Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến góp ý về các dự thảo Luật
EmailPrintAa
21:39 21/03/2020

Ngày 20/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn và Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đồng chủ trì hội nghị.
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn và Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Văn Thắng đồng chủ trì hội nghị

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 tập trung vào sửa đổi, bổ sung kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc nhằm phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mà không mở rộng sửa đổi sang các nội dung khác của Luật.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc thành lập mới Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc VKSND tối cao hiện nay sẽ không đảm bảo yêu cầu về chủ trương tinh giản bộ máy biên chế và cán bộ. Khi VKSND tối cao vừa là cơ quan giám sát, vừa là cơ quan giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan trong khi lực lượng kỹ thuật hình sự của công an, quốc phòng vẫn đang làm tốt chức năng, nhiệm vụ.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thanh Hải đề cập tới những khó khăn trong quá trình giám định Tư pháp tại Hà Tĩnh

Đại biểu đề nghị để nguyên nội dung tại điểm đ, khoản 2 và khoản 3 Điều 25 do việc trao đổi giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trung cầu giám định, cơ quan có liên quan không bị tổ chức, cá nhân nào cấm, gây cản trở, khó khăn nên việc sửa đổi, bổ sung là không cần thiết... Cần để nguyên nội dung điểm a, khoản 2, Điều 24 của Luật Giám định Tư pháp vì thời hạn giám định đã được quy định cụ thể trong Luật Tố tụng Hình sự.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất sửa đổi khoản 4, Điều 9 của dự thảo quy định về thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang bộ trong bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp như dự thảo Luật; không bổ sung Điều 25a quy định về phân tuyến giữa Trung ương và địa phương trong trưng cầu và thực hiện giám định tư pháp; không bổ sung quy định về giám định phục vụ hoạt động thanh tra vì không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định Tư pháp...

Chánh Tòa Hành chính (TAND tỉnh) Nguyễn Thị Thương Huyền: "Cần đặt ra quy định cụ thể đối với đội ngũ hòa giải viên phải là những người có uy tín..."

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 4 chương (những quy định chung; hòa giải viên; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại; điều khoản thi hành); 38 điều. Ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với đối tượng hòa giải viên là cán bộ tư pháp, thanh tra đã về hưu và phải quy định rõ là những cán bộ có uy tín.

Đối với nhóm đối tượng là luật sư, nhà chuyên môn, chuyên gia quy định 10 năm kinh nghiệm là không phù hợp thực tế, không đánh giá đúng năng lực của từng nhóm đối tượng; từ đó các đại biểu đề xuất phương án 5 năm.

Chánh Tòa Dân sự - TAND tỉnh Nguyễn Thị Bích Đào đề xuất thời hạn để thẩm phán ra quyết định công nhận hòa giải thành cần quy định là 15 ngày

Ngoài ra, cần thêm cụm từ “công nhận” sau chữ lựa chọn tại quy định của Điều 15 (thủ tục lựa chọn, chỉ định hòa giải viên) để phù hợp với quy định tại khoản 3, khoản 4. Tại khoản 4, Điều 22 bỏ cụm từ “gặp riêng” bởi dễ hiểu lầm, thiếu khách quan. Thời hạn để thẩm phán ra quyết định công nhận hòa giải thành cần quy định là 15 ngày để thẩm phán có thời gian nghiên cứu thêm và đương sự có quyền thay đổi ý kiến. Quy định rõ thêm các hình thức kỷ luật đối với hòa giải viên vi phạm...

Tại buổi làm việc, đại biểu mong muốn dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sau khi thông qua sẽ góp phần giảm tải áp lực về công việc cho ngành tòa án. Sau khi tiếp nhận đơn, tòa án sẽ chuyển qua cho hòa giải viên thụ lý, xem xét. Trong trường hợp vụ việc hòa giải không thành, tòa án mới thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn ghi nhận, đánh giá cao ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu vào 2 dự thảo luật. Các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được Đoàn tổng hợp trình Quốc hội khóa XIV xem xét tại kỳ họp trong thời gian tới.

Nguyễn Hoa

    Ý kiến bạn đọc