Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo bộ Luật dân sự (sửa đổi)
EmailPrintAa
09:27 17/03/2015

Ngày 13/3/2015, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi).

Tại Hội thảo đã có 12 ý kiến của các đại biểu (chưa tính ý kiến bằng văn bản) đánh giá cao Dự thảo Bộ Luật Dân sự đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung (khắc phục những hạn chế, bất cập) của Bộ Luật Dân sự năm 2005: Cơ bản thể chế hóa đầy đủ, toàn diện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 liên quan đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự. Trong mối quan hệ với các luật chuyên ngành, Dự thảo Bộ Luật Dân sự đã bảo đảm là luật gốc, tạo môi trường pháp lý khá đầy đủ và thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các quan hệ thị trường. Các đại biểu tán thành với Dự  thảo về quy định các nguyên tắc đặc trưng nhất của quan hệ dân sự, trong đó có nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong pháp luật dân sự; mọi quyền dân sự được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật này, luật khác có liên quan đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự với lý do chưa có điều luật áp dụng. Dự thảo cũng đã cơ bản đảm bảo sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dân sự còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, bảo vệ các giá trị văn hóa, truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta...


Đại biểu tham gia đống góp ý kiến

 

 Các đại biểu góp ý vào một số nội dung của các phần của Dự thảo, trong đó đặc biệt tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Về quyền nhân thân, nhất trí với Dự thảo về việc bổ sung một số quyền mới như: Quyền lập hội, quyền sống... cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; về quyền xác định lại giới tính, một số đại biểu tán thành phương án 2: “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật”. Thảo luận về quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; quyền bất khả xâm phạm về chổ ở; quyền ly hôn... các đại biểu tán thành theo hướng tôn trọng quyền con người như Dự thảo quy định. Tuy nhiên, có đại biểu không đồng ý với Ban soạn thảo Dự thảo Bộ Luật Dân sự về cách diễn đạt một số nội dung trong “Quyền nhân thân”, có vấn đề cần được quy định thật cụ thể lại được quy định chung chung như Hiến pháp đã quy định, có những vấn đề cần khái quát thì lại quy định chi tiết, dẫn đến trùng lặp với luật chuyên ngành như Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và Gia đình. Về quan hệ pháp luật dân sự, quy định chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là bất cập. Vì, chưa có quy định pháp luật nào định nghĩa thế nào là hộ gia đình với tư cách là một chủ thể độc lập trong quan hệ pháp luật dân sự, dẫn đến khó xác định hộ gia đình là gì, bao gồm các thành viên nào? Mặt khác, các đại biểu cũng phân tích nhiều về việc không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi nhiều quan hệ pháp luật hiện hành do hộ gia đình thực hiện vẫn đang được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vì vậy, trước mắt chỉ nên giới hạn các giao dịch của hộ gia đình liên quan đến tài sản chung là quyền sử dụng nhà đất; về lâu dài thì không nên ghi nhận đây là một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì khó xây dựng các quy định để điều chỉnh các quan hệ nội bộ giữa các thành viên trong gia đình, dẫn đến việc khó áp dụng trong thực tiễn. Nhiều đại biểu nhất trí như Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) là cần loại bỏ việc ghi nhận tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Vì, nếu tổ hợp tác đáp ứng được các điều kiện của pháp nhân thì các thể nhân sẽ hoạt động kinh doanh dưới hình thức pháp nhân, còn nếu không đủ điều kiện thì chỉ cần áp dụng các quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh.

 Về hình thức sở hữu, nhiều đại biểu nhất trí với Dự thảo Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra 3 hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Một số đại biểu đề xuất 4 hình thức sở hữu: sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân, sở hữu chung. Và nhấn mạnh, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) lần này cần quy định rõ hơn hình thức sở hữu toàn dân để xác định chi tiết các loại quyền của Nhà nước; quyền của người dân đối với các tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Về xác lập thời điểm quyền sở hữu bất động sản là thời điểm hoàn tất thủ tục hành chính là không phù hợp với thực tiễn, việc xác lập thời điểm quyền sở hữu bất động sản theo quy định của các luật chuyên ngành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản phù hợp với thực tiễn hơn.

Về giao dịch dân sự, được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi từ Điều 134, và các Điều 136 - 148, trong đó nhấn mạnh về giao dịch dân không tuân thủ quy định và nhất trí với Dự thảo: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Quy định như vậy vừa chống được sự lạm dụng của bên “bội ước” vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch, nhất là bên “thiện chí”, bên “ngay tình”.

          Về thừa kế, một số đại biểu đang công tác ở cơ quan tư pháp nêu một dẫn chứng thực tế ở địa phương về thừa kế và người quản lý di sản. Và có ý kiến: Bộ Luật Dân sự phải quy định chi tiết thời hiệu thừa kế về từng loại di sản để thuận lợi trong việc xét xử các vụ án liên quan đến thừa kế tài sản (để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức). Các đại biểu đề nghị không nên bỏ nguyên tắc hòa giải trong quan hệ dân sự, việc thỏa thuận, hoà giải giữa các bên, đồng nghĩa với việc một hoặc nhiều bên nhường quyền hoặc lợi ích cho một hoặc nhiều bên khác cần được khuyến khích trong đời sống dân sự.

Về áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các đại biểu quan tâm nhiều đến việc điều chỉnh các quy định phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế theo hướng tiếp thu có chọn lọc các tiêu chuẩn pháp lý chung đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi...

Về từ ngữ, các đại biểu đề nghị trong Bộ Luật Dân sự cần phải giải thích thật rõ các từ, cụm từ “súc tích” nhưng khó hiểu như: “địa dịch”, “quyền hưởng dụng”, “quyền bề mặt”... để đông đảo nhân dân hiểu, theo đó tuân thủ pháp luật tốt hơn.

 Phát biểu kết thúc Hội thảo, chủ trì đề nghị các thành phần tham dự tiếp tục đóng góp các ý kiến bằng văn bản; Mặt trận các cấp phối hợp với ngành chức năng, các tổ chức thành viên tiếp tục tổ chức lấy kiến các tầng lớp nhân dân, tổng hợp gửi về Mặt trận tỉnh tổng hợp chung để gửi ra Trung ương theo quy định.


    Ý kiến bạn đọc