australia ngày 8.2.2012 đưa tin Bộ trưởng cao cấp của bang Queensland Stephen Robertson đã bị triệu tập đến cuộc chất vấn về trận lụt của bang vì có bằng chứng cho thấy con đập chính của Brisbane đã không được quản lý tốt trong những ngày trước khi thành phố bị ngập lụt. Tất cả chứng tỏ trách nhiệm giải trình rất cao của cơ quan hành pháp trước nghị viện, trước nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của một quốc gia.


    Ý kiến bạn đọc